Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, những năm qua, các tỉnh, thành trong cả nước đã nghiêm túc triển khai thực hiện, kết quả mang lại không chỉ tạo được sự chủ động trong công tác bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ mà còn trực tiếp góp phần vào việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp trong cả nước, đáp ứng được nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Từ việc chú trọng nâng cao nhận thức…
Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, thường xuyên và trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh, thành trong cả nước đã nhận thức: công tác cán bộ là nhân tố quyết định, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và luân chuyển cán bộ sẽ tạo sự chủ động, khắc phục được tình trạng hẫng hụt khi bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, từng bước bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ; giữ vững đoàn kết nội bộ và sự ổn định chính trị. Vì vậy, các tỉnh, thành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chặt chẽ việc quán triệt, nghiên cứu, triển khai Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ ở địa phương mình.
Nhiều năm qua, các tỉnh, thành làm tốt công tác quán triệt tinh thần của các nghị quyết, nên đã tạo ra sự chuyển biến, tiến bộ về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt và cơ quan tham mưu rất rõ nét. Bởi vậy, trong quá trình triển khai đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp sát đúng, đổi mới cách làm, mở rộng dân chủ, thực hiện đúng quy trình, các khâu theo quy định. Công tác xây dựng kế hoạch, điều hành quy hoạch, luân chuyển cán bộ đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên.
Trong công tác quy hoạch, nhìn chung các tỉnh, thành đã phát huy tốt tinh thần dân chủ đối với việc phát hiện những người có phẩm chất và năng lực, nhất là năng lực chỉ đạo thực tiễn tốt, làm việc năng động, sáng tạo, có hiệu quả, cũng như các nhân tố mới có nhiều triển vọng phát triển để đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chú trọng nhất là những cán bộ có triển vọng, tài năng trẻ xuất thân từ công nhân, nông dân, con em các gia đình có công với cách mạng, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, không phân biệt đảng viên hay quần chúng ngoài Đảng… để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Cơ bản làm tốt việc chuẩn bị từ xa về công tác tạo nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ và năng lực, nhất là năng lực trí tuệ và thực tiễn tốt, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Các tỉnh, thành đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch luân chuyển cụ thể, đáp ứng yêu cầu đề ra; phương pháp tiến hành thận trọng, dân chủ, công khai, bước đầu chống được tư tưởng cục bộ, khép kín trong bố trí, sử dụng cán bộ ở một số địa phương, đơn vị, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.
… đến một số kết quả đạt được quan trọng từ giá trị thực tiễn
Theo báo cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, từ việc thực hiện nghiêm túc tinh thần của các nghị quyết và sự chỉ đạo của cấp trên, các tỉnh, thành đã tiến hành công tác quy hoạch cán bộ bảo đảm sự đồng bộ từ dưới lên, mỗi chức danh được quy hoạch từ 2 - 3 người; số lượng cán bộ trong quy hoạch tương đối dồi dào. Trong khâu đánh giá cán bộ đã có những đổi mới rất tích cực, cụ thể hóa tiêu chí lựa chọn, giới thiệu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số vào quy hoạch.
Đến nay, cả nước có trên 1.100 cán bộ trong quy hoạch các chức danh do Trung ương quản lý, trên 6.800 lượt cán bộ quy hoạch các chức danh do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý và trên 16.500 lượt cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Trình độ cán bộ trong quy hoạch được nâng lên rõ rệt, số cán bộ có trình độ từ đại học trở lên ở các ban, bộ, ngành Trung ương đạt 99%, trong đó sau đại học là 48%; cán bộ quy hoạch cấp tỉnh, thành phố gần 98% có trình độ đại học, tăng 2,8% so với nhiệm kỳ trước và 21,4% sau đại học. Độ tuổi bình quân của cán bộ trong quy hoạch từng bước được trẻ hóa, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số trong quy hoạch được nâng cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Tại các tỉnh, thành phố tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 40 tuổi đạt 13,2%, tăng 3,1%; tỷ lệ cán bộ nữ đạt 15,3%, tăng 0,9%; tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số đạt 11,3%; ở các bộ, ngành, tỷ lệ cán bộ quy hoạch cấp vụ và tương đương trở lên dưới 40 tuổi là 11,1%, tỷ lệ cán bộ nữ là 25,3%.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các tỉnh, thành trong cả nước từng bước được chú trọng, với hàng trăm ngàn lượt người được đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước, trong đó trên 1/3 là cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý. Nhiều địa phương đã quan tâm việc tạo nguồn cán bộ từ xa, tiếp nhận sinh viên mới tốt nghiệp bổ sung nguồn cán bộ cho cơ sở; ban hành chính sách ưu đãi, tuyển dụng sinh viên xuất sắc. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện khá hiệu quả, góp phần từng bước khắc phục tình trạng bị động, lúng túng thường gặp lâu nay trong công tác cán bộ mỗi khi đến kỳ đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp.
Đáng chú ý, các tỉnh, thành đã tích cực thực hiện công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và đạt được một số kết quả bước đầu. Thực tế cho thấy công tác luân chuyển cán bộ trở thành sự đòi hỏi khách quan đối với việc đào tạo, thử thách cán bộ qua thực tiễn, giảm thiểu tính cục bộ, khép kín, trì trệ của đội ngũ cán bộ. Kết quả luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương trong hai nhiệm kỳ Đại hội IX và X đã góp phần đào tạo được một đội ngũ cán bộ có năng lực thực tiễn rất rõ nét, nhiều đồng chí đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa X và XI, được bầu làm bí thư tỉnh ủy hoặc giữ chức vụ chủ chốt ở một số bộ, ngành, ủy ban của Quốc hội khóa XII, XIII. Tại các tỉnh, thành phố hiện nay, trên 95% cán bộ lãnh đạo chủ chốt của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; trên 98% ủy viên ban thường vụ các tỉnh, thành ủy đã qua luân chuyển làm cán bộ chủ chốt quận, huyện, sở, ngành; trên 95% cấp ủy viên, gần 100% ủy viên ban thường vụ cấp ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 và cán bộ chủ chốt hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2010 - 2016 và gần 100% cán bộ được bổ nhiệm các chức danh do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đều nằm trong quy hoạch. Trong quá trình thực hiện, vấn đề nổi bật được ghi nhận và có thể nhân ra diện rộng là kết quả thí điểm luân chuyển các chức danh cán bộ ở tỉnh Hà Tây (cũ), chứng minh chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải người địa phương là đúng đắn, bởi qua đó đã góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, nội bộ mất đoàn kết, trì trệ. Đồng thời, chủ trương tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở một số tỉnh, thành phố và quận, huyện để luân chuyển, đào tạo cán bộ được đánh giá là đúng đắn, có hiệu quả.
Trong số cán bộ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định luân chuyển nhiệm kỳ Đại hội IX và X, có 24 đồng chí được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, 15 đồng chí được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo chủ chốt các bộ, ngành, ủy ban của Quốc hội; gần 60% cán bộ sau khi luân chuyển được bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế hơn. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị cả trước mắt và lâu dài trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Những hạn chế cần sớm khắc phục
1. Một số đề án quy hoạch còn thiếu tầm nhìn xa và sự bảo đảm cơ cấu ba độ tuổi; quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch chưa căn cứ chủ yếu vào kết quả đánh giá cán bộ, chưa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và năng lực thực tiễn của cán bộ, chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, dẫn đến nhiều đề án quy hoạch còn hình thức, thiếu khả thi.
2. Chất lượng quy hoạch cán bộ ở nhiều địa phương không đồng đều, một số nơi trình độ đào tạo và cơ cấu ngành nghề của cán bộ trong quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đáng chú ý, có thành phố không có cán bộ chuyên ngành về quản lý đô thị; có tỉnh định hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ nhưng ít có cán bộ chuyên ngành về kinh tế, kỹ thuật. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số và trình độ đào tạo của cán bộ nhìn chung còn thấp so với yêu cầu.
3. Khi tiến hành công tác quy hoạch còn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm được sự liên thông giữa quy hoạch cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương với địa phương, thiếu quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước… Ở một số địa phương vẫn còn xẩy ra sự hẫng hụt cán bộ, bị động, lúng túng khi bầu cử hoặc thay thế cán bộ nếu cần thiết; một số địa phương tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong quy hoạch cao nhưng trong cấp ủy lại thấp; có nơi vừa đại hội xong đã đề nghị tăng số lượng cấp ủy để bổ sung cán bộ trẻ, cán bộ nữ; có nơi làm quy hoạch khá tốt nhưng một năm sau đại hội vẫn chưa phân công xong cấp ủy, chưa kiện toàn xong cán bộ lãnh đạo sở, ngành, địa phương, trong khi chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh lãnh đạo không là người địa phương ít được thực hiện, do chưa có quy định cụ thể.
4. Việc luân chuyển, đào tạo cán bộ ở một số địa phương chưa căn cứ trên cơ sở kết quả đánh giá và quy hoạch; việc lựa chọn địa bàn, chức danh cho cán bộ luân chuyển còn thiếu hợp lý, có trường hợp còn vừa trái ngành, trái nghề, vừa không đáp ứng yêu cầu đào tạo, nên hạn chế sự đóng góp của cán bộ đối với địa phương. Bên cạnh đó, một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa phân định rõ công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ theo quy hoạch với điều động, bố trí cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ sau khi hoàn thành nhiệm vụ luân chuyển chưa đúng người, đúng việc, gây tâm tư, thắc mắc.
5. Việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các đơn vị trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể với quản lý nhà nước nhìn chung còn ít, còn khép kín, cắt khúc, chưa tạo được sự liên thông, chưa phát huy được sức mạnh của cả đội ngũ cán bộ.
6. Chế độ nhà công vụ và chính sách đối với cán bộ được luân chuyển còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện công tác luân chuyển cán bộ theo đúng mục đích, yêu cầu của Nghị quyết đề ra.
Để làm tốt hơn nữa công tác cán bộ trong thời kỳ mới
Cán bộ là người lãnh đạo, tổ chức điều hành công việc, là hạt nhân của một tổ chức, là nòng cốt của các phong trào. Trong mọi thời kỳ cách mạng, từng lĩnh vực và ở bất cứ địa phương nào, người cán bộ cũng đóng vai trò quyết định.
Bởi vậy, phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về đổi mới công tác cán bộ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 8-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh và khẳng định quan điểm dứt khoát phải làm quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quy hoạch cán bộ là thể hiện vai trò, chức năng lãnh đạo, chủ động của Đảng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ cho việc thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Vì thế, cần đổi mới công tác đánh giá cán bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch, nhất là yếu kém trong việc tạo nguồn cán bộ từ xa; đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ đồng bộ với các khâu khác trong công tác cán bộ; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong quá trình nghiên cứu, đổi mới công tác cán bộ.
Để thực hiện có hiệu quả những vấn đề mà Tổng Bí thư đã nêu ra. Trước hết, cần đặc biệt quan tâm trong việc nâng cao nhận thức, quan điểm, làm tốt công tác tư tưởng, những vấn đề có tính nguyên tắc về cán bộ và công tác quy hoạch cán bộ.
Hai là, sớm xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa thủ trưởng chính quyền với cấp ủy. Trong quy chế cần quy định vấn đề nào người đứng đầu có quyền quyết định, việc gì người đứng đầu có quyền đề xuất để áp dụng tại cơ sở và phải gắn trách nhiệm khi có sự việc xảy ra. Nếu có quy chế phối hợp công tác giữa người đứng đầu và cấp ủy cùng cấp, căn cứ vào quy chế đó thì sự phối hợp công tác giữa người đứng đầu với cấp ủy sẽ thuận lợi hơn.
Ba là, trong vấn đề đánh giá cán bộ và quy hoạch tuổi để bổ nhiệm cần dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế. Đánh giá cán bộ phải dựa trên phẩm chất đạo đức và hiệu quả trong công tác. Cấp nào quy hoạch thì cấp đó bổ nhiệm. Phải mở rộng dân chủ hóa, trẻ hóa cán bộ, nhưng tránh tình trạng quy hoạch, đào tạo nhưng lại không bổ nhiệm, trọng dụng đúng vị trí và năng lực của cán bộ.
Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc luân chuyển, phân công cán bộ từ Trung ương về địa phương; luân chuyển, bố trí cán bộ ở một số chức danh không phải là người địa phương sẽ giúp cho việc đánh giá cán bộ chính xác hơn vì dựa trên thực tế và hiệu quả công tác mới đánh giá đúng năng lực của cán bộ.
Năm là, thực hiện tốt cơ chế giám sát, tránh lạm dụng quyền lực cá nhân làm suy giảm vai trò của tập thể. Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của cán bộ đảng viên và nhân dân, thông qua lấy ý kiến góp ý, lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, trong đó có người đứng đầu các cấp./.
ST.
quy hoạch cán bộ phải có chiều sâu
Trả lờiXóa