Là người cha thân yêu của lực lượng vũ trang, Bác Hồ dành tình cảm đặc biệt và sự chăm sóc ân cần, chu đáo cho bộ đội; từ tướng lĩnh chỉ huy đến các chiến sĩ ngoài mặt trận.
Hơn ai hết, Người thấu hiểu những gian nan, vất vả, hy sinh của Quân đội ta trong cuộc chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, cho đến khi Người viết Di chúc để lại trước lúc đi xa, tình cảm và niềm tin yêu hy vọng của Người dành cho Bộ đội Cụ Hồ với truyền thống bách chiến bách thắng vẫn luôn đằm thắm, ân tình sâu nặng.
Với Quân đội ta, đó thực sự là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, là tài sản tinh thần vô giá mà Bác trao gửi. Tình cảm của Bác với quân đội và tình cảm của quân đội với Bác là một mẫu mực hiếm thấy về mối quan hệ giữa lãnh tụ với cán bộ, chiến sĩ quân đội cách mạng, chỉ thấy ở Bác Hồ, ở danh xưng cao quý mà nhân dân trao tặng Bộ đội Cụ Hồ. Mẫu mực ấy còn thể hiện ở hành động dũng cảm của lớp lớp chiến sĩ các thế hệ tiếp nối nhau “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” để tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”- lời khen ngợi của Bác nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1964) đồng thời cũng là một thông điệp lịch sử, mệnh lệnh của Người đối với toàn quân-thiêng liêng mà chan chứa tình thương yêu và niềm tin mãnh liệt. Thời gian càng lùi xa, những lời khen ngợi, căn dặn của Bác đối với cán bộ, chiến sĩ toàn quân càng trở nên thấm thía, có sức lay động, thúc đẩy Quân đội ta tiến tới như Bác hằng mong, Đảng và nhân dân ta tin tưởng.
Vậy Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ quân đội phải tiến tới như thế nào? Những căn dặn của Bác vào lúc này, chúng ta cần thấm nhuần và thực hiện ra sao để giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện và hoàn cảnh mới? Trước hết, phải tiến tới bằng quyết tâm rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng không ngừng tiến bộ và phát triển; còn đối với tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, phải tiên phong gương mẫu cho quần chúng noi theo.
Phải tiến tới còn với nghĩa là phải hành động, lời nói phải đi đôi với việc làm, đã nói thì phải làm; “không ngại khó, ngại khổ”, “thắng không kiêu, bại không nản”, giữ vững ý chí chiến đấu, ra sức phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để mỗi người trở nên tốt hơn, mỗi tổ chức, đơn vị trở nên mạnh hơn.
Phải tiến tới là tự vượt lên chính bản thân mình, có dũng khí và bản lĩnh chiến thắng chủ nghĩa cá nhân-thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm nhất. Để tiến tới là cần phải tích cực học tập và rèn luyện suốt đời; học văn hóa và kỹ thuật quân sự, học chính trị để trau dồi lập trường tư tưởng vững vàng, học trong thực tiễn cuộc sống. Những việc này không chỉ đòi hỏi sự tự nguyện, tự giác của bản thân mà đòi hỏi còn phải có nghị lực, bản lĩnh, tinh thần nêu cao trách nhiệm, nhất là ở người đứng đầu.
Một vấn đề rất hệ trọng để thực hiện tốt việc tiến tới, cán bộ, chiến sĩ toàn quân phải gắn bó mật thiết, máu thịt với nhân dân, nghĩa là ai ai cũng phải làm tốt công tác dân vận, chú trọng binh vận, địch vận. Bác Hồ chính là tấm gương thực hành mẫu mực, sáng tạo, có tác dụng giáo dục rất lớn đối với cả quân và dân. Người khẳng định và chỉ rõ: “Không có dân thì không có bộ đội”, “Quân với dân phải như cá với nước”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”, “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ”.
Do đó, bộ đội trong toàn quân, từ tướng lĩnh đến các binh sĩ phải luôn gần dân, sát dân, bám dân, giúp đỡ dân và hy sinh để bảo vệ dân. Phải gương mẫu về dân vận, sao cho ''đi dân nhớ, ở dân thương", "dân tin, dân phục, dân yêu...".
Cán bộ, chiến sĩ phải tiến tới theo chỉ dẫn của Bác Hồ đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu toàn diện về mọi mặt, từ thể lực, trí lực, tâm lực, tức là sức khỏe, trí tuệ sáng suốt, mưu trí, dũng cảm, đoàn kết, nhất trí, thương yêu nhân dân, đó là đạo đức, nói rộng ra là nhân cách, phẩm giá Bộ đội Cụ Hồ, là văn hóa của quân đội, của nền khoa học và nghệ thuật quân sự hiện đại, là bản lĩnh chính trị của quân đội cách mạng.
Những chỉ dẫn của Người giản dị, thiết thực mà vô cùng sâu sắc, có ý nghĩa không chỉ trong thời chiến mà cả trong thời bình. Người nhấn mạnh vào mấy điểm cốt yếu: “Toàn dân đoàn kết. Tướng sĩ dũng cảm. Chính trị vững chắc. Chỉ huy khôn khéo. Bốn điều ấy hợp lại, làm cho kháng chiến nhất định thắng lợi”.
Những điều ấy vừa là chuẩn mực, phẩm chất và điều kiện để quân nhân tiến tới, để quân đội tiến tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng, của công cuộc đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, để tiến tới, cán bộ, chiến sĩ toàn quân vừa có nhiều thời cơ thuận lợi, cũng vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức và cả những nguy cơ hơn bao giờ hết. Đảng, Nhà nước, quân đội đang nêu cao quyết tâm, tín tâm, đồng tâm như chỉ dẫn của Người, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, chống được mọi biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chống chủ nghĩa cá nhân.
Sâu xa là ra sức nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đủ sáng suốt, tỉnh táo và bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ của vật chất, danh lợi để giữ trọn lòng trung thành với Đảng, với nhân dân “tận trung với Đảng”, “tận hiếu với dân”, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ./.
ST
Cán bộ, chiến sỹ trong Quân đội hãy ra sức nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đủ sáng suốt, tỉnh táo và bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ của vật chất, danh lợi để giữ trọn lòng trung thành với Đảng, với nhân dân.
Trả lờiXóa