Thứ Tư, 27 tháng 12, 2023

Chuyện người thầy trở về từ chiến trường

            Thầy Phạm Hải Triều sinh năm 1951, quê tại xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Năm 1969, thầy đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bước vào giảng đường đại học với nhiều hoài bão, mơ ước của tuổi trẻ, nhưng đứng trước tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng sinh viên Khoa Văn Hải Triều đã tình nguyện lên đường ra mặt trận.

Năm 1971, cùng với các sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phạm Hải Triều đã hăng hái xung phong ra trận với trái tim tràn đầy nhiệt huyết được cống hiến, hy sinh khi Tổ quốc lâm nguy. Ông nhập ngũ và được huấn luyện tại Sư đoàn 325 ở Nhã Nam, Hà Bắc. Kết thúc huấn luyện, Hải Triều được bổ sung vào Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 58, Sư đoàn 308 (nay thuộc Quân đoàn 1), rồi hành quân vào chiến trường Quảng Trị, nơi mỗi mét vuông đất là một mét vuông đạn bom và máu đổ.

Chuyện người thầy trở về từ chiến trườngCựu chiến binh, thầy giáo Phạm Hải Triều.

Đặt chân tới chiến trường, người lính trẻ Phạm Hải Triều cảm nhận ngay sự khốc liệt của chiến tranh và có thể nói, Quảng Trị khi ấy là chiến trường ác liệt nhất. Những khoảnh khắc vào sinh ra tử, cảm giác tàn khốc khi viên đạn sượt qua đầu, chứng kiến đồng đội người bị thương nặng, người hy sinh ngay trước mắt mình, người lính Hải Triều không khỏi có lúc ớn lạnh. Nhưng bằng ý chí và bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ, anh đã không do dự, sợ hãi mà chính sự hy sinh của đồng đội đã thôi thúc anh, thắp sáng trong anh ngọn lửa của lòng dũng cảm, biến nỗi đau thành hành động, chiến đấu với quân thù.

Cựu chiến binh Phạm Hải Triều nhớ lại: “Lúc đó, Hiệp định Paris vẫn đang trên bàn đàm phán. Lính sinh viên như chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần lạc quan vì được góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước. Giữa chiến trường, vấn đề sinh tử không ai quyết định được. Đã có nhiều người ngã xuống, nhưng khi hành quân, cảm xúc mãnh liệt nhất khi ấy là dù không biết sống chết thế nào, chúng tôi đều muốn phải nhanh chóng vượt sông Bến Hải, vào chiến trường, tham gia cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc”.

Ở nơi chiến trường ác liệt ấy, người lính Phạm Hải Triều, vì có năng lực viết lách nên còn được giao thêm nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa viết nhật ký cho tiểu đoàn. “Tôi tận mắt chứng kiến nhiều người hy sinh, nhiều người bị thương nặng có, nhẹ có. Tôi không chỉ trực tiếp nghe, nhìn và ghi lại chi tiết những khoảnh khắc ác liệt nhất, những cái chết thương tâm nhất tại chiến trường mà chính bản thân mình cũng bị bom đạn vùi dập”- thầy Phạm Hải Triều nhớ lại. Có lẽ, chính sức mạnh tập thể, lòng yêu nước đã tôi rèn cho những người lính, dù tuổi đời còn non trẻ, họ vẫn kiên định, vững vàng đứng ở tuyến đầu cuộc chiến. Với Phạm Hải Triều khi ấy, cũng như nhiều người lính là sinh viên khoa văn khác, họ còn có một tâm hồn lãng mạn, tâm hồn nghệ sĩ. Chính những bản nhạc, những bài thơ viết vội ở chiến trường, đã thôi thúc tinh thần chiến đấu của họ.

Sau ngày chiến dịch Quảng Trị toàn thắng, trung đoàn của Phạm Hải Triều hành quân ra Bắc. Đơn vị về đóng quân tại Hà Tây, không tiếp tục tham gia Chiến dịch mùa Xuân 1975. Người lính trẻ Hải Triều khi ấy được phân công vẽ bản đồ, đánh dấu những vùng đất mới giải phóng, thu thập thông tin thắng trận. Thầy Phạm Hải Triều kể: “Mỗi lần đánh dấu những vùng đất được quân đội ta giải phóng, tôi thực sự xúc động. Lúc ấy trong lòng trào dâng một niềm vui, niềm tự hào không thể tả xiết. Dù sao, chúng tôi cũng là những người lính góp một phần xương máu của mình vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc”.

Trở về từ chiến trường, chàng sinh viên năm thứ hai ngày ấy tiếp tục hoàn thành chương trình đại học. Sau quá trình nỗ lực học tập không ngừng, Phạm Hải Triều tốt nghiệp Cử nhân Văn học năm 1977. Thầy được giữ lại làm cán bộ tổ chức và tuyên giáo ở nhà trường. Đến năm 1988, thầy trở thành giảng viên Khoa Văn hóa, Trường Nguyễn Ái Quốc 1, ngôi trường đã có nhiều lần đổi tên và hiện nay mang tên Học viện Chính trị khu vực 1.

Ngoài cương vị là một giảng viên, thầy Hải Triều còn tham gia làm việc cho các cơ quan nhà nước về các chuyên đề: Văn hóa Việt Nam, Văn hóa công sở, Văn hóa Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ trong thời kỳ hội nhập… Đồng thời, thầy còn đảm nhận vị trí Quyền Trưởng khoa Văn hóa và phát triển Học viện Chính trị khu vực 1.

Chuyện người thầy trở về từ chiến trường Ngoài thời gian dành cho gia đình, thầy Phạm Hải Triều vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như viết sách, ra mắt sách.

Suốt 23 năm đứng trên bục giảng (1988-2011), thầy Phạm Hải Triều, với vai trò là người chèo đò, lèo lái nhiều thế hệ sinh viên đến bến bờ trưởng thành và thầy luôn tâm niệm: “Thầy phải ra thầy, chuẩn về kiến thức, về tư cách đạo đức và phải có khả năng diễn đạt…”. Trong suốt quá trình công tác, thầy luôn cố gắng thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia các hoạt động tập thể và đã đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng.

Chính vì vậy, trong ấn tượng của lớp lớp thế hệ học sinh, nhà giáo Phạm Hải Triều được biết đến là người có vốn sống, khả năng truyền đạt tốt, mạch lạc, rõ ràng và là tấm gương về đạo đức, lối sống. Người thầy ấy luôn vững vàng quan điểm, không dao động, nắm vững đường lối của Đảng, có kiến thức chuyên sâu, phong phú trước những học viên là cán bộ, đã có học hàm, học vị… để kiến thiết nên những nhân tài tương lai cho đất nước, góp phần tô thắm vẻ đẹp phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ.

 

 

 

 

1 nhận xét:

  1. Nhà giáo Phạm Hải Triều được biết đến là người có vốn sống, khả năng truyền đạt tốt, mạch lạc, rõ ràng và là tấm gương về đạo đức, lối sống.

    Trả lờiXóa