Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Đấu tranh loại bỏ thái độ “cầu an” trong phân tích, đánh giá đảng viên và tổ chức Đảng

            Trong Cương lĩnh, Điều lệ và Nghị quyết qua các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đều khẳng định: “Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức Đảng và đảng viên”. Vì vậy, việc phân tích, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên cuối năm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng cũng như chất lượng đội ngũ đảng viên; góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị tốt hơn, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Tuy nhiên, do chưa loại bỏ được tình trạng né tránh, nể nang, ngại va chạm “cầu an” của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, khiến cho việc đánh giá không chất lượng, hiệu quả, rơi vào tẻ nhạt, hình thức.

            Hậu quả copy “di truyền” cả điểm mạnh lẫn điểm yếu

            Để đáp ứng yêu cầu giải quyết tốt những vấn đề phức tạp, mau lẹ của thực tiễn đặt ra, thì đòi hỏi nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mỗi tổ chức Đảng phải luôn có sự điều chỉnh thay đổi kịp thời thì mới đảm bảo lãnh đạo hoàn thành thắng lợi nội dung, chỉ tiêu mà nghị quyết đã xác định. Vậy nên, đối với cấp chi bộ, ngoài nghị quyết của nhiệm kỳ Đại hội, hằng năm đều có nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ năm, cùng với đó là ra nghị quyết từng tháng và nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ 6 tháng để lãnh đạo từng nhiệm vụ, từng giai đoạn cụ thể. 

            Trong quá trình thực hiện nghị quyết, tổ chức Đảng và đảng viên sẽ bộc lộ rõ những vấn đề cơ bản rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, đó là: Ưu điểm; khuyết điểm và nguyên nhân. Do đó, việc kiểm điểm, đánh giá phân loại tổ chức Đảng, đảng viên một cách khách quan, thực chất sẽ giúp tổ chức Đảng và mỗi đảng viên có ý thức “tự soi, tự sửa”, phát huy được ưu điểm, tìm rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục khuyết điểm, phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng và thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Tuy nhiên, do mắc phải căn bệnh hình thức, “cầu an”, nên vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên không coi trọng công tác này, nên kiểm điểm, phân loại đảng viên còn mang tính hình thức “dĩ hòa vi quý” để “cả làng cùng vui”.

            Cụ thể, đối với kiểm điểm tập thể cấp ủy, trong xây dựng báo cáo còn chung chung hoặc chủ yếu nêu thành tích, chưa xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với những khuyết điểm, hạn chế, chưa chủ động phát hiện, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. 

            Không thực hiện đánh giá liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, so sánh gắn trách nhiệm của cá nhân với tập thể, gắn kết quả của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý với kết quả đạt được của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị, chưa lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân, lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể. Nhiều nội dung chỉ tập trung kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, mà chưa quan tâm đến kiểm điểm tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống nên việc phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chưa được kịp thời. 

Đối với kiểm điểm của cá nhân, xuất phát từ việc xem nhẹ mục đích, ý nghĩa của việc kiểm điểm, đánh giá chất lượng cuối năm của tổ chức Đảng, nên thậm chí có đảng viên coppy nguyên si bản tự kiểm điểm của năm cũ. Làm cho những ưu điểm, hạn chế của cả một năm được lặp lại thông qua “di truyền” từ năm nọ sang năm kia. Và như thế phần giải pháp khắc phục hạn chế cũng được “bê” từ năm này sang năm khác, cách khắc phục vẫn là “bài ca muôn thủa” chỉ dừng lại ở việc “rút kinh nghiệm”, sáo rỗng, lối mòn xưa cũ. 

            Trong tổ chức sinh hoạt phân loại, đánh giá thì mang tư tưởng phê bình “nặng tập thể, nhẹ cá nhân”, đóng góp cho tập thể thì hội nghị giơ tay phát biểu sôi nổi, nhiều tiếng nói mạnh dạn, “nặng ký”, phân tích, phê phán rất quyết liệt, chẳng khác nào võ sĩ đấm vào không khí. 

            Còn khi góp ý cho từng cá nhân, nhất là người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, thì e dè, im lặng, sợ đụng chạm, có đóng góp, phê bình thì nhẹ như bấc, những khuyết điểm tồn tại tìm cách đổ lỗi cho khách quan, lý giải dẫn dắt nhiều yếu tố tác động không phải theo ý chủ quan cá nhân, ví như “Đây là việc mới, việc khó, chúng ta ai làm cũng khó tránh khỏi, phải thông cảm cho đồng chí ấy”,  nhưng đến khi phê bình cụ thể vào lập trường tư tưởng, đạo đức lối sống, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, thì chỉ được một câu “tính tình đồng chí đôi lúc còn nóng nảy”, mà chẳng thấy bóng dáng liên quan gì đến ưu, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân. Khiến cho người được kiểm điểm không nhìn thấy khuyết điểm, không rút ra được bài học gì quý giá cho bản thân. 

            Chính từ thái độ “cầu an” này, nên có nơi báo cáo kết quả kiểm điểm “rất chất lượng”, nội bộ đoàn kết thống nhất cao, nhưng chỉ một thời gian sau, cấp trên nhận được rất nhiều đơn, thư tố cáo về các vụ tham nhũng, tiêu cực, hay tình trạng mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ.

             Phải nêu cao tính đấu tranh phê bình trong sinh hoạt

          Để việc kiểm điểm, đánh giá phân loại tổ chức Đảng, đảng viên bảo đảm chất lượng, trong sinh hoạt các đảng viên phải thể hiện được tính chiến đấu, đó là thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình; đối với bản thân thì thẳng thắn tự phê bình, dám thừa nhận các thiếu sót, sai lầm, mạnh dạn sửa chữa các khuyết điểm, hạn chế; đối với đồng chí thì dũng cảm và có trách nhiệm trong việc phê bình, chỉ ra hạn chế và giải pháp khắc phục. 

            Phải thực sự tránh thái độ “cầu an”, “dĩ hòa vi quý”, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Do đó, để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 4/10/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 124-QĐ/TW về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội có Kế hoạch số 187-KH/TU về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó yêu cầu  nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và cá nhân cán bộ, đảng viên đối với việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm.

           Cho nên, để thực hiện bảo đảm nghiêm túc, trung thực, công tâm, khách quan, toàn diện, đạt được kết quả thực chất. Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải quán triệt và thực hiện nghiêm tính đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt, xem “Tự phê bình là thang thuốc cứu mình, phê bình là thang thuốc cứu đồng chí mình”, đó là mục đích cao nhất của công tác đánh giá, phân loại đảng viên như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Và thực tiễn cho thấy, chi bộ mạnh là do từng đảng viên ra sức làm tròn nhiệm vụ, muốn biết đảng viên có làm tròn nhiệm vụ hay không, chất lượng đến đâu thì phải thông qua tự phê bình kiểm điểm và đánh giá của tập thể chi bộ. 

            Vì vậy, để đảng viên kiểm điểm không bỏ sót chức trách, nhiệm vụ của mình, cấp ủy, chi bộ phải lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên sát sao, quyết liệt, đề cao trách nhiệm, tự giác, trung thực, nghiêm túc trong viết bản tự kiểm điểm. Khắc phục triệt để viết bản kiểm điểm theo kiểu chung chung không trúng đâu, hoặc coppy, hay chỉ liệt kê thành tích, né tránh khuyết điểm. 

           Nội dung kiểm điểm phải toàn diện, nhưng quan trọng nhất là phải dũng cảm dám nói hết, nói rõ và có thái độ cầu thị đối với những tồn tại, hạn chế của bản thân. Từ đó tự đề ra giải pháp, lộ trình phấn đấu khắc phục, sửa chữa phù hợp với từng cá nhân. Muốn khắc phục được tình trạng này, cấp ủy, bí thư chi bộ phải đề cao tính chiến đấu, tính Đảng, gương mẫu, tiên phong trong thực hiện tự phê bình mình và phê bình.

         Cùng với đó, khi đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên phải dựa trên nhiều kênh thông tin, từ chính bản thân đảng viên, từ các cấp quản lý đảng viên, từ đảng viên trong chi bộ, từ quần chúng và tổ chức Đảng nơi đảng viên cư trú; đồng thời mở rộng dân chủ, khuyến khích đảng viên đấu tranh theo tinh thần “phê bình việc chứ không phê bình người”; có thái độ thẳng thắn, nghiêm khắc phê phán những đảng viên “cầu an”, thấy đúng không ủng hộ, thấy sai không đấu tranh. 

Bên cạnh đó, cấp ủy cấp trên trực tiếp cần phải theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra giám sát cụ thể, để đảm bảo tính giáo dục, tính chiến đấu và tính Đảng. Nếu thấy kết quả phân loại đảng viên có dấu hiệu bất thường thì cần tổ chức kiểm tra ngay. Nếu thực hiện sai quy định thì kiên quyết hủy kết quả, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm một cách nghiêm minh. Có như vậy, việc kiểm điểm, đánh giá phân loại tổ chức Đảng, đảng viên mới khách quan, thực chất.

1 nhận xét: