Lý luận cách mạng là một trong những vấn đề rất quan trọng, có quan hệ trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng cũng như sự thành bại của cách mạng. Việc nghiên cứu, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt” trong đổi mới, chỉnh đốn Đảng hiện nay là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.
“Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, lý luận cách mạng có vai trò hết sức quan trọng đối với Đảng Cộng sản và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người đã khẳng định: Cách mạng Việt Nam “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(1). “Chủ nghĩa” mà Hồ Chí Minh đề cập ở đây chính là hệ thống lý luận để Đảng Cộng sản lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Đối với Đảng ta, đó chính là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm này.
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là tinh hoa trí tuệ của sự phát triển những tư tưởng tiên tiến của nhân loại. Đó là lý luận cách mạng và khoa học, là vũ khí tư tưởng sắc bén của giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản. Được trang bị lý luận Mác - Lê-nin (lý luận cách mạng tiên phong), Đảng Cộng sản Việt Nam mới xứng đáng là đội tiên phong chính trị, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và dân tộc, Đảng mới thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là linh hồn, là chất kết dính làm cho Đảng thống nhất ý chí và hành động lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.
Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin “làm cốt” còn được quy định bởi quy luật ra đời của Đảng. Đảng ta ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Quy luật ra đời của Đảng tự nó đã nói lên tính tất yếu khách quan của việc Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin “làm cốt”. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định chân lý đó. Chỉ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào nước ta với tư tưởng chỉ đạo muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản, cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta mới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng về tư tưởng và có được tôn chỉ hành động đúng đắn.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là “chìa khóa vạn năng”, càng không phải là những tín điều trong kinh thánh. Với vai trò cải tạo thế giới, chủ nghĩa Mác - Lê-nin chỉ phát huy tác dụng và trở thành lực lượng vật chất to lớn khi nó được thâm nhập vào quần chúng, khi Đảng Cộng sản nắm được bản chất khoa học, cách mạng và vận dụng, phát triển nó một cách đúng đắn, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “… chúng ta phải học chủ nghĩa Mác - Lê-nin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta. Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng của ta”(2). Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực tuyệt vời trong việc bảo vệ, vận dụng đúng đắn, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, những người Cộng sản Việt Nam không bao giờ được kỳ vọng rằng, những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã nêu ra những chân lý tuyệt đối cuối cùng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều quan trọng trong vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin là chúng ta có thể biết được phương hướng, bước đi của con đường đó,… còn như về cụ thể và trên thực tế con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc ra sao, thì kinh nghiệm của hàng triệu con người khi họ bắt tay vào hành động mới hiểu rõ. Quan điểm của V.I. Lê-nin không cho phép các đảng cộng sản máy móc, rập khuôn, giáo điều trong vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin. “Linh hồn” của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phân tích cụ thể, tình hình cụ thể, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là sáng tạo. Không phân tích tình hình cụ thể để vận dụng, phát triển đúng đắn, sáng tạo nguyên lý Mác - Lê-nin mà chỉ áp dụng nó một cách giáo điều, bất chấp thực tiễn đã thay đổi là làm trái với bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sẽ khiến cách mạng gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Bài học về sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu là một minh chứng khi các đảng cộng sản mắc sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị trong thực hiện cải cách, cải tổ; xa rời và phủ nhận những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Như vậy, việc Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin “làm cốt” là luận điểm có giá trị to lớn cả lý luận, và đặc biệt là từ thực tiễn sống động hơn 80 năm qua của cách mạng Việt Nam. Chính đó là căn cứ tạo dựng niềm tin đối với cán bộ, đảng viên, đồng thời bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Vấn đề đặt ra trong giai đoạn cách mạng hiện nay
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là vũ khí lý luận sắc bén trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trước đây và là vũ khí tư tưởng không gì có thể thay thế được trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay để Đảng ta lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đúng như lời dạy của Người: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái "cẩm nang" thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(3)..
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới của Đảng ta ngày càng đi vào chiều sâu, không ít những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra chưa có lời giải đáp thỏa đáng; cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận đang diễn ra gay gắt và quyết liệt, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá Đảng và chế độ ta với những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt… Trước sự tác động từ nhiều phía của tình hình trên, đa số cán bộ, đảng viên vẫn vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Song, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn giản đơn, chưa thực sự dựa trên niềm tin có cơ sở khoa học, chưa trải qua cọ xát với những quan điểm chính trị lệch lạc, phản động. Vì vậy, khi tiếp nhận những thông tin ngược chiều, phản bác, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì tỏ ra lúng túng, chưa biết phân tích, bác bỏ ra sao, chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để tự thuyết phục mình và thuyết phục người khác.
Yêu cầu của công tác đổi mới, chỉnh đốn Đảng đã và đang đặt ra một cách cấp thiết phải nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng muốn vững thì phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin “làm cốt”. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, theo chúng tôi, cần triển khai tốt những giải pháp sau:
Một là, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tích cực học tập, nghiên cứu nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, biết vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cấp, từng ngành, từng địa phương và đơn vị. Bởi lẽ, nếu không nắm được bản chất cách mạng và khoa học, không nắm chắc nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng thì không những người cán bộ, đảng viên không làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng mà còn không lý giải được một cách thuyết phục những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra. Do đó, không có cơ sở khoa học để đấu tranh có hiệu quả chống các quan điểm sai trái phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong tự học tập, tự nghiên cứu nắm vững những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhận thức sâu sắc nội dung, giá trị và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, biết vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra đối với từng cấp, từng ngành, đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần căn cứ vào đường lối, quan điểm của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên và tình hình thực tiễn của địa phương, nhà trường và đơn vị để xác định rõ nội dung, hình thức và phương pháp tiến hành tổ chức nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với từng đối tượng.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần bảo đảm tính toàn diện, tính hệ thống và chuyên sâu gắn với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc đổi mới hình thức, phương pháp tiến hành công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, các lực lượng chuyên trách... để tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng, tạo nên một phong trào học tập sâu, rộng trong Đảng và toàn xã hội. Kiên quyết loại bỏ những biểu hiện tư tưởng, tâm lý “thờ ơ” trước những vấn đề chính trị, lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin và tri thức mới trong cán bộ, đảng viên.
Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề bức xúc do thực tiễn đổi mới, chỉnh đốn Đảng đặt ra. Trước hết, cần nghiên cứu sâu thêm vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân; về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về Đảng cầm quyền và công tác xây dựng Đảng; làm rõ hơn mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; nghiên cứu, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của các nước vào công cuộc đổi mới, chỉnh đốn Đảng, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.
Trong tình hình hiện nay, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao tính khoa học, tính thực tiễn và sự mạnh dạn khám phá, sáng tạo. Sớm xây dựng và ban hành quy chế dân chủ trong công tác nghiên cứu lý luận nhằm phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân trong việc bổ sung, phát triển làm phong phú thêm kho tàng lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới.
Bốn là, đẩy mạnh đấu tranh chống các quan điểm sai trái phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng. Để đấu tranh đạt hiệu quả, cần tích cực tuyên truyền, giáo dục những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng, đưa những tư tưởng đó thành hiện thực trong cuộc sống nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước sự công kích của các thế lực thù địch và sự xuyên tạc của các phần tử phản động.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tích cực tham gia đấu tranh vạch rõ bản chất cơ hội, phản động của những quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, trong thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, cán bộ, đảng viên phải thực sự phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, kiên quyết khắc phục tình trạng nể nang “dĩ hòa vi quý”, loại bỏ tư tưởng “phê bình cấp trên thì sợ bị trù dập; phê bình đồng đội thì sợ bị mất lòng, phê bình cấp dưới thì sợ mất phiếu”, nhất là trước thời điểm tiến hành Đại hội. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao dũng khí trong đấu tranh tự phê bình và phê bình để góp phần bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng trong tình hình hiện nay./.
ST.
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa