Ngày tiễn con lên đường nhập ngũ, chị tôi dặn dò đủ điều và liên tục động viên: Con phải xác định tốt tư tưởng, yên tâm học tập, rèn luyện. Xem anh em, đồng đội với nhau như ruột thịt trong gia đình; đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ con nhé!
Sự lo lắng, dặn dò của người thân các chiến sĩ mới là điều dễ hiểu. Bởi phần lớn các chiến sĩ mới lần đầu tiên xa gia đình, xa quê hương; bước chân từ ghế nhà trường phổ thông vào môi trường quân đội, còn ít những va vấp trong cuộc sống.
Nay vào quân đội, các chiến sĩ tụ hội về một mái nhà chung với những đồng đội không cùng quê quán, khác nhau về tập quán, vùng, miền... nhưng cùng chung một lý tưởng, mục tiêu vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, từ đó mà vun đắp nên tình đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội.
Cần khẳng định, lịch sử gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã minh chứng, chính tình đoàn kết, cán-binh một lòng, yêu thương, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt đã tạo nên cội nguồn sức mạnh để Quân đội ta nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Những người lính Bộ đội Cụ Hồ từ thuở 34 chiến sĩ đến nay luôn yêu thương, giúp đỡ nhau để "Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành". Tuy vậy, chúng ta cũng thừa nhận rằng: Thời gian qua, vẫn còn những cán bộ, chiến sĩ vì một lý do nào đó đã xem nhẹ tình đồng chí, đồng đội, dẫn đến những lời nói, việc làm thiếu chuẩn mực, làm “sứt mẻ” mối đoàn kết gắn bó keo sơn, ảnh hưởng đến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ các cấp trong quân đội: “Đối với binh sĩ, thì lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo, nhất nhất phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh”.
Và Người khẳng định: “Cán bộ có coi đội viên như chân tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc”. Lời căn dặn của Người nhắc nhở chúng ta rằng: Mối đoàn kết cán-binh, tình yêu thương đồng chí, đồng đội như anh em ruột thịt cần được nuôi dưỡng, vun đắp hằng ngày thông qua những việc làm cụ thể. Bởi nguy cơ về lối sống ích kỷ, biểu hiện “Độc đoán, gia trưởng, quân phiệt, coi thường tập thể; buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, quan liêu, thiếu sâu sát” như Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới đã cảnh báo sẽ hiện hữu nếu trong mỗi con người không được bồi đắp tình yêu thương mỗi ngày.
Để góp phần vun đắp tình cảm gắn bó keo sơn giữa cán bộ, chiến sĩ, trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chú trọng đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội. Tùy vào điều kiện thực tế mỗi đơn vị mà tạo các diễn đàn, sân chơi bổ ích để cán-binh có dịp giao lưu, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, qua đó giúp chiến sĩ mới cảm nhận rõ ràng “đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ đều là anh em”, từ đó yên tâm học tập, công tác, huấn luyện.
Đối với cán bộ các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý chiến sĩ mới từ cấp tiểu đội trở lên, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải thực sự là hạt nhân đoàn kết; gương mẫu trong lời nói, việc làm, sống có tình thương, trách nhiệm; chăm sóc, chỉ dạy, gần gũi, yêu thương chiến sĩ như chính những người em ruột thịt của mình. Mỗi chiến sĩ cần xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm để cố gắng trong rèn luyện và học tập; cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa trong đơn vị, cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ, thách thức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.
ST
Mối đoàn kết cán-binh, tình yêu thương đồng chí, đồng đội như anh em ruột thịt cần được nuôi dưỡng, vun đắp hằng ngày thông qua những việc làm cụ thể.
Trả lờiXóa