Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

 

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại qua cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(1). Người cho rằng, một khi đã có đường lối cách mạng đúng thì cán bộ là khâu quyết định. “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(2). Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Người về công tác cán bộ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào từng thời điểm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”,  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ ngành ngoại giao tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32_Nguồn: baoquocte.vn

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước

Trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trong suốt chiều dài của cách mạng, Đảng ta luôn rất coi trọng công tác cán bộ của ngành ngoại giao nói riêng và đối ngoại nói chung. Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của cách mạng, chúng ta luôn luôn có những nhà ngoại giao, nhà hoạt động đối ngoại xuất sắc... Tuy nhiên, trước đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới, chúng ta cần tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị, đặc biệt là bản lĩnh chính trị”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh - một thiên tài mẫu mực về hoạt động đối ngoại và ngoại giao đã có những định hướng, chỉ dẫn vô cùng quý báu để đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại hiện nay học tập, làm theo. Người nhấn mạnh: Làm công tác ngoại giao, tuy phải có phần hình thức cho coi được, song nội dung vẫn là quan trọng hơn. Cái đẹp của hình thức là ở chỗ sạch sẽ, gọn gàng, giản dị, chứ không phải ở chỗ xa hoa, lãng phí. Cần làm sao không tốn kém mà lịch sự(4); đồng thời, Người căn dặn đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao phải chăm học ngoại ngữ, phải xem được, nói được tiếng nước sở tại. Quan điểm, tư tưởng của Người về cán bộ làm công tác đối ngoại cho thấy: Thứ nhất, hiệu quả công việc là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, không quá chú trọng về mặt hình thức, song luôn coi trọng về mặt nội dung, từ đó tạo ra ấn tượng, để lại những điểm nhấn trong quan hệ đối ngoại, khiến đối phương tâm phục, khẩu phục. Thứ hai, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại phải hiểu được lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống của nước sở tại, mới tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của họ. Thứ ba, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại phải thông thạo ngoại ngữ, không chỉ nói được một thứ tiếng, mà còn nói được nhiều thứ tiếng khác nhau, để khi tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế có thể bày tỏ, truyền tải được suy nghĩ, quan điểm về một lĩnh vực, hoạt động trong đời sống xã hội.

Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong đó có cán bộ làm công tác đối ngoại, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào từng thời điểm, hoàn cảnh cụ thể ở từng giai đoạn lịch sử, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ từ thực tiễn đặt ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại là một đội ngũ đặc biệt: tin cậy về phẩm chất, nhạy bén về thời thế, sâu sắc về chiến lược, khôn khéo trong đàm phán và tinh tế trong ứng xử”(5). Cán bộ làm công tác đối ngoại là người đại diện cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đến các nước thực hiện những nhiệm vụ chính trị - xã hội khác nhau. Là những người “mang chuông đi đánh xứ người” nên sự am hiểu, tinh thông mọi lĩnh vực và khả năng diễn thuyết của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công trong quan hệ hợp tác, phát triển của Việt Nam với các đối tác. Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là “công việc rất khó khăn, vất vả, đòi hỏi những phẩm chất đặc biệt của người làm công tác đối ngoại, ngoại giao”(6); thế nhưng, “chúng ta luôn luôn có những nhà ngoại giao, nhà hoạt động đối ngoại xuất sắc, những con người đã trở thành tấm gương của mọi thế hệ... được bạn bè quốc tế ghi nhận, nể trọng”(7).

Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, ở xa sự quản lý trực tiếp của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, việc tự đặt ra yêu cầu cao cho bản thân, tự quản lý, tự rèn luyện là yếu tố hết sức quan trọng, đòi hỏi có bản lĩnh chính trị vững vàng để không dao động, ngả nghiêng, không bị lôi kéo và mua chuộc trước những lợi ích vật chất của các thế lực thù địch, phản động. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “phải không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vướng vào tham nhũng, tiêu cực”(8). Thực tiễn cho thấy, nhờ nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đã để lại những dấu ấn sâu đậm về phong cách ngoại giao Việt Nam. Đó là phong cách ngoại giao như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam(9).

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại về cơ bản đã phát huy tốt năng lực, sở trường, thế mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Mỗi chặng đường, bước đi của cách mạng Việt Nam đều ghi nhận những cống hiến, đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại. Đặc biệt, những thành tựu của đất nước đạt được sau gần 40 năm đổi mới là minh chứng rõ nét về sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng của các thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại để góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, Đảng ta đã ban hành những nghị quyết chuyên đề về công tác đối ngoại trong tình hình mới, như Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 20-5-1988, của Bộ Chính trị, “Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 34-NQ/TW, ngày 9-1-2023, “Về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”... Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đã không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng hiệu quả trước yêu cầu, nhiệm vụ mới hiện nay đặt ra của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Thế hệ cán bộ đối ngoại hôm nay được thừa hưởng những truyền thống, kinh nghiệm vô cùng quý báu mà các thế hệ trước để lại; được tạo điều kiện thuận lợi về đào tạo và công tác. Mặt bằng chung về học vấn và trình độ chuyên môn... rất cao..., được đồng nghiệp và bạn bè quốc tế đánh giá cao”(10). Đội ngũ cán bộ đối ngoại luôn được tôi luyện qua nhiều môi trường khác nhau, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; tích cực, chủ động tham mưu, góp ý cho Đảng, Nhà nước nhiều nội dung quan trọng có liên quan đến chính sách đối ngoại, ngoại giao trong thời kỳ mới. Trong ký kết những hiệp định, cán bộ đối ngoại luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”(11). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh việc vận dụng nhuần nhuyễn và khéo léo bài học “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển của sách lược tùy theo vấn đề, tùy từng thời điểm và đối tượng hay đối tác”(12).

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Đơn cử như, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1960/QĐ-TTg, ngày 1-12-2020, phê duyệt đề án Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với Học viện Ngoại giao và Bộ Ngoại giao các nước trên thế giới tổ chức những buổi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác ngoại giao; đồng thời, mời các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam làm việc ở nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp ngoại giao cho các địa phương. Những thành công của Việt Nam đạt được trong lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao là sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại, góp phần làm cho bức tranh kinh tế Việt Nam ngày càng sinh động, có sức hấp dẫn cao với các nước trong khu vực và thế giới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung và cán bộ ngoại giao nói riêng, với tâm huyết, trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao, luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ ta, luôn đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia - dân tộc, luôn cháy bỏng khát khao cống hiến và phục vụ(13). Do đó, trong những năm qua, quan hệ đối ngoại của nước ta với các nước trên thế giới ngày càng gia tăng, đi vào chiều sâu và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện(14).

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng còn một số hạn chế. Một số cán bộ đối ngoại, ngoại giao chưa có bản lĩnh chính trị vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “lợi ích nhóm”, vi phạm những điều đảng viên không được làm; chưa chấp hành nghiêm những quy định của Đảng, nói không đi đôi với làm, chưa có dũng khí đấu tranh với hiện tượng tham nhũng, tiêu cực và những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động cả ở trong nước và ngoài nước xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam; chưa thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” về nhận thức, hành động để phục vụ tốt nhất nhiệm vụ đối ngoại, ngoại giao của đất nước. Đặc biệt, “đây đó vẫn còn tình trạng làm việc cầm chừng, ngại đọc, ngại đi sâu nghiên cứu, một số không theo kịp mặt bằng chung của khu vực về ngoại ngữ, nghiệp vụ. Tình trạng chủ quan, mất cảnh giác, phai nhạt lý tưởng vẫn còn xảy ra”(15).

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; thời cơ, vận hội đan xen với nguy cơ, thách thức. Mặc dù trong nước đạt được nhiều thành tựu to lớn sau gần 40 năm đổi mới, song đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn ở phía trước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “hoạt động đối ngoại cần phải là một phương thuốc hòa bình hữu hiệu thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp”(16). Cùng với đó, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu thế giới, đặt ra cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đối ngoại tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước(17)

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét