Sáng 6-12, tại Bộ tư lệnh Hóa học, Cơ quan đầu mối Quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện nghị định của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2019-2023.
Dự hội nghị có Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, Phó trưởng Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; Thiếu tướng Trịnh Thành Đồng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Hóa học và đại biểu đại diện các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng; đại biểu đại diện các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh: Thời gian qua, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11-11-2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến WMD; đưa nội dung Nghị định số 81 vào chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng trong toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về phòng, chống phổ biến WMD.
Các bộ, ban, ngành, địa phương chú trọng quán triệt, tuyên truyền nội dung, nghĩa vụ phòng, chống phổ biến WMD đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú. Sau 3 năm triển khai Nghị định 81, đã có 14 bộ, cơ quan ngang bộ và 58 tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về Nghị định với hơn 700 chương trình và hàng trăm nghìn lượt độc giả, thính giả.
Các hoạt động tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực của các lực lượng chuyên môn, tuyến đầu, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong giám sát, nhận diện, đấu tranh, xử lý, ứng phó với WMD được quan tâm triển khai.
Binh chủng Hóa học - Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (gọi là Cơ quan thường trực 81) đã, đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương thực hiện chức năng đại diện của Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống phổ biến WMD và tổ chức, tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trao đổi thông tin, nâng cao năng lực phòng ngừa, phát hiện, ứng phó các nguy cơ sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống phổ biến WMD…
Tại hội nghị, ngoài làm rõ những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống phổ biến WMD. Cụ thể như: Hiện nay, chưa có quy định pháp luật đầy đủ về xử lý đối với các hành vi phạm trong phòng, chống phổ biến WMD làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý; chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền xác lập, quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong kiểm soát hàng hóa, vật liệu có nguy cơ sử dụng vào mục đích phổ biến WMD; cơ chế, hướng dẫn thanh tra, kiểm tra, giám sát còn bất cập; kinh phí bảo đảm cho hoạt động này ở các địa phương còn hạn chế…
Vì thế, các đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong thi hành các quy định về phòng, chống phổ biến WMD; tăng cường chỉ đạo thông tin, tuyên truyền, hợp tác quốc tế trong phòng, chống phổ biến WMD; chỉ đạo trang bị đầy đủ phương tiện nghiệp vụ, thực hiện chế độ chính sách cho lực lượng tham gia và chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện hoạt động phòng, chống phổ biến WMD…
Đề nghị Bộ Quốc phòng tăng cường chỉ đạo cung cấp thông tin, biên soạn tài liệu hướng dẫn công tác phòng, chống phổ biến WMD; chỉ đạo tổ chức các hoạt động tập huấn, huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ phòng, chống phổ biến WMD để nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý tình huống phổ biến WMD…
Tại hội nghị, Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh nội địa và phòng, chống phổ biến WMD đã được ký kết; các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống phổ biến WMD được khen thưởng./.
St
bài rất thiết thực
Trả lờiXóa