Sau gần 40 năm đổi mới, cùng với những thuận lợi cơ bản, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Tình hình quốc tế “tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine ngày càng gay gắt; nhiều quốc gia tăng trưởng chậm lại; thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm; lạm phát ở mức cao dẫn đến việc nhiều nền kinh tế lớn vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao. Nợ công toàn cầu tăng mạnh, nhiều quốc gia phải đối mặt với khủng hoảng nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất cập. Thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức...”(1). Tình hình đó làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế, cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Về tình hình trong nước, nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế, uy tín và sức mạnh tổng hợp của đất nước được nâng cao. Thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ cán bộ là người lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp. Tuy vậy, một trong bốn nguy cơ đe dọa vai trò cầm quyền của Đảng vẫn còn hiện hữu, đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp... làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước.
Trong bối cảnh mới, Đảng chủ trương “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”(2) là nhân tố quyết định, là điều kiện sống còn để khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sau hơn 25 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HNTW, ngày 18-6-1997, của Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Thông qua việc “quản trị bản thân” của người cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với xây dựng Đảng về đạo đức, Đảng đã xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đa số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín. Cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối chiến lược và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện...
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đông nhưng chưa mạnh… Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế... Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm(3).
Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ qua gần 40 năm đổi mới là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ sẽ tiếp tục tác động mạnh, gây ra nhiều khó khăn đối với việc thực hiện “quản trị bản thân” của người cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với xây dựng Đảng về đạo đức trong tình hình mới hiện nay.
LHQ-ST
cán bộ là phải gương mẫu
Trả lờiXóa