Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

Nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức và cán bộ trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

 Nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức và cán bộ trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Để bảo đảm hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, nhiệm vụ xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ có vai trò quyết định. Đảng không ngừng kiện toàn hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở, phát triển đội ngũ đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp ngang tầm nhiệm vụ. Đại hội VI (năm 1986), toàn Đảng có gần 1,9 triệu đảng viên; đến Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta có hơn 5,1 triệu đảng viên. Từ yêu cầu của thực tiễn đổi mới, Hội nghị Trung ương 4 khóa X (tháng 1-2007) đã quyết định sắp xếp lại bộ máy tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị. Các cơ quan tham mưu giúp Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo gồm 8 ban và không nhất thiết ở Trung ương có ban nào thì địa phương cũng như vậy; Chính phủ gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và ổn định cho đến nay. Các tổ chức lớn trong bộ máy được thu gọn, nhưng có thực tế là các đơn vị (cục, vụ, viện, phòng, ban) trong đó lại nhiều lên, dẫn đến bộ máy phình to ra; biên chế vẫn tăng. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chủ trương: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân... Chủ trương đó được thực hiện có nhiều thành công ở cả Trung ương và địa phương. Kinh nghiệm cho thấy, nếu có quyết tâm chính trị, giải pháp thích hợp, vì sự nghiệp chung thì dù khó khăn đến mấy Đảng vẫn có thể thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII đã thông qua Chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (ngày 18-6-1997), với việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị; cán bộ khoa học, chuyên gia các lĩnh vực; cán bộ lực lượng vũ trang và cán bộ quản lý các doanh nghiệp. Thực tiễn đổi mới và hội nhập quốc tế càng đặt ra yêu cầu cần nhận thức sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, đào tạo, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đó là bước tiến rất quan trọng trong nhận thức và thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ.

Công tác cán bộ có những đổi mới rõ rệt, từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, lựa chọn đến chính sách đối với cán bộ. Để chống sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, cần thiết phải tăng cường giáo dục, siết chặt kỷ luật, pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả. Nhưng điều rất căn bản ở đây là, cần hết sức coi trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, “xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết  là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”. Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội XIII của Đảng đã ghi nhận thành công của công tác cán bộ. Lựa chọn cán bộ lãnh đạo các cấp được thực hiện bài bản, dân chủ, công khai, minh bạch với quy trình 5 bước theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, đã lựa chọn được các đồng chí xứng đáng; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy, Trung ương những người có dấu hiệu, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”, bè phái, chạy chức, chạy quyền; bên cạnh đó, kết hợp “xây” và “chống” trong công tác cán bộ được tổng kết sâu sắc. Toàn Đảng cần thực hiện tốt chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và bảo vệ cán bộ: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.

Công cuộc đổi mới ngày càng phát triển, Đảng và nhân dân mong muốn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ đức, đủ tài ngày càng đông đảo đưa đất nước đi tới chủ nghĩa xã hội, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc. Theo đó, với đội ngũ cán bộ, đảng viên, “đức” là học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản; “tài” là làm chủ tri thức, học vấn hiện đại, nhất là trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. V.I. Lê-nin từng nhấn mạnh, muốn xây dựng thành công xã hội cộng sản thì phải có trí tuệ, học thức cao. Chủ nghĩa cộng sản thì “chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở một nền học vấn hiện đại, và nếu họ không có nền học vấn đó, thì chủ nghĩa cộng sản vẫn chỉ là một nguyện vọng mà thôi”.

Đổi mới phương thức lãnh đạo là yêu cầu khách quan để nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng. Phải dựa trên việc thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, như nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ, trên cơ sở phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, chống quan liêu, mệnh lệnh, thiếu trách nhiệm, vô cảm, xa dân; nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng dựa trên cơ sở Cương lĩnh, đường lối, hệ tư tưởng và tình thương yêu đồng chí, dựa trên kỷ luật của Đảng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình, trong đó phê bình và tự phê bình phải thật chân thành, trung thực, nghiêm túc, xây dựng, có lý, có tình; nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, bàn bạc, lắng nghe ý kiến của nhân dân, hiểu dân, tin dân và vì dân.

 

Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng Cương lĩnh, đường lối và lãnh đạo Nhà nước cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo bằng hệ thống tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng; bằng trực tiếp vận động, tổ chức nhân dân thực hiện đường lối và thông qua các đoàn thể trong hệ thống chính trị; lãnh đạo bằng uy tín chính trị, bằng sự cảm hóa và nêu gương. Đó là nội dung và cũng là những kinh nghiệm quan trọng trong sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng.

Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ, giải pháp quan trọng: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”; “Kết hợp hài hòa, chặt chẽ và có hiệu quả giữa xây dựng với chỉnh đốn Đảng, giữa xây dựng Đảng với bảo vệ Đảng”; tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đi đôi với việc củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước về thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng; đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị  - xã hội...

 

1 nhận xét: