“Thao
túng tâm lý” là một trong những thủ đoạn chống phá tinh vi, xảo quyệt của các
thế lực thù địch, phản động, tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của cán
bộ, đảng viên và nhân dân. Do vậy, nhận diện và phòng, chống thủ đoạn “thao
túng tâm lý” có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng tâm lý, tư tưởng cho
cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá
của các thế lực thù địch, phản động hiện nay.
Nhiều biểu hiện tinh vi của thủ
đoạn “thao túng tâm lý”
Với mục tiêu làm mục
ruỗng tâm lý xã hội, đảo lộn đời sống tâm lý, tinh thần của nhân dân, các thế lực thù địch, phản động sử dụng nhiều chiêu trò, thủ
đoạn tinh vi, ở mọi lúc, mọi nơi, len lỏi vào từng người, từng nhóm xã hội nhằm
“lung lạc” nhận thức, “gặm nhấm” tình cảm, điều khiển ý chí và hành động, thúc
đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Thao túng tâm lý” là một thủ đoạn điển
hình như vậy.
“Thao túng tâm lý” là
cách thức tác động tâm lý nhằm ảnh hưởng, chi phối, kiểm soát nhận thức, cảm
xúc, hành vi của người khác theo một mục đích nào đó. Nhờ triệt để lợi dụng các
quy luật, đặc điểm tâm lý, cách thức này có thể kiểm soát, điều khiển tâm lý
con người diễn biến theo chiều hướng nhất định. Cơ chế “thao túng tâm lý” diễn
ra theo nhiều kênh tác động khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là kênh thông
tin. Bằng số lượng, nội dung và cách đưa thông tin đến người tiếp nhận, có thể
kiểm soát, điều khiển được nhận thức, cảm xúc, hành vi của người đó.
Ở nước ta, theo thống
kê, đến nay có khoảng 77 triệu người dùng mạng xã hội (MXH),
tương đương 78,1% dân số, chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên, trong đó người
dùng Facebook là 70,4 triệu người. Theo đó, các thế lực thù địch, phản động
triệt để lợi dụng cơ chế “thao túng tâm lý” và đặc tính của MXH để
thao túng, kiểm soát tâm trí con người. Có thể chỉ ra một số cách thức của
thủ đoạn “thao túng tâm lý” mà các thế lực thù địch, phản động đã và đang tiến
hành.
Đưa thông tin sai sự
thật, xuyên tạc, bịa đặt. Thông qua các trang web, blog, các
trang MXH như: Facebook, Zalo, YouTube, TikTok... chúng ra
sức tuyên truyền, bịa đặt về các phe phái trong Đảng, nhất là lợi dụng công
cuộc đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc, hòng hạ uy tín của cán bộ, phá vỡ
khối đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội, chia rẽ Đảng với nhân dân.
Chúng thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số
cán bộ, đảng viên, qua đó gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội,
kích động người dân gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Giả mạo thông
tin. Chúng lập những tài khoản giả mạo trên MXH, website giả mạo các
đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những
người có uy tín, nhân vật nổi tiếng trong xã hội, qua đó đưa tin bịa đặt, gieo
rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm.
Lèo lái thông
tin. Chúng sử dụng các website, dịch vụ thư điện tử (e-mail) và các
trang MXH để lèo lái thông tin. Cách thức tiến hành của chúng thường
là tổng hợp tin tức từ các báo chính thống để tạo ra sự khách quan, sau đó cài
những thông tin xấu độc theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt,
bóp méo sự thật. Cùng với đó là những phân tích, bình luận tưởng như khách quan
nhưng thực chất là tạo ra “bẫy thông tin” khiến người tiếp nhận dễ bị dẫn dắt
theo mưu đồ xấu của chúng.
Tung tin đồn, gây kích
động, chia rẽ. Lợi dụng những sự kiện nhạy cảm liên quan đến các vấn đề
phân định biên giới, lãnh thổ, tranh chấp Biển Đông, ô nhiễm môi trường, hay
những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, công tác cán bộ...
chúng tung tin thất thiệt trên các trang MXH gây hoang mang trong dư
luận, tạo nên sự hiểu nhầm của người dân, sự hoài nghi vào cấp ủy, chính quyền
các cấp. Các tin đồn tác động mạnh vào cảm xúc, kích động những nhóm đối tượng
thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ để tạo sức mạnh chống phá.
Tác động tiêu cực, hệ lụy khôn
lường
Một là, tác động đến nhận thức, quan điểm,
lập trường chính trị. Do triệt để lợi dụng tính tò mò, tâm lý “thích giật
gân” và các quy luật thuần tâm lý như: Cảm nhiễm, a dua, ám thị, bắt chước...
thủ đoạn “thao túng tâm lý” dễ tác động đến nhận thức của một bộ phận cán bộ,
đảng viên và quần chúng nhân dân. Trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt đến
dồn dập, những phân tích, bình luận xuất hiện như “nấm mọc sau mưa” dễ đưa
người khác vào trạng thái hỗn loạn thông tin. Trạng thái đó khiến nhận thức của
con người có thể đi từ phân vân đến hoài nghi, mơ hồ, từ đó dễ làm xói mòn quan
điểm, lập trường chính trị.
Hai là, tác động đến cảm xúc, thái độ và
niềm tin. Thông tin xuyên tạc, bịa đặt thường liên quan trực tiếp đến nhu
cầu, lợi ích, nguyện vọng của người dân và lợi dụng tác động của dư luận xã hội
nên thủ đoạn “thao túng tâm lý” dễ tác động đến cảm xúc, thái độ, niềm tin của
quần chúng nhân dân. Dưới tác động của thủ đoạn “thao túng tâm lý”, thái độ của
con người có thể chuyển biến từ hoài nghi, hoang mang, dao động đến bất bình,
phẫn nộ, phản đối, thậm chí là chống đối, bất hợp tác, mất niềm tin.
Ba là, tác động đến hành vi, hành
động. Khi đã kiểm soát được nhận thức, cảm xúc, thái độ, thủ đoạn “thao
túng tâm lý” còn trực tiếp kích thích, thúc đẩy những hành vi, hành động tiêu
cực của con người. Các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tổ chức đăng
tải, tán phát các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video phỏng vấn theo hướng
kích động những nhân sĩ, trí thức trong nước có tư tưởng bất mãn chính trị. Đối
với quần chúng nhân dân, chúng triệt để lợi dụng bộ phận thiếu hiểu biết, thiếu
thông tin hoặc bị kẻ xấu lôi kéo, mua chuộc, nhất là dân tộc ít người, đồng bào
tôn giáo nhẹ dạ, cả tin bị chúng kích động, lừa gạt, thúc ép buộc tham gia các
cuộc tụ tập gây rối, biểu tình, tạo thành “lực lượng đối trọng”, gây áp lực với
hệ thống chính trị các cấp.
Tạo “bức tường thành” vững chắc
phòng, chống thủ đoạn “thao túng tâm lý”
Mục tiêu của thủ đoạn
“thao túng tâm lý” dù xem xét dưới góc độ nào: Tâm lý hay chính trị, trước mắt
hay lâu dài, ngấm ngầm hay công khai đều mang tính chất phản nhân văn, đi ngược
lại những giá trị tốt đẹp của con người. Thực chất đó là một trong những thủ
đoạn của cuộc chiến tranh tâm lý, cuộc chiến chống lại con người.
Để phòng, chống có hiệu
quả thủ đoạn này, giải pháp hàng đầu là quan tâm xây dựng sự vững vàng về tâm
lý cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. “Vững vàng tâm lý” thể
hiện ở kiến thức, quan điểm và niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ; là khả
năng kịp thời nhận diện, phản bác thông tin xấu độc, bịa đặt, thủ đoạn tuyên
truyền chính trị của kẻ thù; khả năng nắm vững quan điểm chính trị trong ứng xử
các vấn đề xã hội. “Vững vàng tâm lý” hoàn toàn khác với các hiện tượng “đứng
ngoài chính trị”, “thờ ơ chính trị”.
Từ thủ đoạn “thao túng
tâm lý”, các thế lực thù địch luôn tiến công vào những nơi mà ý thức của con
người mù mờ nhất, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tâm lý xã hội và tâm lý cá
nhân, đánh vào những nhu cầu, mong muốn, ước vọng không được thỏa mãn của con
người. Để có được sự “vững vàng tâm lý”, cần hạn chế, thu hẹp đến mức nhỏ nhất
những “mảnh đất màu mỡ” cho thủ đoạn này.
Thực tế cho thấy, nếu
không tích cực ngăn chặn, bài trừ tệ nạn và tiêu cực xã hội, làm lành mạnh môi
trường xã hội hiện nay thì các nọc độc “thao túng tâm lý” sẽ lan truyền hết sức
nhanh chóng. Đây chính là cơ hội cho thế lực thù địch, phản động lợi dụng, gieo
rắc sự hoài nghi, dao động, hoang mang, bi quan, mất niềm tin trong nhân dân.
Chúng đang chờ đợi quá trình “tự tha hóa”, “tự biến chất”, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên để tiếp tục gia tăng những tác
động “thao túng tâm lý”.
Trong bối cảnh thời đại
thông tin bùng nổ hiện nay, cần chủ động, kịp thời cung cấp, định hướng, kiểm
soát thông tin và định hướng dư luận xã hội. Việc chậm trễ thông tin và sự
thiếu chủ động trong việc định hướng dư luận xã hội đã làm nảy sinh ở quần chúng
nhân dân những biểu hiện bất lợi về tâm lý, tư tưởng; ở mức độ đơn giản là
những đồn đoán tùy tiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, làm giảm lòng
tin của nhân dân vào luật pháp và bộ máy công quyền; ở mức độ phức tạp còn làm
cho một số người có thái độ ngờ vực, thậm chí thay đổi quan điểm chính trị.
Vì vậy, trước những sự
kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... nhất là những sự kiện phức tạp,
nhạy cảm thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, các cơ quan chức năng
cần thông tin kịp thời, chính xác cho công chúng và định hướng suy nghĩ, hành
động theo hướng có lợi cho Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Việc làm cần thiết hiện
nay là nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát, quản lý thông tin, phòng, chống
tin giả, tin đồn, thông tin xấu độc trên không gian mạng. Phối hợp chặt chẽ
giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết và
xác định các hành vi, đối tượng vi phạm các quy định về thông tin sai trái,
xuyên tạc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Giải pháp căn cơ là chăm
lo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Ngày nay, khi mục tiêu "đầu
độc" và chiếm lĩnh tâm hồn con người đang và sẽ là mục tiêu chủ yếu của
các thế lực thù địch, phản động thông qua thủ đoạn “thao túng tâm lý” thì việc
xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh càng có ý nghĩa quan trọng. Môi
trường văn hóa lành mạnh đủ sức chống lại những tác động của thủ đoạn “thao
túng tâm lý” cần phải tạo được những rung động, những trạng thái cảm xúc tích
cực ở đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân về đường lối, chính sách của Đảng
và Nhà nước cũng như những giá trị ưu việt của chế độ XHCN.
Cùng với đó, xây dựng
lòng tự hào của mỗi người dân về nền văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Việt Nam, quán triệt và thực hiện tốt lời chỉ dẫn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24-11-2021 tại Hà Nội: “Xây
dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan
nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị
chân-thiện-mỹ.
Nâng cao đời sống văn
hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc;
khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các
vùng, miền của đất nước”. Xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá
nhân đầu tư, sản xuất các sản phẩm có giá trị văn hóa, tinh thần phục vụ nhu
cầu của nhân dân theo phương châm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái
xấu”, "lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực".
Sưu tầm
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa