Theo dõi nền văn học nước ta những năm gần đây, dễ dàng thấy được địa hạt văn học thiếu nhi đang có sự trở mình phát triển, nở rộ nhiều tác giả, tác phẩm chất lượng và triển vọng. Bùi Tiểu Quyên là gương mặt giàu tiềm năng bởi sự bền bỉ với nghề viết đã chứng minh sức viết của chị. Khi đến với văn học thiếu nhi, chị vẫn giữ cho mình một chỗ đứng riêng trong lòng độc giả nhí.

“Hùm Xám qua sông” là một minh chứng sinh động cho sự lao động miệt mài và nghiên túc với văn chương, đặc biệt là lĩnh vực văn học thiếu nhi. Quyển sách dành cho lứa tuổi 8+, dày 216 trang, kể về câu chuyện xoay quanh cuộc đời của chú chó lông vện mang tên Hùm Xám trên một hòn đảo nhỏ, cách bờ là phố thị bởi một con sông.

Nuôi dưỡng tâm hồn lành mạnh cho độc giả nhí
 Bìa cuốn sách.

Bối cảnh câu chuyện được lấy cảm hứng từ những vùng quê quen thuộc của vùng Đông Nam Bộ với rừng ngập mặn, có tràm, đước ven kênh và căn cứ cách mạng nép bên một con sông hiền hòa, nhân hậu. Trên hòn đảo nhỏ hiện ra một thế giới vừa độc lạ vừa riêng biệt của cộng đồng các con vật. Mỗi con vật đều được tác giả đặt cho một cái tên, cách đặt cũng là lạ, quen quen-đấy là cách mà trẻ con hay gọi tên đồ vật, con vật, nghe chất chứa sự yêu thương mà khi nhắc đến lại thấy hiện ra một tính cách đặc trưng của nhân vật ấy. Chàng chó vện Hùm Xám cũng vậy. Chàng được xem là con vật tốt tính, gan dạ chẳng khác nào “hùm” có lông màu xám.

Trên hòn đảo, Hùm Xám sống với các bạn bè như: 4 chú chó tên Giác, Đốn, Bi Béo và Ốc Sên, chú gà trống tên Đuôi Xòe và ả mèo Thị Mướp. Mỗi con vật mang tính cách khác nhau, có nét cũng giống tính cách con người và cùng nhau tạo nên một cộng đồng với những câu chuyện buồn-vui xen lẫn. Chú chó trưởng tộc tên Giác lúc nào cũng ung dung, mang trong mình sứ mệnh gìn giữ truyền thống gia phong dòng họ khuyển; chú gà trống Đuôi Xòe điển trai, cần mẫn và bao giờ cũng là chiếc đồng hồ của cả đảo, gáy đúng giờ để báo thức. Những cá tính của các con vật đã tạo nên điểm nhấn để mạch truyện thêm hấp dẫn, dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Dựa vào tính chất của truyện đồng thoại, tác giả đã khéo léo lồng vào từng nhân vật mỗi câu chuyện riêng, về thân phận, phận đời và niềm tin sức sống, để từ đó nhân vật lại vươn lên hướng đến hạnh phúc và sự sẻ chia của cộng đồng. Hình ảnh cảm động là hai chú chó mang tên Ốc Sên và Rác. Ốc Sên ở trên đảo, bị liệt hai chân nên di chuyển rất khó khăn. Mỗi khi thấy các con vật vui đùa, nó vô cùng thích thú nhưng không biết phải làm gì hơn là lết đi từng đoạn khó nhọc. Bù lại, Ốc Sên rất dễ thương và hiền lành. Chú không hề nói về nỗi bất hạnh của mình mà luôn vươn lên phía trước. Chú thích ra bến sông để ngắm cảnh bình yên. Ở phía mà chú chó Ốc Sên nghĩ là bình yên ấy-phía bên bia bờ sông lại có chú chó mồ côi, bị bỏ rơi, cô độc giữa chợ quê mang tên Rác. Cái tên Rác gắn liền với thân phận bị bỏ rơi của nó. Tuy nhiên, Rác lại không phải là chú chó giang hồ, đầu đường xó chợ mà vẫn là một chú chó hiền lành, đáng thương.

Câu chuyện về chú chó Ốc Sên và Rác được nhân vật tôi-Hùm Xám kể lại rất thiết tha và xúc động. Bằng tấm lòng bao dung, Hùm Xám đã mang Rác về sống chung và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng các con vật trên đảo. Ốc Sên và Rác trở thành đôi bạn thân. Hình ảnh hai chú chó ngồi bên nhau ngắm dòng sông gợi nên một sự bình yên, khơi gợi lòng trắc ẩn nơi độc giả.

Sau mỗi câu chuyện là một bài học nhân văn gửi đến độc giả nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, tác giả đã khéo léo lồng vào những chi tiết về văn hóa-lịch sử như hội nghinh ông, trận thủy chiến thời Tây Sơn... mở ra cho bạn đọc nhỏ tuổi sự thích thú, tò mò và bồi đắp thêm những kiến thức. Cuốn sách còn gửi gắm thông điệp nhân văn về gieo hạt hạnh phúc đến muôn loài.

Nhà văn LÊ QUANG TRẠNG

nguồn báo QĐND