Thứ Tư, 27 tháng 12, 2023

BÀN VỀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, NHÂN CÁCH ĐỐI VỚI HỌC SINH NGÀY NAY

 

Mạng xã hội đang xôn xao bàn tán về clip học sinh xúc phạm, ném dép cô giáo. Sự việc được xác định xảy ra tại trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương). Nguyên nhân ban đầu được cho là cô H. mâu thuẫn với học sinh lớp 6A và có lời nói tục tĩu, không chuẩn mực đạo đức của nhà giáo. Khi xảy ra sự việc, một học sinh lớp 7C dùng điện thoại quay lại và chia sẻ cho nhóm bạn đồng thời đăng tải lên mạng xã hội.

Sau đó, Trường THCS Văn Phú đã họp kiểm điểm cả giáo viên và học sinh vì hành vi thiếu chuẩn mực. Đến ngày 21/11, cô H. kiểm điểm vì "vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm danh dự nhân phẩm của học sinh, ngôn ngữ, ứng xử của giáo viên chưa đảm bảo tính sư phạm, đúng mực”.

Sự việc này quả thực quá nghiêm trọng như một thứ ung nhọt trong ngành giáo dục. Đối với hành vi của cô giáo, nếu cô có hành vi khiếm nhã, nhà trường và Sở Giáo dục đào tạo của huyện cần khách quan làm rõ, có biện pháp xử lý để răn đe, giáo dục.

Tuy nhiên, đối với hành động của các em học sinh trong clip thì quả thực việc giáo dục nhân cách đối với các em đang có vấn đề trầm trọng. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, dù là học sinh cá biệt, nghịch ngợm, lười học nhưng ở trong chừng mực nào đó họ vẫn phải “tôn sư trọng đạo”. Nhưng chứng kiến những hình ảnh trong đoạn clip của vụ việc đã dóng lên hồi chuông báo động về lễ tiết, tác phong của một người học trò.

Từ xưa đến nay, "Tiên học lễ, hậu học văn” - quan điểm giáo dục truyền thống, xem trọng việc bồi dưỡng đạo đức, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp cho người học. Dù xã hội có phát triển tới đâu nhưng “Tiên học lễ, hậu học văn” không hề cũ mà ngược lại vô cùng cần thiết trong xã hội hiện tại. Đặc biệt, ở nhịp sống hiện đại, thế hệ trẻ đang bị chi phối bởi rất nhiều làn sóng văn hóa trên toàn cầu khiến đạo đức, nhân cách, hành vi ứng xử của nhiều bạn trẻ bị lệch lạc, méo mó.

Cho nên, nếu như ai đó vỗ về cho rằng hành động của đám học trò là do bức xúc với cô giáo thì quả thực đó là sự bênh vực mù quáng. Vì đó là hệ lụy của sự buông lỏng giáo dục, từ chính gia đình và nhà trường thiếu sự nghiêm khắc trong dạy bảo các em.


        Bác Hồ đã dạy “có tài mà không có đức là người vô dụng”, cho nên đạo đức, phẩm chất của thế hệ trẻ chính là căn nguyên cội rễ quyết định sự thành công hay thất bại của một nền giáo dục. Một xã hội chỉ thật sự phát triển khi có những cá nhân có nền tảng đạo đức tốt, thấu hiểu và lan tỏa những hành vi đẹp, nhân ái và giàu tình cảm.

Do đó, với hành vi của các em học sinh trong clip, nhà trường cần phối hợp với gia đình có biện pháp xử lý nghiêm khắc, giáo dục đến nơi đến chống, không thể để tình trạng các em đang còn ngồi trên ghế nhà trường mà có hành vi hung hãn, côn đồ như vậy.

1 nhận xét: