Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

V.I. Lê-nin bàn về vấn đề thanh lọc đảng viên và ý nghĩa của nó trong việc xây dựng Đảng ta hiện nay

Quan điểm cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của V.I. Lê-nin về vấn đề thanh lọc đảng viên có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền. Điều đó vẫn giữ nguyên giá trị và là bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu đối với việc xây dựng Đảng ta hiện nay.

Quan điểm của V.I. Lênin về vấn đề thanh lọc đảng viên

Ngay từ những ngày đầu làm cách mạng, V.I. Lê-nin đã sớm nhận thấy sức mạnh của tổ chức đảng đối với cách mạng vô sản khi cho rằng: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên”(1). Theo đó, không có tổ chức đảng vững mạnh thì cách mạng vô sản không thể thành công. V.I. Lê-nin cho rằng, một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh của Đảng Cộng sản chính là ở chất lượng của đội ngũ đảng viên. Mọi biểu hiện coi nhẹ, thái độ không nghiêm túc, không khoa học trong công tác xây dựng đội ngũ đảng viên là nguyên nhân làm cho Đảng lỏng lẻo về mặt tổ chức, giảm sút khả năng lãnh đạo, sức chiến đấu và làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Không có sự đoàn kết cao độ trong hàng ngũ của Đảng, không có kỷ luật sắt của Đảng, không có sự thống nhất về mục tiêu, lý tưởng và tổ chức của Đảng thì không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nếu Đảng mắc sai lầm nghiêm trọng kéo dài, có thể làm biến chất hoặc tan rã Đảng. Do đó, V.I. Lê-nin khẳng định: Sức mạnh của Đảng không phải ở số lượng đảng viên ít hay nhiều mà ở chất lượng đảng viên. “Những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần. Đảng độc nhất nắm chính quyền trên thế giới quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đảng viên, đến việc thanh trừ “bọn luồn lọt vào Đảng” ra khỏi hàng ngũ của mình, chứ không phải làm tăng thêm số lượng đảng viên, đó chính là đảng chúng ta, đảng của giai cấp công nhân cách mạng”(2). 

Thực tiễn tan rã của Đảng Cộng sản ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đã chứng minh nhận định trên của V.I. Lê-nin và cũng chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, khi đội ngũ của Đảng có nhiều đảng viên không còn giữ được vai trò tiên phong và có nhiều phần tử cơ hội thì khi gặp những biến cố của lịch sử, đảng đó khó có thể giữ được vai trò lãnh đạo của mình. Vì vậy, trước khi qua đời, V.I. Lê-nin còn nhấn mạnh: “Trong cuộc đấu tranh chống bè phái, mỗi tổ chức của đảng phải hết sức kiên quyết, không dung thứ bất cứ hoạt động bè phái nào”, và nếu “ai không thi hành quyết định ấy của đại hội thì nhất định sẽ bị khai trừ lập tức ra khỏi đảng”(3). 

Như vậy, theo V.I. Lê-nin, để đội ngũ của Đảng luôn luôn trong sạch, chỉ bao gồm những chiến sĩ tiên phong trong phong trào cách mạng cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, được quần chúng tin tưởng, Đảng phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi hàng ngũ của mình. Đó là một biện pháp đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Mục đích của việc thanh lọc những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, giúp cho “đảng trở thành một đội tiền phong của giai cấp vô sản vững mạnh hơn trước nhiều; nó sẽ làm cho đảng trở thành một đội ngũ tiền phong có liên hệ vững chắc hơn với giai cấp ấy, có khả năng hơn để đưa giai cấp ấy đi đến thắng lợi, giữa vô vàn khó khăn và nguy hiểm”(4).

Nguyên nhân dẫn đến việc phải thanh lọc đảng viên 

Một là, do thực tiễn lịch sử của nước Nga: Tại Đại hội II của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga (tháng 7-1903), Đảng đã chia thành hai phái là Bôn-sê-vích và Men-sê-vích. Những người Men-sê-vích cấu kết với phái “kinh tế” trong Đảng, trở thành một lực lượng có đường lối riêng, chống lại phái Bôn-sê-vích, đứng đầu là V.I. Lê-nin. Biểu hiện cụ thể là họ chống lại những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917), trong Đảng lại nổ ra nhiều cuộc đấu tranh mới gay gắt hơn, giữa những người Bôn-sê-vích và Men-sê-vích về những vấn đề như: Hòa ước Brét-li-tốt, Chính sách cộng sản thời chiến, quan niệm về công đoàn, nhà nước, chuyên chính vô sản,… Trong khi đó, giai cấp công nhân Nga vừa phải trải qua cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và nội chiến nên có nhiều biến động. Nhiều công nhân ưu tú phải ra mặt trận hoặc kiếm sống tự do. Thêm vào đó, trong các nhà máy, hầm mỏ, xí nghiệp,… có nhiều phần tử xuất thân từ mọi tầng lớp dân cư, kể cả những kẻ chạy trốn nghĩa vụ quân sự và vô sản lưu manh, côn đồ, có lập trường giai cấp không vững vàng, xin vào Đảng với nhiều mục đích khác nhau.

Hai là, do địa vị của Đảng Cộng sản Nga: Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga trở thành đảng cầm quyền. Trong điều kiện mới, Đảng mất đi sự sàng lọc tự nhiên. Mặt khác, do sức hấp dẫn của đảng cầm quyền, những phần tử lưu manh, cơ hội nghĩ rằng, đảng cầm quyền đồng nghĩa với việc có nhiều lợi lộc nên đã tìm mọi cách để gia nhập Đảng. Chúng câu kết với những phần tử cơ hội có sẵn trong Đảng, hoặc mua chuộc những đảng viên cũ, hình thành nên một lực lượng chuyên chống phá khá lớn trong Đảng. Ngoài ra, do Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga lên nắm quyền trong tình hình có rất nhiều thế lực thù địch đang tìm mọi cách phủ định thành quả của cách mạng Nga, nên chúng cũng luôn tìm mọi cách chui vào Đảng để chống phá thành quả của cách mạng. Kinh nghiệm lãnh đạo đất nước của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga chưa có nhiều nên việc kết nạp đảng viên mới có những sai sót về tiêu chuẩn, khiến số lượng đảng viên tăng nhanh, ảnh hưởng đến chất lượng của Đảng. Đây chính là nguồn gốc của những bè cánh, phe nhóm trong Đảng, dẫn đến việc phải thanh lọc đảng viên.

Đối tượng đảng viên cần phải thanh lọc

Theo V.I. Lê-nin, có nhiều đối tượng đảng viên cần phải xem xét, điều tra, thử thách trong các đợt thanh lọc, nhằm làm trong sạch đội ngũ đảng viên đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trước hết, cần thanh trừ những kẻ bè phái chống Đảng như bọn Men-sê-vích. Trong bài “Vấn đề thanh đảng”, Người chỉ rõ: “Tôi muốn nêu ra một nhiệm vụ đặc biệt, tức là nhiệm vụ thanh trừ những phần tử Men-sê-vích cũ ra khỏi đảng. Theo tôi, trong tất cả những người Men-sê-vích tham gia đảng từ sau thời gian đầu năm 1918, ta có thể lưu lại trong đảng, chẳng hạn, nhiều lắm là một phần trăm; và cũng còn sẽ phải thẩm tra từng người một trong số những người được lưu lại đó, ba hay bốn lần”(5). Phải thanh lọc những phần tử này trong Đảng, vì “trong thời kỳ từ 1918 đến 1921, những người Men-sê-vích đứng về mặt trào lưu chính trị mà nói, thì họ đã biểu lộ rõ hai đặc tính của họ: một là, khôn khéo thích ứng, “chui” vào trào lưu đang thịnh hành trong công nhân; hai là, hết lòng hết dạ phục vụ bọn bạch quân một cách còn khôn khéo hơn nữa, và thực tế phục vụ bọn bạch quân, mà miệng thì cứ tuyên bố là từ bỏ bọn chúng. Hai đặc tính đó đều do từ trong toàn bộ lịch sử của chủ nghĩa Men-sê-vích mà ra”(6). Do đó, “phải thanh trừ ra khỏi đảng độ chừng chín mươi chín phần trăm những người Men-sê-vích đã tham gia Đảng Cộng sản Nga sau năm 1918”(7). 

Những đối tượng tiếp theo cần phải thẩm tra, điều tra, xem xét lại tư cách trước khi thanh lọc ra khỏi Đảng là: “(1) những người thuộc các đảng khác gia nhập đảng sau tháng Mười năm 1917; (2) những người gia nhập đảng xuất thân từ tầng lớp quan lại và viên chức đã làm việc cho các chính phủ cũ; 3, những người đã giữ những chức vụ gắn liền với những đặc quyền đặc lợi nào đó; 4, những người thuộc viên chức Xô-viết - những hạng người trên phải được thẩm tra đặc biệt từng người, nhất thiết có tham khảo ý kiến của quần chúng lao động trong đảng cũng như ngoài đảng đã từng tiếp xúc với đảng viên đó của Đảng Cộng sản Nga trong công tác của anh ta”(8).

Theo V.I. Lê-nin, trong một đảng đang phát triển bao giờ cũng có những phần tử không kiên định, bấp bênh, dao động, nhất là đối với một đảng đang chấp chính, có nhiều đảng viên xuất thân từ nông dân và các tầng lớp khác. Hơn nữa, bản thân giai cấp công nhân cũng không phải là một giai cấp đóng kín mà luôn có những phần tử lưu manh, phi vô sản nhập vào giai cấp đó. Do vậy, “phải khai trừ ra khỏi đảng tất cả những đảng viên Đảng Cộng sản Nga ít nhiều đáng nghi ngờ, không vững vàng, đã không chứng minh được sự kiên định của mình; những người này có quyền được kết nạp lại sau khi thẩm tra và thử thách thêm”(9). 

Để công tác thanh lọc đảng viên được tiến hành tốt, V.I. Lê-nin đã chỉ ra thế nào là những người thoái hóa, biến chất, là bọn cơ hội, phản động để có thái độ xử lý thích hợp. Theo Người, những người thoái hóa, biến chất là những người không chịu phấn đấu vươn lên, lười học tập, nâng cao trình độ học vấn của mình; những người vi phạm các điều khoản trong Điều lệ Đảng, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước, lạm dụng chức vụ bôi nhọ danh hiệu đảng viên; những người cố tình không chịu thi hành quyết định của Đảng, hách dịch, cửa quyền với quần chúng,…

Hình thức và biện pháp thanh lọc đảng viên

Để nhiệm vụ thanh lọc đảng viên thực sự mang lại hiệu quả, V.I. Lê-nin cho rằng, Đảng phải biết sử dụng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, như:

- Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và thông qua nhiệm vụ chính trị để đánh giá, thanh lọc đảng viên, hay nói cách khác, phải căn cứ vào việc làm chứ không phải chỉ vào lời nói của đảng viên để đánh giá, thanh lọc họ. 

- Dựa vào những kinh nghiệm và ý kiến của quần chúng ngoài Đảng để thanh lọc đảng viên. Đảng là người lãnh đạo quần chúng, quyết định mọi mặt của đời sống quần chúng nên họ có nguyện vọng và có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của Đảng. Vì vậy, Đảng cần phải thường xuyên tổ chức cho quần chúng đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, nhận xét, đánh giá đảng viên. V.I. Lê-nin nêu rõ: “Thanh đảng bằng cách chú trọng đến những lời chỉ dẫn của người lao động ngoài đảng là một việc lớn. Công việc đó sẽ mang lại cho chúng ta những kết quả đáng kể. Nó sẽ làm cho đảng trở thành một đội tiên phong cả giai cấp vô sản”(10). 

Dựa vào quần chúng, lấy ý kiến của quần chúng để xem xét, đánh giá đảng viên là rất cần thiết, nhưng V.I. Lê-nin cũng nhắc nhở, không nên theo đuôi quần chúng mà phải tiếp thu ý kiến của họ một cách có phê phán, sáng suốt, phân biệt rõ đúng, sai. Người viết: “chúng ta sẽ không nghe theo tất cả những ý kiến của quần chúng, vì quần chúng đôi khi… bị lôi kéo bởi những tư tưởng không có chút gì là tiên tiến cả”(11).

- Việc thanh lọc đảng viên cần được thực hiện dưới nhiều hình thức, như: đăng ký lại, động viên ra mặt trận, tham gia lao động cộng sản chủ nghĩa. Ở những nơi mà “bọn đê tiện lẩn lút vào trong Đảng” thì cần có những biện pháp quyết liệt hơn.

- Việc thanh lọc đảng viên cần được tiến hành toàn diện, từ cấp lãnh đạo tối cao đến tận cơ sở. V.I. Lê-nin khẳng định: “Nếu chúng ta có thể thực sự tiến hành thanh đảng như thế, từ cấp lãnh đạo tối cao đến tận cơ sở, mà “không vị nể cá nhân”, thì đó sẽ là một thành quả thật sự to lớn của cách mạng”(12).

V.I. Lê-nin đã lãnh đạo, chỉ đạo Đảng tiến hành nhiều đợt thanh lọc đảng viên. Tiêu biểu là từ tháng 5 đến tháng 9-1919, Đảng đã tiến hành đăng ký, sàng lọc lại đảng viên, đưa những phần tử cơ hội, trục lợi ra khỏi Đảng. Năm 1921, Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga tổ chức Đại hội lần thứ X, quyết định thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP). Nhận thấy sự tồn tại của nhiều phe phái trong Đảng, có nguy cơ cản trở quá trình thực hiện đường lối kinh tế mới, V.I. Lê-nin chỉ thị cho toàn Đảng tiến hành một cuộc thanh lọc đảng viên triệt để. Trong đợt thanh lọc này, có 170.000 người (chiếm 25%) bị đưa ra khỏi Đảng. Nhờ đó, Đảng mạnh lên rất nhiều, thành phần xã hội của Đảng được cải thiện, quần chúng thêm tín nhiệm Đảng, tình đoàn kết và tinh thần kỷ luật của Đảng được tăng lên. 
Vận dụng quan niệm của V.I. Lê-nin về thanh lọc đảng viên vào xây dựng Đảng ta hiện nay

Đảng ta là đảng cầm quyền. Trước bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế hiện nay, không ít phần tử thù địch, cơ hội chính trị đã, đang và sẽ tìm mọi cách chống phá Đảng từ nhiều phía. Do vậy, Đảng cần phải thường xuyên tự đổi mới, tự thanh lọc, chỉnh đốn đội ngũ đảng viên. Đồng thời, thường xuyên chăm lo công tác chính trị - tư tưởng, bảo đảm sự thống nhất trong Đảng về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đường lối, chủ trương đổi mới và vai trò lãnh đạo của Đảng. 

Công tác xây dựng Đảng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã khẳng định. Để giữ vững vai trò lãnh đạo của mình, một trong những việc cấp bách cần làm ngay hiện nay là, Đảng phải thanh lọc đội ngũ đảng viên, đưa ra khỏi hàng ngũ của Đảng những người đã thoái hóa, biến chất, phai nhạt lý tưởng, cơ hội, thực dụng, tham nhũng, bè phái, gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng. 

Ở mỗi thời kỳ cách mạng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đều không tránh khỏi có một số đảng viên không còn giữ được vai trò tiên phong. Có người do trình độ nhận thức, năng lực hoạt động thực tiễn; có người do không kiên định về chính trị, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thoái hóa, biến chất, trở thành những kẻ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, ức hiếp quần chúng, kiêu ngạo cộng sản,... Đặc biệt, trong điều kiện Đảng cầm quyền, có không ít kẻ lưu manh, cơ hội với mưu đồ đặc quyền, đặc lợi chui vào Đảng, gây mất đoàn kết, phá hoại sự thống nhất trong Đảng, làm mất lòng tin của quần chúng đối với Đảng, đặt Đảng ta trước nguy cơ tồn vong. Do đó, một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là, phải “Kịp thời đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách”, như Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định, hay như quan điểm nói trên của V.I. Lê-nin, phải kiên quyết thanh lọc đảng viên. Trong hình hình hiện nay, việc thanh lọc đảng viên cần thực hiện một số giải pháp có tính nguyên tắc như sau:

Một là, cương quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách, vi phạm những điều cấm đảng viên không được làm; những đảng viên quan liêu, tham nhũng, thoái hóa, biến chất, cơ hội, bè phái, cục bộ địa phương, cá nhân chủ nghĩa, coi thường pháp luật, coi khinh nhân dân; những đảng viên “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”,… Đối với những đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng nhưng chưa đến mức phải đưa ra khỏi Đảng thì miễn nhiệm, cách chức, khiển trách, thử thách thông qua nhiệm vụ chính trị. Những đảng viên có hiện tượng tham nhũng, thoái hóa, biến chất, suy giảm lòng tin, ý chí, lý tưởng, vi phạm điều cấm đối với đảng viên, thiếu trung thực,… nhưng chưa đến mức phải đưa ra khỏi Đảng thì kiên quyết không bổ nhiệm, không cất nhắc vào vị trí lãnh đạo. Đối với những đảng viên giàu lên một cách bất chính, có lối sống xa hoa, buông thả, bài bạc,… thì cần xem xét, điều tra kỹ lưỡng và có quy trình thử thách. Cũng cần thanh lọc đối với những đảng viên hạn chế về năng lực nhận thức, không thể tiên phong, gương mẫu hoặc đã mệt mỏi ý chí phấn đấu.

Hai là, lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân, bởi họ là người trực tiếp được các đảng viên phục vụ nên họ biết được năng lực, phẩm chất, đạo đức của rất nhiều đảng viên. Trong dân vẫn thường “nhỏ to” về cán bộ này tham nhũng, tiêu cực trong giải quyết công việc về thủ tục hành chính, như làm sổ đỏ, tuyển dụng người, cấp giấy phép xây dựng,…; cán bộ kia có nhiều nhà đất, giàu lên một cách bất chính, mua danh hiệu thi đua, bao che cho họ hàng, cấp dưới làm sai,... Tuy nhiên, nhân dân chưa mạnh dạn phản ánh vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do cơ chế bảo vệ họ chưa đủ mạnh. Do vậy, cần phải xây dựng cơ chế để quần chúng đóng góp, giám sát, phê bình các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Đối với những ý kiến phê bình đúng của quần chúng, cần phải tiếp thu nghiêm túc và có biện pháp sửa chữa. Còn đối với những ý kiến chưa đúng thì phân tích, giải thích đầy đủ với thái độ thực sự “trọng dân”. Đảng ta là đảng của cả dân tộc, có trách nhiệm phục vụ quần chúng nhân dân; ngược lại, quần chúng nhân dân cũng phải có trách nhiệm bảo vệ Đảng của mình. Thanh lọc đảng viên chính là vì dân, để Đảng phục vụ nhân dân được tốt hơn. Do đó, nhân dân phải có trách nhiệm cùng với Đảng phát hiện chính xác những đảng viên không đủ năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức để đưa họ ra khỏi hàng ngũ của Đảng.

Ba là, trong thời điểm hiện nay, toàn Đảng đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và chuẩn bị quy hoạch nhân sự cho Đại hội XII của Đảng, Đảng cần làm tốt công tác tổ chức, bảo vệ chính trị nội bộ. Gắn liền với nội dung này và vận dụng quan điểm của V.I. Lê-nin về thanh lọc đảng viên, chúng ta cần làm tốt từ khâu lựa chọn, bồi dưỡng, thử thách quần chúng để kết nạp vào Đảng. Sàng lọc thật kỹ lưỡng để sao cho những người không có đủ năng lực, phẩm chất không thể có cơ hội vào Đảng. Bên cạnh đó, Đảng cần nâng cao hiệu quả đánh giá chất lượng đảng viên, làm cơ sở để đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi hàng ngũ của mình./.

ST.

1 nhận xét: