Sau Niger, đến lượt Gabon trở thành quân bài tiếp theo của hiệu ứng domino đảo chính rung chuyển Tây và Trung Phi. Chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, 08 cuộc chính biến quân sự đã xảy ra tại khu vực này, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về làn sóng lật đổ sẽ chưa dừng lại, đẩy châu lục trở lại vòng xoáy đảo chính như đã từng diễn ra trong quá khứ và dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Nạn nhân mới, nguyên nhân cũ
Ngày 30/8/2023, chỉ vài phút sau thông báo của cơ quan bầu cử quốc gia, Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba - người “thắng cử” nhiệm kỳ thứ ba đã bị phế truất bởi lực lượng quân đội. Nhà lãnh đạo 64 tuổi bị quản thúc tại gia và đối mặt với các cáo buộc về gian lận bầu cử, tham nhũng trong thời gian lãnh đạo đất nước. Nhóm đảo chính thành lập một ủy ban lâm thời để điều hành đất nước, tuyên bố đình chỉ Hiến pháp và đóng cửa biên giới vô thời hạn. Tướng Brice Oligui Nguema, Tư lệnh Lực lượng vệ binh cộng hòa Gabon được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban Chuyển tiếp và Khôi phục thể chế (CTRI). Thời gian ngắn sau cuộc đảo chính chóng vánh, ngày 04/9, ông Brice Oligui Nguema tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời và bổ nhiệm chính trị gia Raymond Ndong Sima làm Thủ tướng mới để lãnh đạo đất nước nhằm tiếp tục thực hiện những cam kết về đối nội và đối ngoại của Gabon.
Cuộc chính biến chấm dứt 56 năm cầm quyền của gia tộc Bongo không gây bất ngờ, bởi đây không phải là lần đầu tiên chính quyền của cựu Tổng thống Ali Bongo Ondimba bị lung lay bởi các âm mưu lật đổ. Năm 2016 và 2019, hai sự kiện tương tự đã diễn ra nhưng lực lượng thân chính phủ đã kịp thời “ứng cứu” thành công. Tuy nhiên, sự thay đổi chế độ lần này tại Gabon gây chấn động vì chỉ trước đó không lâu, một cuộc đảo chính quân sự đã rung chuyển Niger. Theo đó, ngày 26/7/2023, Tướng Abdourahamane Tiani, người đứng đầu lực lượng bảo vệ Tổng thống Niger đã dẫn đầu lực lượng đảo chính tuyên bố bắt giữ và lật đổ Tổng thống dân cử từ năm 2021 là ông Mohamed Bazoum. Một kịch bản tương tự như ở Gabon khi nhóm đảo chính ra lệnh đóng cửa biên giới quốc gia, đình chỉ các cơ quan nhà nước, bãi bỏ Hiến pháp, ban hành lệnh giới nghiêm; đồng thời, cảnh báo sẽ chống lại mọi sự can thiệp từ nước ngoài. Hai ngày sau, ông Abdourahamane Tiani tuyên bố là lãnh đạo mới của chính quyền quân sự trong giai đoạn chuyển tiếp dù không được quốc tế công nhận. Đây là cuộc đảo chính quân sự lần thứ 05 kể từ khi Niger giành độc lập vào năm 1960.
Tuy nhiên, kỷ lục này hoàn toàn không phải là cá biệt. Theo thống kê, từ năm 1952 đến nay, châu Phi đứng đầu thế giới về số lượng đảo chính với không dưới 214 cuộc chính biến, 106 trong số đó thành công. Trong số 54 quốc gia trên Lục địa đen, 45 nước đã ghi nhận ít nhất xảy ra một âm mưu đảo chính. Có nhiều nguyên nhân khiến châu Phi giữ “danh hiệu” đáng buồn này và cho đến nay, “mẫu số chung” cho các cuộc lật đổ vẫn chưa thay đổi.
Yếu tố đầu tiên phải kể đến đó là sự bất bình đẳng kinh tế và nghèo đói. Theo Ngân hàng Thế giới, 10% người giàu nhất ở châu Phi kiểm soát hơn 40% tài sản, trong khi 50% người nghèo nhất chia sẻ chưa đến 10% tài sản. Mức độ bất bình đẳng cao như vậy dẫn đến sự bất mãn trong dân chúng, bất ổn xã hội và khiến người dân có xu hướng ủng hộ các lực lượng đảo chính - những người hứa sẽ cải thiện nền kinh tế để mang lại cho họ một cuộc sống đầy đủ hơn. Điều này có thể thấy rõ tại Niger - một thuộc địa cũ của Pháp giành độc lập vào năm 1960 có dân số khoảng 25 triệu người. Quốc gia Tây Phi này đứng thứ 07 trong số những nước xuất khẩu uranium nhiều nhất thế giới, có mỏ vàng và một mỏ dầu trữ lượng lớn. Tuy nhiên, Niger hiện có tới hơn 10 triệu người (tương đương 41%) đang sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Nước này được Liên hợp quốc xếp hạng thứ 189/191 về chỉ số phát triển con người, đồng thời cũng đứng thứ 07 trong số các nước nghèo nhất thế giới. Các khoản viện trợ từ nước ngoài chiếm đến 40% ngân khố quốc gia. Vì vậy, trái với sự lo sợ thường thấy khi thay đổi chế độ, hàng nghìn người dân Niger đã tập trung ở thủ đô Niamey tuần hành thể hiện sự ủng hộ lực lượng đảo chính đã lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.
Bên cạnh bất bình đẳng kinh tế và đói nghèo, tình trạng tham nhũng là một vấn nạn nguy hiểm tại rất nhiều quốc gia ở Lục địa đen. Theo Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2022 của Tổ chức Minh bạch quốc tế, 43 trong số 54 nước châu Phi được khảo sát xếp hạng dưới 50, chỉ dấu cho thấy những vấn đề tham nhũng nghiêm trọng. Cùng với sự tham lam, vơ vét của giới lãnh đạo, sự thất bại của các chính sách công và quản lý yếu kém của chính phủ là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình của người dân, làm xói mòn lòng tin của công chúng. Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo được bầu không có khả năng đáp ứng những kỳ vọng cơ bản nhất của người dân như tiếp cận nước và điện, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu,… các cuộc đảo chính thường được người dân hoan nghênh như một “phương án” thay đổi chế độ hợp pháp với hy vọng chính phủ mới sẽ bớt tham lam hơn. Tuy nhiên, điều đáng buồn là rất nhiều lực lượng lật đổ lại thường có xu hướng phạm phải những lỗi lầm mà chính họ đã từng lên án trước đó.
Một lý do nữa khiến châu Phi luẩn quẩn trong vòng tuần hoàn đảo chính là sự thiếu vắng nền tảng dân chủ ở nhiều quốc gia. Thực tế là, khi nắm được quyền lực, các nhà lãnh đạo lại thường xuyên thay đổi các điều khoản ràng buộc về nhiệm kỳ trong hiến pháp. Những cải cách phi dân chủ đó đã cho phép một số tổng thống tái tranh cử vô thời hạn và có thể nắm quyền suốt đời. Gabon là một điển hình. Trước khi bị lực lượng quân đội giành mất quyền lực, cựu Tổng thống Ali Bongo Ondimba đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba kể từ khi nhậm chức vào năm 2009 sau cái chết của cha ông là Omar Bongo, người đã cai trị Gabon bằng “bàn tay sắt” trong hơn 40 năm.
Bất ổn an ninh là nguyên nhân quan trọng. Cho đến nay, nhiều quốc gia châu Phi vẫn phải đối mặt với các thách thức như: khủng bố, nổi dậy và tội phạm có tổ chức. Điều này tạo ra khoảng trống quyền lực mà các lãnh đạo quân sự có thể lợi dụng để lật đổ chính phủ. Niger là một ví dụ điển hình. Mặc dù Pháp có 1.500 binh sĩ đồn trú tại đây trong khi số lượng quân Mỹ hiện diện ở nước này nhằm thực hiện sứ mệnh chống khủng bố là 1.000 người, nhưng đã từ lâu, các nhóm khủng bố Hồi giáo hoạt động rất mạnh ở khu vực Sahel (khu vực kéo dài từ Đại Tây Dương đến Biển Đỏ). Ở phía Đông Nam Niger, nhóm Boko-Haram chiếm giữ khu vực xung quanh hồ Chad, giữa Nigeria và Chad. Ở phía Tây Nam, ngang tầm biên giới với Mali và Burkina Faso, các nhóm Al-Qaeda và Daesh tiếp tục kiểm soát một số vùng lãnh thổ. Vì vậy, Niger thường xuyên bị tấn công khiến hàng nghìn người thiệt mạng chỉ trong vài năm. Theo Bộ Ngoại giao Anh, từ tháng 01/2020 đến tháng 8/2022, quốc gia nằm ở trung tâm khu vực Sahel này đã hứng chịu không dưới 13 cuộc tấn công.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác khiến châu Phi trở thành tâm điểm của làn sóng đảo chính. Phổ biến nhất là việc những thế lực bên ngoài, chủ yếu là các cường quốc có thể giật dây gây ra lật đổ, hỗ trợ các vụ chính biến nhằm thúc đẩy lợi ích riêng như tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc gây ảnh hưởng đến đường hướng chính trị của một quốc gia tại châu lục này.
