Vạch trần hành động xuyên tạc tổ chức công đoàn Việt Nam
Lợi dụng sự kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội, ngày 02/12, trang facebook Việt Tân đăng bài: “Công đoàn Việt Nam: Khai mạc hoành tráng – Thực tế ăn hại”. Trong bài đăng của Việt Tân cho rằng: “hoạt động của Công đoàn Việt Nam không đại diện cho quyền lợi của người lao động mà chỉ phục vụ lợi ích của giới chủ sử dụng lao động. Lực lượng này trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong Mặt trận Tổ quốc,…”. Đây là hành động xuyên tạc vai trò, các hoạt động của tổ chức công đoàn cần vạch trần, lên án.
Bởi vì, theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy chế hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp đã xác định: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan lãnh đạo cao nhất của các cấp Công đoàn. Thay mặt cho công nhân, viên chức, lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, tham gia xây dựng pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, viên chức và lao động. Bám sát thực tiễn, tổ chức thực hiện sáng tạo chủ trương của Đảng, chủ động nghiên cứu, tham mưu, kịp thời định hướng phát triển phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên, lấy lợi ích là điểm quan trọng để tập hợp, thu hút người lao động. Thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và người lao động, v.v.
Trên thực tế, những năm qua, tổ chức công đoàn các cấp đã tập trung đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua các hoạt động cụ thể, như: tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách giữa người đứng đầu chính quyền các cấp với người lao động, từ đó giúp chính quyền các cấp nắm tâm tư, nguyện vọng và điều chỉnh chính sách kịp thời cho người lao động; đào tạo nghề, có cơ chế hỗ trợ vốn, tài chính, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách nhà ở,… cho công nhân. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ năm 2018 - 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành hơn 300 văn bản góp ý, kiến nghị, đề nghị, đề xuất về xây dựng cơ chế chính sách, pháp luât; tham gia xây dựng, hoàn thiện 15 báo cáo thực thi công ước quốc tế của Chính phủ, 02 hồ sơ đề xuất gia nhập Công ước 98, Công ước 105. Tổ chức công đoàn đã tham gia đàm phán nâng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động thêm 25,34% so với đầu nhiệm kỳ; tham gia tố tụng, giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án cho hơn 11.900 người; thực hiện hoạt động tư vấn cho hơn 01 triệu lượt đoàn viên, người lao động; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 2,6 triệu người; có hơn 27 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo Tết với tổng số tiền hơn 26.000 tỉ đồng; hỗ trợ dinh dưỡng cho các lực lượng, công nhân người lao động trong thời gian chống dịch Covid-19, tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên mồ côi do Covid-19 với số tiền hỗ trợ gần 6.000 tỉ đồng, v.v. Thông qua các hoạt động trên đã góp phần hỗ trợ, động viên công nhân, người lao động gắn bó, yên tâm tham gia lao động, sản xuất.
Tuy nhiên, cũng chính từ những tác động, hậu quả do đại dịch Covid-19 để lại, nên nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam rơi vào suy thoái, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng,… vì thế, nhiều doanh nghiệp “cực chẳng đã” phải cho công nhân, người lao động nghỉ việc. Trước tình trạng đó, tổ chức công đoàn các cấp đã làm việc với chủ các doanh nghiệp bảo đảm quyền lợi cao nhất cho công nhân, người lao động; tổ chức tư vấn, giới thiệu, tìm việc làm mới; hỗ trợ, động viên khó khăn,… nên làm giảm đáng kể các cuộc tụ tập đông người đình công, phản đối của công nhân. Những hành động, việc làm, con số cụ thể trên chính là bằng chứng xác đáng nhất cho câu hỏi của Việt Tân: “Thử hỏi, lực lượng Công đoàn này đã làm gì trước tình trạng hàng trăm nghìn công nhân bị mất việc làm, trước hàng trăm cuộc đình công của công nhân, trước những hoàn cảnh khó khăn mà người lao động đang gặp phải,…”.
Trong khi đó, thực chất âm mưu của họ là đây: “Trước mắt, Công đoàn Việt Nam cần phải thực sự độc lập khỏi sự kiểm soát của tổ chức đoàn, đảng chính quyền trước…”. Mục đích của họ là đòi tách sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chính quyền với tổ chức công đoàn, để công đoàn trở thành tổ chức “vô chính phủ”, giúp họ dễ bề can thiệp, lôi kéo, xúi giục công nhân, người lao động biểu tình, gây ra những bất ổn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Đây là âm mưu hết sức thâm độc, cần bị vạch trần, kiên quyết đấu tranh bác bỏ./.
Mọi luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các thế lực thù địch đều có âm mưu xấu xa, thâm độc kèm theo. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của bọn chúng.
Trả lờiXóa