Tối 22/10, Lễ trao giải Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 năm 2023 diễn ra tại Hà Nội. Cuộc thi do Ban Chỉ đạo 35 Trung ương chỉ đạo, phân công Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Đến dự lễ trao giải có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi Nguyễn Xuân Thắng; cùng Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và một số Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, các ban, bộ, ngành Trung ương.
Cuộc thi năm nay có ý nghĩa rất quan trọng, là sự tiếp nối thành công của Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ nhất, lần thứ hai trong các năm 2021, 2022; đồng thời sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị Khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Qua 3 lần tổ chức, Cuộc thi ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giành được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của các cấp, các cơ quan, địa phương và các tác giả trong và ngoài nước, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Sau hơn 9 tháng phát động, cuộc thi đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong hệ thống chính trị trên khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với số lượng kỷ lục tới 301.365 tác phẩm dự thi, gấp gần 3 lần so với Cuộc thi năm 2022 và chất lượng các tác phẩm đoạt giải được nâng lên rõ rệt.
Điểm đáng chú ý, các tác phẩm dự thi được mở rộng thể loại hình bài Tạp chí (tạp chí in và tạp chí điện tử), loại hình Báo (báo in và báo điện tử) và bổ sung loại hình Phát thanh, Truyền hình, Video clip, càng cho thấy sức lan tỏa ngày càng lớn của Cuộc thi.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ trao giải, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Việc tổ chức và thực hiện có kết quả Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những minh chứng cụ thể, sinh động cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị một cách sáng tạo, thiết thực và rất có ý nghĩa.
Từ thực tế Cuộc thi, có thể thấy nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là những vấn đề lý luận khô khan, cao siêu, trừu tượng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân; bảo vệ cái đúng, tiến bộ; phê phán cái sai, tiêu cực, đã và đang trở thành hoạt động thường xuyên, quen thuộc, gắn bó với công việc của các cơ quan, đơn vị và cuộc sống hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị thời gian tới, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và việc tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng cần tập trung vào một số nội dung. Trước hết, cần tiếp tục chú trọng việc kiên định bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam; nhận diện và kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.
Cùng với đó, tiếp tục khuyến khích việc tổng kết, lan tỏa mô hình hay, cách làm tốt, kinh nghiệm tốt ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
Cần chú trọng hơn nữa việc gắn kết giữa xây và chống, giữa bảo vệ và bổ sung, phát triển sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng, gắn kết việc nhận diện, phê phán, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của không chỉ những người làm công tác tư tưởng, lý luận và làm báo chuyên nghiệp mà cần tập hợp rộng rãi sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, bạn bè khắp năm châu, của các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình, công lý, lẽ phải trên thế giới.
Tổng kết Cuộc thi năm 2023 và phát động Cuộc thi chính luận lần thứ 4 năm 2024, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ III năm 2023 đã thành công rất tốt đẹp. Cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, lan tỏa rộng rãi trong hệ thống chính trị, toàn xã hội và cả nước ngoài.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần được quan tâm hơn hơn nữa để vừa kiên định, kiên trì bảo vệ, khẳng định, bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; vừa kiên quyết, kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu chống phá xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động cơ hội chính trị.
Với nghĩa đó, thay mặt Ban Chỉ đạo cuộc thi, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã phát động cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4 năm 2024.
Tại lễ trao giải, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức cuộc thi đã trao các giải: A, B, C, Khuyến khích và Triển vọng.
Cụ thể, có 10 giải A, với các tác phẩm: “Cán bộ sợ trách nhiệm - “căn bệnh” cần chữa trị ngay” của tác giả Trần Nam Cường (Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam); “Những giá trị của quyển sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đối với công tác phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” của tác giả Trương Thế Nguyễn (Học viện Chính trị khu vực 4, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); “Phê phán quan điểm: “Thanh Đảng là thanh trừng, đấu đá nội bộ” của nhóm tác giả Vũ Xuân Trường; Lê Tuấn Anh; Vũ Thành Huyến (Trường Sỹ quan chính trị, Bộ Quốc phòng); tác phẩm 3 kỳ: "Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” của tác giả: Nguyễn Hải Đăng (Báo Nhân dân); tác phẩm “Từ công thần đến suy thoái - Chỉ một gạch nối” của nhóm tác giả Linh Tâm - Đào Thị Lanh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước).
Tác phẩm 2 kỳ: "Cảnh giác trước những biến tấu của hội, nhóm “yêu đồ lính” của tác giả Đoàn Đức Phương; Nguyễn Đình Xuân (Công an tỉnh Thái Nguyên); “Tạo sức đề kháng cho giới trẻ” của nhóm tác giả Nguyễn Kim Tôn, Vũ Ngân Giang, Trần Hải Anh, Trần Văn Doanh, Trần Văn Toản, Đinh Thái Bảo, Trương Thanh Phong, Nguyễn Thị Thúy (Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội); “Chủ động nhận diện và đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch” của nhóm tác giả Đăng Khang, Kinh Bang, Tiến Mạnh, Đức Trọng, Kim Quang, Nam Hà (Truyền hình Công an Nhân dân, Bộ Công an); tác phẩm 2 kỳ: “Phản bác luận điệu xuyên tạc tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hằng Nga, Đào Thanh Trường, Nguyễn Thị Minh Châu, Nguyễn Thị Thu Hiền (Ban Thời sự - Đài Tiếng nói Việt Nam); “Giới trẻ góp phần thanh lọc mạng xã hội” của tác giả Đinh Thị Thu Hằng, Bùi Thu Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức trao 20 giải B, 32 giải C, 60 giải Khuyến khích, và 20 giải Triển vọng.
Ban Tổ chức cũng trao Giải Tập thể có thành tích xuất sắc cho 15 đơn vị. Cùng với đó, Ban Tổ chức vinh danh 2 tác giả cao tuổi là cụ Nguyễn Đình Yên, sinh năm 1922 đến từ Hải Phòng và cụ Nguyễn Đình Hậu, sinh năm 1928 đến từ Hà Nội; 2 nhóm tác giả trẻ tuổi tiêu biểu là các em Phạm Phương Thùy, Phạm Huỳnh My, học sinh Trường Trung học Phổ thông Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; em Trần Thị Diệu Linh (đại diện nhóm tác giả), học sinh Trường Trung học Phổ thông Việt Nam - Ba Lan, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
giải này rất ý nghĩa
Trả lờiXóa