Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

Tự hào áo dài Việt Nam

 

Những ngày này, từ các cơ quan, công sở, trường học, trên đường phố và cả mạng xã hội đều xuất hiện hình ảnh phụ nữ Việt Nam duyên dáng, thướt tha trong trang phục áo dài. Điều này góp phần tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng về lịch sử, giá trị thẩm mỹ của áo dài Việt Nam; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa trang phục dân tộc.

Trong lễ tiếp nhận hiện vật “Ký ức và di sản” do Bảo tàng Phụ nữ (BTPN) Việt Nam tổ chức tuần qua tại Hà Nội, nhiều người tham dự xúc động trước những câu chuyện gắn với hiện vật của Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam. Kỷ vật mà Đại sứ Nguyễn Phương Nga mang tới tặng bảo tàng là hai bộ áo dài được bà mặc trong Lễ trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ, đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và tại Lễ trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon năm 2014. Đại sứ Nguyễn Phương Nga chia sẻ: “Hai bộ áo dài trao tặng BTPN Việt Nam đã gắn bó thân thiết với tôi, luôn nhắc nhở tôi rằng, mình thật vinh dự được đại diện cho đất nước Việt Nam, cho phụ nữ Việt Nam mang trên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Trong các hoạt động quốc tế, khi mặc áo dài, tôi luôn có cảm giác rất tự hào, vinh dự và tự tin. Khi mặc ai cũng đẹp hơn vì phù hợp với nhiều hình dáng cơ thể và thanh nhã, sang trọng, lịch sự, duyên dáng, mang nét đặc biệt, biểu trưng cho văn hóa truyền thống của Việt Nam. Ngoài ra, tà áo dài nhắc nhở người mặc phải ứng xử cho xứng đáng với giá trị truyền thống và lịch sử hào hùng của đất nước”.

Kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, năm nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) đã phát động “Tuần lễ áo dài Việt Nam”, nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, khơi dậy trách nhiệm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa áo dài. Theo bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc BTPN Việt Nam, tiếp nhận hiện vật “Ký ức và di sản” là một trong những sự kiện nối dài chuỗi hoạt động “Áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam”, do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức từ năm 2020 đến nay, góp phần khẳng định và tôn vinh vị thế, giá trị của áo dài trong đời sống xã hội của người Việt Nam. “Mỗi cá nhân có cảm nhận về vẻ đẹp, về giá trị di sản một cách khác nhau và cách gìn giữ, phát huy những di sản của dân tộc cũng mỗi người mỗi vẻ. Họ dùng tâm huyết và óc sáng tạo của mình để thể hiện qua những nét vẽ cách điệu trong tà áo dài, trân trọng và mặc áo dài với niềm tự hào về bản sắc văn hóa trong những dịp lễ trọng”, bà Nguyễn Hải Vân cho hay.

“Tuần lễ áo dài Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng, lan tỏa rộng khắp ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ ngày 1-3, cán bộ cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam, hội LHPN các tỉnh, thành phố và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức nhiều cơ quan đồng loạt mặc áo dài đến công sở, như những vườn hoa nhiều màu sắc trên cả nước. Tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội), các cô giáo trang nhã, thướt tha trong những bộ áo dài, nở những nụ cười rạng rỡ đón học sinh trong ngày đầu đến trường sau thời gian dài nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu và phòng, chống dịch Covid-19. Theo cô Nguyễn Điệp Anh, Hiệu trưởng nhà trường: Nhiều năm qua, nhà trường luôn khuyến khích các cô giáo mặc áo dài khi đến trường dạy học cũng như trong các hoạt động hội họp nhằm phát huy hình ảnh văn minh, thanh lịch của nữ cán bộ, giáo viên Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên mạng xã hội, phong trào mặc áo dài chụp ảnh lưu niệm, tôn vinh tà áo dài truyền thống rất sôi nổi... Các thành viên của trang Facebook “Tự hào áo dài Việt Nam” với gần 12.000 thành viên ở khắp mọi miền Tổ quốc đã đăng tải nhiều ảnh đẹp và quay clip tôn vinh tà áo dài Việt Nam.

Để áo dài trở thành di sản văn hóa của người Việt

Trang phục áo dài lâu nay được coi là biểu tượng trang phục của người Việt Nam, hàm chứa những giá trị lịch sử văn hóa, xã hội và nghệ thuật độc đáo. Trải qua thời gian, trang phục áo dài đã đi vào đời sống của người dân Việt Nam, là nguồn cảm hứng để các văn nghệ sĩ sáng tác nên những tác phẩm hội họa, thi ca, âm nhạc, văn chương, thời trang, đồng thời cũng là thông điệp thể hiện bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Áo dài nữ là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng, làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người phụ nữ. 

Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, nét đặc trưng của áo dài được thể hiện ở tính phổ cập trong đời sống xã hội, trong các tầng lớp nhân dân: Từ nhà giáo, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, diễn viên, nghệ sĩ... Áo dài chính là thành quả lao động của các nghệ nhân, những người sáng tạo, thiết kế và làm nên chúng qua nhiều khâu, công đoạn, như: Trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa, may đo, thêu vẽ hoa văn trang trí, kết hợp với các ý tượng sáng tác đều phản ánh vẻ đẹp, bộc lộ tâm hồn, tính cách và nhân sinh quan của người Việt. Áo dài Việt Nam không đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam.

Đến nay, dù Nhà nước chưa ban hành văn bản luật chính thức nào khẳng định áo dài là quốc phục Việt Nam. Tuy nhiên từ lâu, áo dài đã được đa số nhân dân mặc định là “áo dài dân tộc” hay “trang phục truyền thống của người Việt Nam” trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, đối ngoại; ngay cả với những người Việt xa quê, “thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó”... PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia (VHNTQG) Việt Nam (Bộ VHTTDL) cho hay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo vệ, phát huy giá trị trang phục áo dài là công việc vô cùng cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, đối với cộng đồng và các nghệ nhân.

Đưa áo dài trở thành Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của nhân loại là điều mong mỏi của rất nhiều người. Theo PSG, TS Bùi Hoài Sơn, trước mắt phải xác định cộng đồng gắn với áo dài là ai, là những người thiết kế áo dài, mặc áo dài, hay may áo dài... tương tự như lập hồ sơ di sản hát xoan của Phú Thọ; lễ hội Gióng đền Sóc (Hà Nội); đờn ca tài tử Nam Bộ... Viện VHNTQG Việt Nam đang hướng theo câu chuyện đấy, xác định cộng đồng sở hữu di sản, có thể lựa chọn một số làng may áo dài ở Hà Nội, Thừa Thiên Huế, hoặc TP Hồ Chí Minh. Theo Viện trưởng Viện VHNTQG Việt Nam, các cơ quan, đơn vị có liên quan đang tích cực chuẩn bị xem xét, công nhận áo dài là DSVHPVT quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO. Mặt khác, việc nghiên cứu một cách thấu đáo về trang phục áo dài nhằm tìm ra những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp để đảm bảo sức sống của áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam.

 

1 nhận xét: