Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

 LẠI NÓI VỀ VỊ KỶ HAY KHÔNG VỊ KỶ?

Đã có một bài lão viết dưới tiêu đề “tôn giáo và chủ nghĩa vị kỷ”, cũng có người đồng ý với lão, song cũng có người không.

Hôm nay, lão xin nói thêm một chút. Chủ nghĩa vị kỷ, tức là chỉ nghĩ đến những gì là “của mình” (bản thân mình, gia đình mình); đó thực chất là “chủ nghĩa cá nhân” như thuật ngữ thường được dùng ngày nay.

Có người bảo, người ta cũng cầu cho “quốc thái dân an” đó thôi. Vâng xin cảm ơn, song nếu không có hàng triệu đồng bào ta đã ngã xuống ngoài mặt trận, ở hậu phương thì liệu quốc có “thái” và dân có “an” được không? Có khi nào chúng ta ngồi cầu xin mà những kẻ xâm lược tự chúng từ bỏ hay ngưng ý đồ và hành động xâm lược?

Nhưng có một điều, mà chúng ta phải công nhận, nếu cả trăm triệu dân nước ta đều có lòng “từ bi hỉ xả” như những Phật tử thì xã hội sẽ không còn kẻ xấu như phá hoại, trộm cắp. Đó là mặt tích cực của một tôn giáo. Nếu ai cũng suốt ngày ngồi cầu với xin thì rồi lấy gì cho vào mồm? Song ngay một vài quốc gia có tôn giáo được coi là quốc đạo, nhưng thử hỏi những nơi đó đã được bình an? Đảo chính liên miên, cướp của giết người cũng có; vì thế không thể dùng “thần quyền” thay cho “pháp quyền”.

Đã có lần lão nói, lão là kẻ vô thần, chưa một lần cầu xin đấng tối cao nào song gia đình lão vẫn có một cuộc sống viên mãn, như Nguyễn Du đã kết luận trong cuốn Kiều, rằng

“Thiện căn ở tại lòng ta

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”…

Trở lại với suy nghĩ của lão về tính vị kỷ trong tôn giáo. Đừng nói đâu xa, ông Lê Anh Tú, với pháp danh là Thích Minh Tuệ, lão thấy việc tu tập của ông ấy là chính đáng, mang lại sự an lành cho bản thân ông ấy, song lại gây ra một vài hệ lụy cho xã hội, buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải xử lý và cử người đi theo phòng bất trắc. Vậy có đáng? Trong trường họp này thì ai được lợi? Chỉ một mình ông Lê Anh Tú được, còn lại phần bất lợi lại thuộc về xã hội. Đó là thể hiện đầy đủ tính vị kỷ.

Nếu là người tu hành, đã biết rằng mình đi tu là để hành thiện, và cũng chỉ đem lại điều tót lành cho mình và rộng hơn một chút cho gia đình mình, thì xin đừng làm bất cứ việc gì gây tổn hại tới xã hội. Đạo Phật, đạo Thiên chúa hay đạo nào cũng thế. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng và cũng có quyền tự do không tín ngưỡng, đó là theo Hiến pháp, đừng đem cái tín ngưỡng của mình mà gây rắc rối cho người không tín ngưỡng.

Còn có hiện tượng cùng một dòng tu, người theo dòng tu này lại đả kích dòng tu khác, làm cho kẻ ngoại đạo biết nghe theo ai bây giờ? Thí dụ như viêc cầu siêu, chuyện trục vong, dòng tu này bảo cần, dòng tu khác bảo không cần. Rắc rối nhỉ?

Cụ Hồ nói “Tốt đời, đẹp đạo”, như vậy là người tu hành khi nghĩ cho bản thân phải luôn nghĩ đến nghĩa vụ đối với đất nước, vậy như vị hành thiền Lê Anh Tú cũng như các vị tu sĩ khác đã nghĩ gì và làm gì cho đất nước? Thôi thì cứ giữ được cho mình cái tâm thiện là tốt rồi, sau đó xin các vị coi có thể giúp gì cho đất nước thì bá tánh chúng tôi hoan hỉ lắm./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét