Nếu không xây dựng mục tiêu, lý tưởng sống và làm việc đúng đắn, không ngừng nỗ lực vươn lên thì chúng ta rất dễ bằng lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được, dần mắc phải tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm thiệt mình, hại tập thể. Đây cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, kìm hãm sự phát triển của xã hội, làm giảm nhiệt huyết và dần triệt tiêu động lực các phong trào thi đua nên cần phải kiên quyết đấu tranh, trừ bỏ. Trang "Ý kiến chiến sĩ" chia sẻ một số ý kiến xung quanh nội dung này!
Theo Trung tá Nguyễn Văn Hải, Phó chính ủy Lữ đoàn 169, Vùng 1 Hải quân: Nguy hại vô cùng!
Tư tưởng trung bình chủ nghĩa là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tư tưởng này hình thành trong cơ chế tập trung, bao cấp, phân phối theo kiểu bình quân chủ nghĩa, đánh giá hiệu quả công việc theo kiểu cào bằng. Những người có tư tưởng trung bình chủ nghĩa thường có cách sống “gió chiều nào che chiều ấy” và luôn đặt quyền lợi của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể, đơn vị. Họ thích lựa chọn những việc dễ, quen thuộc, mang lại nhiều quyền lợi và né tránh những việc mới, việc khó khăn, gian khổ. Những người này thường bàng quan, thụ động, không có động lực cống hiến, không có động cơ phấn đấu, không nỗ lực để làm tốt hơn công việc của mình mà chỉ làm qua loa cho xong việc. Chính vì vậy, những người có tư tưởng trung bình chủ nghĩa là nhân tố cản trở Phong trào Thi đua Quyết thắng, dẫn tới sự trì trệ, suy thoái, giảm sức mạnh chiến đấu của cơ quan, đơn vị. Đấu tranh với những cá nhân có tư tưởng trung bình chủ nghĩa là việc làm tất yếu, thường xuyên trong quá trình xây dựng cơ quan, đơn vị.
Các tàu của Lữ đoàn 169 thường xuyên hoạt động độc lập, xử trí nhiều tình huống phức tạp trên biển, chính vì vậy, chúng tôi chủ động giáo dục, rèn luyện để bộ đội luôn xác định tốt động cơ phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; sống có lý tưởng, xây dựng nhu cầu hoàn thiện bản thân, hướng đến những điều chân-thiện-mỹ. Phong trào Thi đua Quyết thắng được triển khai thực hiện với nội dung, biện pháp, chỉ tiêu cụ thể trong từng giai đoạn để mỗi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu vươn lên, tránh tình trạng thi đua chung chung, đánh đồng mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, chúng tôi lựa chọn đột phá vào khâu yếu, mặt yếu; tập trung vào những việc mới, việc khó để khơi dậy, rèn luyện ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội. Chúng tôi cũng chú trọng phát huy dân chủ, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình; biểu dương gương người tốt, việc tốt, kiên quyết đấu tranh với việc lười học tập, rèn luyện và những biểu hiện trung bình chủ nghĩa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đề nghị thay thế những cá nhân yếu kém, thiếu sự phấn đấu bằng những cá nhân có năng lực, chuyên môn tốt, giàu nhiệt huyết. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 169 đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Theo Trung tá Lê Thanh Bình, Chính ủy Trung đoàn 263, Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân: Mạnh dạn thay thế bằng các nhân tố mới
Tôi cho rằng, trung bình chủ nghĩa sinh ra từ thói làm việc cầm chừng, dễ thỏa mãn, suy nghĩ “làm ít thì sai ít, làm nhiều thì sai nhiều, không làm không sai” hay tư tưởng cào bằng, “xấu đều hơn tốt lỏi”, thà tất cả đều xấu, bình bình còn hơn là tốt một vài chỗ. Ngoài ra, còn do không phát huy được nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong tổ chức đảng, trong mọi hoạt động của đơn vị dẫn đến “dĩ hòa vi quý”, ngại va chạm, sợ mất lòng đồng đội, cấp trên. Những suy nghĩ, tư tưởng đó dần ảnh hưởng đến chất lượng công việc, không tạo ra động lực thi đua, đơn vị khó có khả năng hoàn thành được các nhiệm vụ phức tạp.
Đơn vị vẫn xuất hiện một số cá nhân có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, song hiện đây chỉ là thiểu số, cá biệt. Tuy vậy, nó vẫn tác động phần nào đến chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu và các mặt công tác khác. Để ngăn chặn và chấm dứt hiện tượng này, trước hết, chúng tôi tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, tập trung vào những vấn đề thiết thực, cốt yếu, tác động đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Ngoài giáo dục chung, chúng tôi yêu cầu các cấp phân đội xác định rõ thành phần, cá nhân có tư tưởng trung bình chủ nghĩa để giáo dục riêng. Đồng thời, duy trì nghiêm túc chế độ, nền nếp xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật; thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong xây dựng đơn vị. Đánh giá cán bộ, đảng viên nghiêm túc, dựa trên kết quả hoàn thành nhiệm vụ thực tế; nếu không có sự thay đổi, tiến bộ, phải mạnh dạn thay thế những cá nhân yếu kém, có tư tưởng trung bình chủ nghĩa bằng những nhân tố mới tốt hơn.
Theo Thượng úy Nguyễn Khắc Hiếu, Chính trị viên Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 283, Quân khu 4: Không ngừng phấn đấu là thuốc đặc trị trung bình chủ nghĩa
Theo tôi, nguyên nhân mắc phải trung bình chủ nghĩa là sự tự mãn, nói cách khác là dễ thỏa mãn, bằng lòng với chính mình; tư tưởng phấn đấu cầm chừng; dễ đánh mất bản thân và xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ. Biểu hiện rõ nhất là sa sút ý chí, không có động lực phấn đấu; ngại khó khăn, gian khổ, không quan tâm đến lợi ích của tập thể. Nguy hiểm hơn, nội dung và hình thức của tư tưởng trung bình chủ nghĩa ngày càng tinh vi, khó nhận biết nên dễ dàng che đậy bản chất thật bên trong, khiến nhiều người lầm tưởng với tính khiêm tốn, giản dị. Trung bình chủ nghĩa không đơn giản là có ít đóng góp mà còn làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; khiến đơn vị trì trệ, mất ổn định, không hoàn thành nhiệm vụ; cán bộ, chiến sĩ mất phương hướng, rơi vào tình trạng vi phạm kỷ luật, ảnh hưởng xấu đến uy tín, niềm tin của tập thể và cá nhân.
Để đấu tranh với các biểu hiện trung bình chủ nghĩa, cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng đổi mới, nâng cao giáo dục nhận thức, bồi dưỡng niềm tin, khát vọng cống hiến; kịp thời động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ phát huy năng lực sở trường. Kịp thời khen thưởng, biểu dương; tuyệt đối không cào bằng; phê bình đúng người, đúng việc; mạnh dạn, kiên quyết thay thế cán bộ yếu kém, có tư tưởng trung bình chủ nghĩa bằng những cán bộ có đủ tài và đức, giàu tinh thần nhiệt huyết thúc đẩy động lực phấn đấu. Đối với cá nhân thì khiêm tốn, cầu thị, không ngừng phấn đấu là thuốc đặc trị đối với trung bình chủ nghĩa; loại bỏ những tác động từ bên ngoài, văn hóa ngoại lai, lối sống hưởng thụ.
Còn theo Trung sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 8, Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 306, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9: Bồi đắp lý tưởng, khát vọng cống hiến vì tập thể
Theo tôi, trung bình chủ nghĩa xuất phát từ nhận thức đơn giản, lối làm việc cầm chừng, thiếu ý thức trách nhiệm. Những người có tư tưởng này thường ngại học tập chính trị, thiếu ý thức xây dựng tập thể, không có chính kiến cá nhân nên dễ bị tác động từ bên ngoài. Ngoài ra, họ còn ngại va chạm, ai nói gì cũng mặc kệ, không dám nghĩ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm và thiếu lý tưởng sống, ước mơ, hoài bão, chỉ xoay quanh lợi ích cá nhân. Để đấu tranh, ngăn chặn trung bình chủ nghĩa, tôi cho rằng, mỗi quân nhân cần xác định tốt tư tưởng, động lực thực hiện nhiệm vụ của bản thân; phải sống có lý tưởng, hoài bão; nuôi dưỡng khát vọng hoàn thiện bản thân, khát vọng cống hiến cho tập thể. Tích cực học tập nâng cao trình độ, củng cố lập trường tư tưởng cũng là một cách đấu tranh chống biểu hiện ngại phấn đấu, rèn luyện, giúp đẩy lùi, ngăn chặn tư tưởng “gió chiều nào che chiều ấy”, tranh công, đổ lỗi, né tránh trách nhiệm. Chẳng hạn như khi duy trì sinh hoạt tiểu đội, bình xét, biểu dương tuần, phải nhắc nhở anh em thật sự cởi mở, thẳng thắn, chân thành đóng góp ý kiến để tập thể và đồng đội khắc phục, không nên che giấu khuyết điểm; mặt khác, mạnh dạn đề xuất những đồng chí có sự nỗ lực phấn đấu, tuyệt đối không được cào bằng./.
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa