Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

GIẢI THƯỞNG NOBEL HOÀ BÌNH BỊ CHÍNH TRỊ HÓA

 

          Theo nhận định của một số chuyên gia, giải thưởng Nobel Hoà bình đang có dấu hiệu bị “chính trị hoá”. Không ít lần người thắng giải Nobel Hoà bình đã gây bức xúc dư luận và vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng.

          Một trong những quyết định trao giải gây tranh cãi nhiều nhất là việc trao giải Nobel Hòa bình cho nhà ngoại giao Lê Đức Thọ của Việt Nam và ông Henry Kissinger của Mỹ năm 1973. Ngay trong nội bộ của Ủy ban Nobel Na Uy cũng xuất hiện bất đồng gay gắt đến mức 02 thành viên trong Uỷ ban đã từ chức. Sau đó, ông Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải thưởng. Ông cho rằng: “Ủy ban Giải đã đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người tạo (làm) hòa bình. Coi chúng tôi cũng như Mỹ. Điều đó là sai lầm và tôi không thể chấp nhận như vậy. Vì vậy tôi đã không nhận Giải thưởng Nobel!”. Trong khi đó, ông Henry Kissinger vẫn tự tin nhận giải thưởng Nobel Hoà bình. Điều này cũng đã nhận được không ít chỉ trích từ cộng đồng. Đơn cử, tờ New York Times cho rằng đó là giải “Nobel vì Chiến tranh”; tờ Washington thì viết rằng “người Na Uy thực sự rất có khiếu hài hước”.

          Năm 2009, dư luận tiếp tục tranh cãi khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama được trao giải thưởng này bất chấp việc Mỹ đã nhấn chìm Iraq, Afghanistan và Pakistan trong các cuộc chiến đẫm máu và leo thang căng thẳng đe dọa tấn công Iran. Chỉ sau đó hai năm, dưới sự lãnh đạo của ông Obama, Mỹ đã tổ chức cuộc ám sát Tổng thống Libya Gaddafi (2011) và gây ra cuộc chiến tại Syria. Năm 2015, Thư ký phụ trách giải Nobel Hòa bình Geir Lundestad cũng đã thừa nhận trong cuốn hồi ký của mình rằng quyết định trao giải Nobel hòa bình cho Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009 đã không đáp ứng được những mong mỏi và kỳ vọng đặt ra.

          Như vậy, có thể thấy giải thưởng Nobel Hoà bình không gặp phải không ít “tai tiếng”. Thay vì mục đích thúc đẩy hoà bình thì giải thưởng này lại đang đi xa mục đích ban đầu, bị tác động bởi những động cơ về mặt chính trị. Trong bối cảnh thế giới có những diễn biến đa chiều như hiện nay, khi mà yếu tố chính trị đã lan cả vào thể thao, văn hoá thì những tiêu chuẩn về cái gọi là “cống hiến cho hoà bình” cũng ngày càng mù mờ. Có lẽ, giải thưởng Nobel hoà bình cũng không hề danh giá như người ta vẫn cố “thần thánh hoá”?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét