Nhận thấy tình trạng tham nhũng của một
bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện ngày càng gia tăng, ngay từ Hội nghị
giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta đã xác định nạn tham nhũng, tệ quan liêu, là
một trong bốn nguy cơ làm cản trở thực hiện mục tiêu chủ nghĩa xã hội ở nước
ta. Đảng ta chỉ rõ: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong
khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệnh hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ về nạn
tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ diễn biến hòa bình của các thế lực thù
địch. Các nguy cơ đó có liên quan mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau”(1).
Từ đây, Đảng ta có nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan trực tiếp đến công tác
phòng, chống tham nhũng như Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về “Một
số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận
Hội nghị Trung ương 4 khóa IX về “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí”; Nghị quyết Trung
ương 3 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống
tham nhũng, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII…
Để cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà
nước cũng ban hành cả hệ thống các văn bản pháp luật để chỉ đạo công tác đấu
tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan
chuyên trách về phòng, chống tham nhũng từng bước được kiện toàn, phát huy hiệu
quả trong việc phát hiện và xử lý những vụ việc tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung
ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương được thành lập và hoạt
động ngày càng có hiệu quả, thực chất. Nhà nước cũng ban hành Luật Phòng chống
tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí… Đúng như đồng chí Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, cho đến nay, “nhiều quy định, nghị quyết được
quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống; khắc phục được một
bước những sơ hở, bất cập trước đây làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng..., các
chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực của chúng ta cơ bản đã tương đối đầy đủ”(2).
Nhờ đó, “công tác đấu tranh phòng, chống
tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều
sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”(3).
Vì vậy, trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp,
được dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp
luật, vừa có tác dụng cảnh báo, răn đe; vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của
Đảng; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ; được dư luận quốc
tế đánh giá cao.
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của
Trung ương, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội
XIII đến nay, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử nhanh
chóng, khắc phục đáng kể tình trạng án đọng kéo dài gây bức xúc trong dư luận
xã hội. Đánh giá về điều này, báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 đã nêu rõ: “Từ đầu nhiệm kỳ
Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội
tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều
tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham
nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo
dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ”.
Gần đây, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa
XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và thống nhất chủ trương thành
lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng
chống tham nhũng có thêm một bước tiến mới. Theo đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng có thể được xem như là “cánh tay nối dài
của Trung ương” nhằm giải quyết một cách kịp thời những vấn đề tồn đọng, kéo
dài gây bức xúc dư luận ở địa phương. Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù
hợp với tình hình thực tế và góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển
khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển
biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng,
dọc ngang thông suốt”.
V3.
Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ; do đó phải chống tham nhũng triệt để.
Trả lờiXóa