Trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, do hoàn cảnh bần cùng, không có ruộng đất cày, cậu bé Trần Văn Kỳ đã phải theo gia đình rời bỏ quê hương sang Thái Lan để tìm kế sinh nhai. Trong những năm sống tại đây, nhờ sự sáng dạ và nhanh nhẹn, Trần Văn Kỳ đã được Thầu Chín (bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hoạt động tại Thái Lan) lựa chọn và huấn luyện trở thành liên lạc của Người. Dưới sự dìu dắt của Thầu Chín, Trần Văn Kỳ đã tích cực tuyên truyền vận động bà con Việt kiều tham gia các tổ chức cách mạng. 

Tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều, năm 1934, ông bị mật thám Thái Lan bắt ở Bangkok, giam một năm rồi trao cho Lãnh sự quán Pháp. Không có bằng chứng kết tội, chúng phải trả ông lại cho nhà cầm quyền Thái Lan. Bị trục xuất, ông được tổ chức đưa sang Trung Quốc. Ở nhà, mật thám đã bắt và thủ tiêu thân phụ ông. Đến Nam Ninh (Quảng Tây), Trần Văn Kỳ được đồng chí Phùng Chí Kiên cho đi học tiếng Hoa.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - Đội trưởng đầu tiên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân

 Thiếu tướng Hoàng Sâm. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1937, đồng chí Hoàng Văn Thụ cử ông về nước, tham gia Tỉnh ủy Cao Bằng. Năm 1938, ông tham gia đội du kích kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Mùa đông năm 1940, Trần Văn Kỳ được gặp lại Thầu Chín ở Tĩnh Tây (sát với biên giới Cao Bằng) cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Khi này ông mới biết Thầu Chín chính là Bác Hồ và được Bác đặt tên là Hoàng Sâm. Các con ông sau này cũng được đặt tên theo họ Hoàng.

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Quân số ban đầu được chia thành 3 tiểu đội, trong đó đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung, Hoàng Sâm được chọn làm Đội trưởng. Ông đã trực tiếp chỉ huy đánh thắng Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu, mở đầu cho truyền thống “bách chiến, bách thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946 - 1950), đồng chí được giao giữ chức vụ Khu trưởng Khu 2, Chỉ huy Mặt trận Tây tiến, Tư lệnh Liên khu 3. Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Thiếu tướng cho Hoàng Sâm khi ông mới 33 tuổi.

Theo Biên niên sự kiện Sư đoàn (Đại đoàn) 304 , giai đoạn 1950-2016, đồng chí Hoàng Sâm là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 (10-1954/3-1955).

Hoàng Sâm là vị tướng đặc biệt với nhiều chiến công, từng đảm nhiệm trọng trách Khu trưởng Liên khu 2, Liên khu 3 thời chống Pháp, Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn, Quân khu 3, và Quân khu Trị - Thiên thời chống Mỹ… được coi là Chapaev Việt Nam - người anh hùng, Sư trưởng nổi tiếng trong văn học và phim ảnh Liên Xô một thời…

Kháng chiến chống Mỹ diễn ra. Các tướng lĩnh trong quân đội tiếp tục ra trận. Tháng 6-1968, ông được lệnh vào mặt trận Trị - Thiên. Suốt 6 tháng ròng rã chiến đấu, tới ngày 15-12-1968, ông đã anh dũng hy sinh tại mặt trận. Dù chiến tranh rất ác liệt, Quân ủy Trung ương vẫn quyết tâm đưa thi hài ông ra Hà Nội.

Một tháng sau, tang lễ Thiếu tướng Hoàng Sâm mới được cử hành. Bác Hồ đau xót đến tiễn đưa người cán bộ từng gắn bó với mình trong những ngày hoạt động bí mật ở Thái Lan, nay hy sinh anh dũng trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho non sông khi mới 53 tuổi.

ĐOÀN TRUNG (lược trích)

1. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

2. Theo Biên niên sự kiện Sư đoàn (Đại đoàn) 304 , giai đoạn 1950-2016

 BÁO QĐND