Thông báo Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ: “Sau khi xem xét, thảo luận các tờ trình, đề án và báo cáo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc ban hành Nghị quyết đặc biệt quan trọng này nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt, triển khai thực hiện để trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam".

Để đưa nhanh “Nghị quyết đặc biệt quan trọng” (như trong Thông báo của Trung ương khẳng định) đi nhanh vào cuộc sống, vấn đề quan trọng cần được ưu tiên lúc này là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
 
<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>

Quân đoàn 12 và các lực lượng phối thuộc diễn tập bắn đạn thật năm 2023. Ảnh: HẢI HUY

Pháp luật về quốc phòng là một bộ phận quan trọng của hệ thống pháp luật quốc gia, bao gồm các quy phạm pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính chất quốc phòng liên quan đến bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; là sự thể chế hóa, cụ thể hóa về mặt pháp lý đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân. Đây là công cụ pháp lý quan trọng để thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng.

Hệ thống pháp luật về quốc phòng của Việt Nam là tổng thể các quy phạm pháp luật thuộc Hiến pháp, các bộ luật, luật, pháp lệnh và các văn bản dưới luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, nhằm trực tiếp hoặc gián tiếp điều chỉnh các quan hệ về quốc phòng nảy sinh trong quá trình thực hiện chức năng của Nhà nước và xã hội; đồng thời, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và quyền thiêng liêng, nghĩa vụ cao quý của công dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.  

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống pháp luật về quốc phòng của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện. Trong năm 2023 này, Quốc hội đã xem xét thông qua hai đạo luật về quốc phòng là: Luật Phòng thủ dân sự  (được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm) và Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu).

Luật Phòng thủ dân sự có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội, được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 30-8-2022, của Bộ Chính trị “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, các nghị quyết khác của Đảng có liên quan; quy định cụ thể chế định phòng thủ dân sự trong Luật Quốc phòng năm 2018, theo đó, xác định phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được xây dựng trên cơ sở luật hóa Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994, thể chế hóa các quan điểm của Đảng có liên quan; bổ sung quy định về quản lý, sử dụng và một số nội dung khác nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác này.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, trong thời gian tới, vẫn cần phải nghiên cứu để sửa đổi hoặc ban hành mới một số luật điều chỉnh về quốc phòng. Trước mắt, cần sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tổ chức của Quân đội. Hai luật này đang được Bộ Quốc phòng tiến hành tổng kết và đã có nhiều ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị về sự bất cập, không phù hợp với thực tiễn, cần phải sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho việc gìn giữ, phát triển tiềm lực quốc phòng để “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, chăm lo tốt hơn đời sống của cán bộ, chiến sĩ và hậu phương Quân đội.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 25-12 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Quân ủy Trung ương tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng; triển khai hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đồng bộ với các chiến lược trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và các nghị quyết về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế của đất nước. Muốn vậy, cần phải tiếp tục xây dựng và sửa đổi một số đạo luật để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, như: Dự án Luật Điều chỉnh về tình trạng khẩn cấp; dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...

Đặc biệt, cần phải nghiên cứu để sửa đổi hoặc ban hành mới một số luật điều chỉnh về hoạt động quốc phòng, như xây dựng Luật về kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh, nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, nguyên tắc hiến định là: Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế; chuẩn bị nguồn lực cho kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Ngoài ra, cần phải xây dựng các luật chuyên ngành quy định về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, về động viên công nghiệp, về tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp; các biện pháp đặc biệt khác để bảo đảm quốc phòng.

Để hệ thống pháp luật về quốc phòng đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật chuyên ngành khác, rất cần phải sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo hướng bổ sung quy trình thẩm tra nội dung bảo đảm quốc phòng đối với tất cả dự án luật, dự thảo nghị quyết, dự án pháp lệnh, để các văn bản này khi được ban hành đều đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quốc phòng. Việc pháp điển hóa, hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quốc phòng cần kịp thời, nhằm tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng.

Mặt khác, cũng cần tăng cường giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết những nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có nội dung về quốc phòng, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành, nợ ban hành hoặc ban hành văn bản có dấu hiệu không phù hợp với Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết; sớm đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống./.

ST.