Sinh thời Bác Hồ đặc biệt chú trọng đến những tấm gương người tốt, việc tốt. Ngay từ năm 1959 Bác đã suy nghĩ về việc dùng huy hiệu của mình như thế nào để phát huy được tác dụng trong nhân dân.Theo Bác cần có những phần thưởng kịp thời để động viên, khuyến khích những người hăng hái làm tròn nhiệm vụ, vì "Ðối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Ðảng và Nhà nước khen thưởng thì phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì việc khen thưởng có thể đơn giản hơn". Bác cho rằng "Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới".
Bác quan tâm tới gương người tốt, việc tốt một cách tỉ mỉ và cụ thể, chứ không chung chung, hình thức. Ðọc báo thấy có gương người tốt, việc tốt, Bác đánh dấu lại, cho xác minh, nếu đúng như bài báo đưa tin thì Bác thưởng huy hiệu. Hiện nay Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ được nhiều bút tích của Bác ghi lại trên các trang báo về việc thưởng huy hiệu cho các cá nhân và tập thể. Bác muốn gương người tốt, việc tốt được nhân lên, trở thành một phong trào, được nhân dân cả nước hưởng ứng, học tập và làm theo. Phong trào người tốt, việc tốt đã làm cho phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta ngày càng phong phú, đa dạng và thiết thực hơn, góp phần thực hiện tốt lời kêu gọi của Bác: thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua.
Khoảng năm nghìn gương người tốt, việc tốt được Bác gửi tặng huy hiệu, gồm nhiều thành phần, ở mọi ngành, mọi giới, mọi lứa tuổi trên khắp mọi miền đất nước; từ các cháu thiếu nhi tuổi còn nhỏ nhưng đã biết nêu gương thật thà, dũng cảm, học giỏi, thương yêu bạn, cõng bạn đi học... cho đến các cụ già tuy tuổi đã cao nhưng vẫn muốn góp một phần sức lực còn lại của mình cho xã hội; từ các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân dũng cảm trong chiến đấu đến những thầy cô giáo tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu; từ những phụ nữ dũng cảm, đảm đang nơi hậu phương để chồng con yên tâm chiến đấu ở tiền tuyến; những đoàn viên thanh niên luôn luôn sẵn sàng xung kích trong công việc đến những trí thức gương mẫu, những kiều bào ở Thái Lan trở về Tổ quốc sau bao năm xa quê hương, cùng chung sức xây dựng nước nhà.
Bộ sưu tập các bài báo viết về những tấm gương người tốt, việc tốt, do Bác đọc từ báo của trung ương và địa phương được cắt dán và giao cho các nhà xuất bản để xuất bản thành sách. Những tập sách "Vì nước vì dân", "Thế hệ anh hùng", "Dũng cảm đảm đang", "Việc nhỏ nghĩa lớn", "Hậu phương thi đua với tiền phương"... được xuất bản giữa lúc cuộc kháng chiến chống M, cứu nước đang ở trong giai đoạn quyết liệt. Những tập sách nhỏ ấy đã góp phần vào việc giáo dục đạo đức xã hội chủ nghĩa cho nhân dân ta.
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa