Lịch sử hàng ngàn năm của
đất nước ta đã chứng kiến nhiều thời kỳ phân tranh, cát cứ, chia cắt núi sông
như: Loạn sứ quân chia đất nước thành 12 vùng ảnh hưởng khác nhau; chiến tranh
Nam - Bắc giữa nhà Mạc và nhà Trịnh, nhà Lê, rồi tiếp đến là thời Trịnh, Nguyễn
phân tranh, đất nước thành Đàng trong, Đàng ngoài. Chia cắt thời Tây Sơn, ở
phía Nam gọi là Nam Hà, có thực lực và độc lập do nhà Tây Sơn nắm, còn ở phía Bắc,
gọi là Bắc Hà. Đến chia cắt thời Pháp thuộc là chia cắt đô hộ, một nước bị chia
ra làm ba miền, ba xứ, với ba hệ thống cai trị khác nhau, là Bắc Kỳ, Trung kỳ
và Nam Kỳ.
Sau Hiệp định Giơnevơ được
ký kết, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) của tỉnh Quảng Trị trở thành
giới tuyến quân sự tạm thời phân chia nước ta thành 2 miền Nam - Bắc. Theo Hiệp
định, sau 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Thế nhưng, với
âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, Mỹ đã cho quân xâm lược miền Nam và tìm mọi
cách để đánh chiếm miền Bắc, buộc nhân dân ta phải sống, chiến đấu anh dũng suốt
21 năm ròng rã. Đến ngày 30/4/1975, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng,
đất nước ta mới trọn niềm vui thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà đúng như di
nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn hai mươi năm, dân tộc ta đã đi qua một cuộc
trường chinh muôn vàn gian khổ, chồng chất cam go và mất mát, hy sinh để giải
phóng đất nước, thống nhất non sông. Đấy là chân lý thời đại, là cái "dĩ bất
biến" của một dân tộc yêu nước, yêu hòa bình, chứ không phải là ý niệm và
hành động của kẻ hiếu chiến, kích hoạt xung đột. Một dân tộc lấy yêu thương làm
cốt lõi tinh thần, lấy minh triết dân gian “Thương người như thể thương thân” để
ứng xử là một dân tộc có văn hiến. Bản lĩnh dân tộc cũng sinh ra từ đấy. Và điều
đó lý giải vì sao dân tộc Việt Nam đã từng chiến thắng những kẻ thù to lớn hơn
mình.
Chiến thắng 30/4/1975 đã
tích hợp được đầy đủ các ý nghĩa trọng đại nhất: khẳng định độc lập, tự do của
dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; khẳng định sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ,
non sông liền một dải. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, một chiến thắng quân
sự lớn lao lại mở ra một ngày hội mới: Ngày hội thống nhất non sông.
Nhìn lại hành trình phát
triển và mở mang đất nước, bờ cõi xứ sở của chúng ta đã mở rộng về phương Nam.
Đất nước đã thành một dải kéo dài từ địa đầu Móng Cái tới đất mũi Cà Mau, rồi mở
mang ra vùng biển, những Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa, Hoàng Sa… Quá trình này
đã định hình hình thể đất nước từ đầu thế kỷ 17 đến khoảng giữa thế kỷ 18 thì
trọn vẹn như ngày hôm nay…
Ngày nay, đại thắng mùa
xuân 30/4/1975 được coi là ngày hội thống nhất non sông không chỉ của người dân
sinh sống tại Việt Nam mà còn là ngày hội của hàng triệu đồng bào ta đang sinh
sống và làm việc ở nước ngoài. Ngày hội thống nhất non sông mang ý nghĩa cao cả
và có tầm vóc lớn gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của
dân tộc ta. Quá khứ được ghi ơn một cách trân trọng, sâu sắc và điều quan trọng
hơn là lời nhắc nhở về tinh thần yêu quý hòa bình, hòa giải, hòa hợp và đoàn kết
dân tộc.
Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.
Trả lờiXóa