Những hệ lụy lâu dài
Sau khi buộc phải rời khỏi Cộng hòa Trung Phi, Mali và Burkina Faso, Pháp đang bắt đầu đàm phán để giảm quy mô hoặc rút quân khỏi Niger theo yêu cầu của chính quyền quân sự. Những cuộc chính biến ở các quốc gia tại khu vực được xem là vùng ảnh hưởng truyền thống của Pháp trong nhiều thập niên qua cho thấy vai trò của Paris ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Tâm lý “bài” Pháp của người dân nhiều quốc gia tại Lục địa đen có xu hướng ngày càng gia tăng một cách đáng lo ngại. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia vốn đã thực thi nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh sự hiện diện tại châu Phi lại liên tiếp giành được lợi thế dẫn đến sự thay đổi cán cân địa chính trị tại khu vực.
Hai cuộc lật đổ tại Niger và Gabon cũng nối dài làn sóng đảo chính nguy hiểm tại châu Phi với nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Trước hết, các cuộc binh biến đã làm suy yếu thể chế dân chủ ở lục địa này. Nhiều chính phủ dân sự, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo do dân bầu đã bị lật đổ bởi các lực lượng quân sự kéo theo tình trạng bất ổn chính trị và xã hội. Các cuộc đảo chính cũng xói mòn niềm tin của người dân vào các thể chế dẫn đến gia tăng xung đột và bạo lực, đặc biệt giữa các nhóm ủng hộ và phản đối chính phủ lâm thời. Điều này làm phức tạp thêm tình hình an ninh vốn đã rất yếu kém và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong xã hội.
Trên phương diện kinh tế, sự thay đổi chế độ ở những quốc gia phần lớn là nghèo đói ở châu Phi sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế của chính đất nước đó cũng như toàn châu lục. Nhìn chung, hậu đảo chính là sự gián đoạn kinh tế, làm suy giảm đầu tư và tăng trưởng. Sự mất ổn định về chính trị khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh ở châu Phi. Hệ quả tất yếu là thu nhập của người dân suy giảm, dẫn đến tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng. Các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm vào những lực lượng đảo chính đang nắm quyền cuối cùng sẽ chỉ chồng chất thêm khó khăn cho những người dân vốn đang hằng ngày phải vật lộn với biến đổi khí hậu, nghèo đói và bất ổn an ninh.
Làn sóng đảo chính cũng gia tăng nguy cơ khủng bố ở Lục địa đen. Các nhóm cực đoan đang ẩn náu tại khu vực có thể lợi dụng tình hình bất ổn chính trị để thực hiện các vụ tấn công. Đơn cử, dưới thời cựu Tổng thống Mohamed Bazoum, Niger là đối tác quan trọng của các lực lượng quốc tế nhằm đối phó với các tay súng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al-Qaeda. Thế nên, khoảng trống an ninh sau đảo chính tại quốc gia này có thể mang lại lợi ích cho các nhóm vũ trang và ảnh hưởng trực tiếp đến các nỗ lực chống khủng bố. Lục địa đen đứng trước nguy cơ trở thành căn cứ địa, điểm trú ẩn an toàn cho các nhóm cực đoan quốc tế mở rộng thanh danh, chiêu mộ thành viên và thực hiện các âm mưu tấn công trong và ngoài khu vực.
Những diễn biến tại khu vực Tây và Trung Phi cũng đang gây chia rẽ giữa các quốc gia tại lục địa này. Hiện ở châu Phi đang hình thành hai phe đối lập, gồm một số quốc gia ủng hộ lực lượng đảo chính và những nước công khai lên án các hành động chiếm chính quyền là phi dân chủ. Trong đó, chính phủ Mali và Burkina Faso cảnh báo “bất kỳ cuộc can thiệp quân sự nào vào Niger nhằm hạ bệ chính quyền đảo chính sẽ được coi là chống lại các quốc gia của họ”. Ngược lại, những thành viên Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), dẫn đầu bởi Benin và Bờ Biển Ngà ủng hộ việc sử dụng vũ lực để khôi phục chế độ vừa bị lật đổ ở Niger. Như vậy, có thể thấy rằng, nếu không quản lý tốt, khả năng xung đột giữa các quốc gia châu Phi sẽ rất dễ xảy ra. Điều này cho thấy sự phức tạp trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhằm chấm dứt chuỗi đảo chính đáng sợ ở châu lục này.
VÂN KHANH - THẾ HIỆP
bài rất thực tế
Trả lờiXóa