Cuối năm 1953, đơn vị tôi, Đại đội Công binh 128 thuộc Đại đoàn 351 do đồng chí Phạm Ngọc Mậu là Đại đoàn trưởng nhận lệnh hành quân lên Điện Biên với nhiệm vụ vừa hành quân vừa bắc cầu phao, sửa chữa cầu phà cho pháo ta đi qua. Đầu năm 1954, chúng tôi đến tỉnh Lào Cai, giáp biên giới Việt Nam - Trung Hoa thì đồng chí Nguyễn Quang Bích, Phó trung đoàn trưởng Pháo binh 368 đến phổ biến nhiệm vụ tối quan trọng: “Đóng bè mảng phục vụ pháo binh”. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên, nhưng vì phải giữ bí mật nên ai biết việc của người ấy, lặng lẽ vào rừng chém vầu, nứa ngộ, gỗ lao xuống khe suối, rồi kéo ra đầu nguồn sông Hồng thuộc huyện Bát Xát. Nhiều kỹ sư công binh tài ba, dạn dày kinh nghiệm lại có sự hỗ trợ của lực lượng dân quân từng quen sông nước, thạo bè mảng nên đơn vị tôi nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.

Một buổi chiều tháng Giêng năm 1954, tại Phòng tham mưu Ban chỉ huy liên quân Chiến dịch Điện Biên Phủ, tiếng máy điện thoại vang lên báo tin: “Mọi công việc chuẩn bị cho trọng pháo xuôi bè đã hoàn thành. Tất cả pháo và các phương tiện khí tài, quân dụng đã được tháo rời ra từng bộ phận rất cẩn thận đặt yên vị trên hàng trăm chiếc bè nứa kết cấu vững chắc. Nhiều tay lái dân công đã từng trải sông nước cùng các pháo thủ và công binh đang chờ lệnh của tổng bộ chỉ huy", “đúng giờ G xuất phát".

Ngay đêm ấy, những chiếc bè nứa chở khối lượng đồ sộ chưa từng có gồm: Ô tô, trọng pháo, xe cẩu, xe công binh, bộ đội và dân công phục vụ một trung đoàn cơ giới được nhổ neo. Rừng núi âm u, nhưng trời đầy sao, thượng nguồn sông Hồng lúc đó lấp loáng những chấm nhỏ li ti trông xa tựa con rồng đỏ đang uốn mình trên dòng sông dài vô tận. Khi đoàn quân sông nước buông chèo, mát mái chúng tôi mới được biết: Đây là 3 tiểu đoàn pháo binh được huấn luyện ở Thẩm Dương, Trung Quốc hành quân về nước mang theo 34 xe kéo pháo 105 ly, mỗi cỗ pháo nặng 2,5 tấn nên còn gọi là “trọng pháo” do Liên Xô (cũ) viện trợ đưa vào tham chiến ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng khi “trọng pháo” vượt qua biên giới vào địa phận Tổ quốc thì gặp một trở ngại khôn lường. Con đường từ biên giới về vùng tập kết trước khi lên Điện Biên có khoảng 16, 17 cây cầu bị máy bay địch tàn phá hoặc do mưa nắng hủy hoại. Nếu sửa chữa xong bằng ấy chiếc cầu thì pháo cao xạ không kịp tham gia chiến dịch, nên công binh và pháo binh ta có sáng kiến cho trọng pháo xuôi bè.

Trọng pháo xuôi bè
Pháo binh ta trên chiến trường Điện Biên Phủ. 

Những chiếc bè cứ lặng lẽ trôi. Khí thế đang hăng thì bỗng một chiếc bè sững lại. Có tiếng va quệt lạo xạo vào cát sỏi. “Chiếc bè chở cần cẩu đi gần cuối bị mắc cạn”. Đồng chí Năm, người chỉ huy chiếc bè phát đi cái tin không vui ấy làm chúng tôi toát mồ hôi. Đây là chiếc xe quan trọng nhất của trung đoàn cơ giới. Trên đất liền, nó giúp những cỗ pháo bị sa lầy vượt qua hoạn nạn cùng đồng đội hành quân, vậy mà bây giờ đang bị kẹt. Chúng tôi được lệnh tạm dừng để tìm cách xử lý. Vần vò mãi nhưng chiếc bè vẫn nằm ì ra như một tảng đá lớn. Gần sáng, Chính ủy Trung đoàn Nguyễn Quang Bích cho phép phát lệnh cấp cứu. Từ hai phía bờ sông dân quân trực chiến ra tiếp ứng cùng chúng tôi cứu bè mắc cạn. Nhưng kẹt một nỗi, để giữ bí mật cho cuộc hành quân, cấp trên không cho phép “hò dô ta”. Mà như thế thì không thể tạo ra sức mạnh tổng lực được, nên chiếc bè cứ nằm ì trên bãi cạn. “Trời sắp sáng rồi, các đồng chí cố lên, nếu không máy bay địch đi tuần tiễu sớm thì rất nguy hiểm”. Đồng chí Năm chỉ huy bè ra lệnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Bồng đứng lên báo cáo: “Đề nghị thủ trưởng cho lấy chiếc bạt màu da đá che phủ”. Trong nháy mắt chiếc bè như một tảng đá nằm bất động khiến thằng giặc lái hôm ấy bay sát xuống mặt sông mà không phát hiện ra. Nguyễn Văn Bồng tiếp tục đề xuất: “Đề nghị thủ trưởng cho hò dô thôi ạ”. Thấy thủ trưởng gật đầu, tất cả đứng vào vị trí. Tiếng “hò dô ta” vang lên tạo thành sức mạnh phi thường. Dân quân các xã ven sông đến ngày một đông, chiếc bè đã phải chiều theo ý con người nhích dần qua khe cạn, vượt ghềnh đá hòa vào đoàn quân sông nước xuôi dòng. Trước mắt chúng tôi còn không ít khó khăn gian khổ, nhưng với ý chí của bộ đội vừa được, lại được đồng chí chính ủy làm thơ động viên, chúng tôi hạ quyết tâm: “Dù khó khăn đến mấy cũng phải đưa trọng pháo vào chiến dịch đúng kế hoạch”. Thế là ngày nghỉ, đêm đi bồng bềnh trên sông nước, thác “ba hồn”, ghềnh “bẩy vía” và cả thác “vặn cổ”, kèm theo tiếng gầm rú của máy bay giặc tuần tiễu cũng không làm đoàn quân sông nước nản lòng, chúng tôi hành quân tập kết an toàn, đúng kế hoạch tại bến Âu Lâu, Yên Bái.

Sau hơn mười ngày lắp ráp, khí tài, xe pháo, Trung đoàn pháo binh trẻ tuổi được mang tên “Tất Thắng” lại hối hả hành quân vượt dốc băng đèo hướng về trận tuyến đúng kế hoạch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm, biểu dương tinh thần khắc phục khó khăn của bộ đội, công binh, dân công hỏa tuyến. Tối ngày 13-3-1954, Trung đoàn Tất Thắng đã nã những quả đạn pháo cao xạ dập tắt hỏa lực của địch trên đồi Him Lam. Sáng ngày 14-3 pháo cao xạ của ta đã bắn tan xác chiếc máy bay B24 hiện đại nhất của Pháp lúc bấy giờ, chấm dứt sự tác oai tác quái của không lực đối phương trên bầu trời đất Việt, góp phần xứng đáng làm nên chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

NGUYỄN ĐỨC HÒE

nguồn báo quân đội nhân dân