Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Kính thưa hội nghị!

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau đánh giá, sơ kết 3 năm thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng; đúc rút những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương trong triển khai công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ khóa XIII và những năm tiếp theo.

Nhìn lại từ Hội nghị Ngoại giao 31 đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh chưa từng có tiền lệ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi quan điểm, đường lối đối ngoại được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 22 ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 34 ngày 9-1-2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng; kiên trì thực hiện phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”, gắn tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam”, giành nhiều thành tựu quan trọng trong công tác đối ngoại quốc phòng.

Kết luận số 53 ngày 28-4-2023 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã khẳng định: “Những năm qua, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng được triển khai đồng bộ với nhiều cách làm sáng tạo đạt kết quả khá toàn diện, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế”.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PHÚ SƠN 

Trong hợp tác quốc phòng song phương, Bộ Quốc phòng đã mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên cơ sở tin cậy chính trị, xác định đúng nội dung và đa dạng hóa hình thức hợp tác phù hợp với quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao. Ưu tiên tăng cường quan hệ quốc phòng gắn bó, đoàn kết, hữu nghị và tin cậy với các nước láng giềng liền kề để đảm bảo vững chắc vành đai an ninh trực tiếp của đất nước. Triển khai từng bước, từ hình thành cơ chế tiến tới hoàn thiện mô hình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với đầy đủ các nước láng giềng liền kề (đã tổ chức 7 lần với Trung Quốc, 1 lần với Lào, 1 lần với Campuchia) và vừa qua đã tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia...

Trên bình diện đa phương, Bộ Quốc phòng tham gia đầy đủ và là thành viên có uy tín, trách nhiệm, phát huy vai trò tích cực tại các cơ chế hợp tác đa phương, diễn đàn an ninh quốc tế, khu vực, nhất là khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+); Đối thoại Shangri-La, Hội nghị An ninh quốc tế Moscow, Diễn đàn Hương Sơn-Bắc Kinh; chủ động đề xuất sáng kiến thành lập Cộng đồng Tình báo Quốc phòng ASEAN. Bộ Quốc phòng đã đăng cai tổ chức thành công nhiều hoạt động đa phương lớn, nổi bật là trong năm 2022, lần đầu tiên tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam và Chương trình Giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” với lực lượng thực thi pháp luật trên biển 6 nước trong khu vực.

Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh được triển khai chủ động, tích cực. Việt Nam đã hợp tác với 16 quốc gia và tổ chức quốc tế, huy động trên 650 triệu USD để khắc phục hậu quả chất độc dioxin, bom mìn. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước triển khai hiệu quả các hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa quốc tế…

Để có được những kết quả trên, đối ngoại quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các trụ cột đối ngoại, thể hiện trên các mặt sau:

Thứ nhất, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn quán triệt sâu sắc vai trò, tính đặc thù, thế mạnh của các trụ cột đối ngoại. Đó là thế mạnh về truyền thống quan hệ lâu dài, gắn bó, thủy chung của đối ngoại Đảng; khả năng hội nhập năng động, tích cực, toàn diện, tính hiệu lực, hiệu quả cao của ngoại giao Nhà nước; và sức lan tỏa, thuyết phục dựa trên “sức mạnh mềm”, sức mạnh chính nghĩa và công lý của đối ngoại nhân dân. Từ đó, phát huy những đặc trưng riêng của đối ngoại quốc phòng nhằm góp phần củng cố, phát triển quan hệ của Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế; tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để xây dựng, củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh; thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng; nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của đất nước, Quân đội trên trường quốc tế.

Thứ hai, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và các cơ quan đối ngoại trong việc hoạch định, triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, vì lợi ích quốc gia-dân tộc. Việc phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả với các trụ cột đối ngoại nhằm bảo đảm tính tổng thể, gắn kết, tuân thủ các mục tiêu, định hướng chung, đồng thời phù hợp với ưu tiên đối ngoại ở từng thời điểm và với từng đối tác cụ thể; cũng như sự phân vai, phân công, phân nhiệm phù hợp, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Thứ ba, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao vừa qua đã được triển khai hết sức hiệu quả. Lực lượng, đối tượng, nội dung, phương thức hoạt động của đối ngoại quốc phòng, theo đó, cũng đã được quan tâm phát triển, đổi mới, phù hợp với những thay đổi của thế giới, khu vực và đất nước; bảo đảm sự linh hoạt, cụ thể trong từng hoàn cảnh, tình hình, với từng nhóm đối tác, đối tượng, trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.

Thứ tư, trong thực tế triển khai đối ngoại quốc phòng, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng luôn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp công tác chặt chẽ của các cơ quan chức năng của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội... Các đồng chí Đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn dành sự hỗ trợ, quan tâm đặc biệt cho các đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng mỗi khi sang địa bàn công tác.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định. Đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; 4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu. Nhiệm vụ công tác đối ngoại nói chung, công tác đối ngoại quốc phòng nói riêng có những yêu cầu mới, khó khăn, phức tạp, cần có chủ trương, giải pháp đồng bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, hiệu quả để phục vụ đắc lực sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời gian tới, trước mắt tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi quan điểm, đường lối đối ngoại được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9-1-2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với phương châm bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”, giữ nước từ khi nước chưa nguy. Tập trung giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, lực lượng làm công tác đối ngoại nắm chắc quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc, nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, làm cơ sở để vận dụng, triển khai trong thực tiễn.

Hai là, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương trong công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược, phối hợp chặt chẽ, phát huy hiệu quả vai trò, thế mạnh các kênh đối ngoại trong đánh giá, nhận định tình hình, nhất là với các vấn đề liên đến quốc phòng, phát triển của đất nước, tham mưu kịp thời, hiệu quả các chủ trương, giải pháp đối ngoại để phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước là hai lực lượng đóng vai trò chủ lực, nhất là trên các vấn đề lớn có tính chiến lược. Bên cạnh đó, đối ngoại nhân dân cũng là một kênh thông tin quan trọng, nhiều chiều, khách quan, từ đó đề xuất các chủ trương, biện pháp ứng phó phù hợp.

Ba là, tăng cường phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền về đối ngoại; bảo đảm an ninh, an toàn chính trị nội bộ. Kết hợp đồng bộ nhiều lực lượng, biện pháp, tận dụng các hình thức đa phương tiện để kịp thời thông tin, góp phần định hướng cho nhân dân trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu rõ chủ trương, đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ; lan tỏa mạnh mẽ lịch sử, truyền thống, hình ảnh đất nước, văn hóa, con người, thành tựu công cuộc đổi mới của đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bốn là, tiếp tục tăng cường phối hợp xây dựng, hoàn thiện và thực thi hiệu quả hệ thống pháp luật về công tác đối ngoại; quy chế phối hợp hoạt động trong công tác đối ngoại giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Ngoại giao và các ban, bộ, ngành, địa phương trong cả nước; đầu tư nguồn lực và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trân trọng cảm ơn các đồng chí!

(*) Đầu đề của Báo Quân đội nhân dân Điện tử.