Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Đấu tranh phòng, chống các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng phản biện xã hội chống phá cách mạng Việt Nam.

 Những năm qua, với tinh thần dân chủ, cởi mở, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân đã phát huy vai trò phản biện xã hội, tạo nên một luồng sinh khí mới trong đời sống chính trị đất nước, hiện thực hóa quyền làm chủ, dân chủ trực tiếp của nhân dân trong thực tế. Tuy nhiên, trong dòng chảy chung ấy, vẫn có một số phần tử không hiểu, hoặc cố tình không hiểu về bản chất, mục tiêu của phản biện xã hội, chủ ý lợi dụng hoạt động này để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Dù chỉ là thiểu số, song những luận điệu này cũng gây tác hại nhất định đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc nhận diện và đấu tranh làm thất bại những luận điệu phản động này là việc làm cấp thiết trong tình hình hiện nay.

1. Mở đầu

Với bản chất của chế độ XHCN, Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chủ trương khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia phản biện xã hội. Điều đó được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, là cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc để phản biện xã hội đi vào thực tiễn đời sống. Qua đó cũng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm không chỉ của phía người dân mà còn cả của các cơ quan Đảng, Nhà nước, thúc đẩy dân chủ hóa xã hội.

Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội nêu: “Phản biện xã hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước” nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phù hợp hơn với lợi ích của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội.

2. Phản biện xã hội là một phương thức quan trọng, hữu hiệu để hiện thực hóa quyền làm chủ của nhân dân ở Việt Nam

Trên thế giới, phản biện xã hội là một vấn đề không mới, được xem là hình thức thể hiện quyền tự do ngôn luận. Phản biện xã hội luôn hiện hữu trong đời sống chính trị - xã hội của các thể chế dân chủ, được nhà nước thừa nhận trên cơ sở các nguyên tắc, định chế quốc tế và khu vực. Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966, Điều 19 quy định: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”(1). Quyền này cũng được quy định tại Điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948, Điều 10 Công ước châu Âu về nhân quyền năm 1950, Điều 13 Công ước châu Mỹ về nhân quyền và Điều 9 Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc năm 1981.

Với tư cách là thành viên tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Việt Nam đã “cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình các quyền đã được công nhận trong công ước”. Thuật ngữ “phản biện xã hội” lần đầu tiên được đề cập trong Văn kiện Đại hội X của Đảng gắn liền với vai trò của Mặt trận Tổ quốc. Trong đó, Đảng ta xác định: “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”(2). Đến Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: “Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước, nhất là các chính sách kinh tế, xã hội, về quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển quan trọng”(3). Tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân”(4).

Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các quyền của con người, quyền công dân trong đó có quyền tham gia phản biện xã hội. Cụ thể, Điều 28 Hiến pháp quy định: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”(5). Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng quy định phản biện xã hội là một chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022... tiếp tục cụ thể hóa, đưa ra các quy định cụ thể, chi tiết về những vấn đề liên quan đến quyền của cá nhân, tổ chức khi tham gia phản biện xã hội.

Để hoạt động phản biện xã hội thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện các điều kiện bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân tham gia phản biện xã hội, như: Xây dựng hệ thống cơ chế, thể chế minh bạch và dân chủ, xác định các quyền của chủ thể phản biện xã hội; trách nhiệm trong việc công khai thông tin và giải trình của cơ quan nhà nước; bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của người dân; quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với việc cung cấp thông tin; có chế tài cụ thể và nghiêm minh đối với những hành vi che giấu hoặc từ chối cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; nâng cao ý thức tôn trọng tự do ngôn luận, đối thoại, lắng nghe và phản hồi của các cơ quan, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước; nâng cao trình độ dân trínhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, tham gia phản biện xã hội một cách đúng đắn…

Phản biện xã hội ở Việt Nam là kết quả của sự kế thừa có chọn lọc và phát triển sáng tạo các giá trị, nguyên tắc, tiêu chuẩn chung của quốc tế, khu vực về dân chủ, tự do ngôn luận nói chung, phản biện xã hội nói riêng phù hợp với thực tiễn nước ta.

Phản biện xã hội ở Việt Nam là bước phát triển cao của hình thức dân chủ trực tiếp; là cơ sở để nhân dân thể hiện rõ vai trò chủ thể quyền lực của mình trong chế độ XHCN. Phản biện xã hội cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá bản chất ưu việt của chế độ dân chủ XHCN và trình độ văn hóa dân chủ cũng như trách nhiệm của nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước.

Xét về mặt bản chất, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhà nước là cơ quan được nhân dân giao quyền và có trách nhiệm phải điều hòa, giải quyết các mâu thuẫn, bảo đảm cho hoạt động xã hội trong khuôn khổ pháp luật; quyền làm chủ của nhân dân không thể bị xâm phạm. Nhân dân có thể sử dụng quyền lực của mình một cách trực tiếp thông qua việc giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước; kiến nghị, đóng góp ý kiến, phản biện hoặc trực tiếp tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật và biểu quyết khi được trưng cầu ý kiến.

3. Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng phản biện xã hội để chống phá cách mạng Việt Nam

Những năm qua, dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, đại đa số nhân dân đều phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đề cao trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, tích cực tham gia phản biện xã hội với tinh thần xây dựng, tình cảm và trách nhiệm cao cả, giúp cho Đảng, Nhà nước đề ra được quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn, lãnh đạo và quản lý đất nước đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, vẫn có những kẻ cố tình lợi dụng dân chủ, phản biện xã hội để tung ra những luận điệu phản động, sai trái, chống phá cách mạng Việt Nam.

Các thế lực phản động, thù địch bên ngoài hậu thuẫn, cấu kết, móc nối với các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước lợi dụng dân chủ, nhân quyền, phản biện xã hội để tập hợp, tạo dựng, thúc đẩy hình thành tổ chức, lực lượng đối lập trong xã hội; nhân danh phản biện xã hội để phản bác, xuyên tạc, chống đối các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiến tới phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở nước ta. Chúng thường tập chung chống phá vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như: Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; sửa đổi Hiến pháp; xây dựng các dự thảo luật, chương trình, đề án, hoặc các sự kiện quốc tế quan trọng ở trong và ngoài nước có sự tham dự của Việt Nam… mượn danh nghĩa phản biện xã hội để tiến hành các hoạt động chống phá, xuyên tạc, phủ nhận, gây nhiễu loạn đời sống chính trị - xã hội của đất nước; hạ thấp vị thế, uy tín của Đảng, truyền thống lịch sử, văn hóa, hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam.

Thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam rất đa dạng như: Lợi dụng sự phát triển của Internet, các trang mạng xã hội, để tung ra các bài nói, bài viết, các video clip, hình ảnh… phản ánh những quan điểm, ý kiến sai lệch về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về các chương trình, đề án, dự án của các bộ, ngành, địa phương. Lợi dụng các diễn đàn quốc tế, khu vực, các kênh thông tấn, báo chí nước ngoài để tung ra các quan điểm, bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… với nội dung xuyên tạc sự thật, làm sai lệch những thành tựu, hạn chế về công tác lãnh đạo của Đảng; quản lý, điều hành của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước; nhất là về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị; tình trạng tham nhũng, tiêu cực… nhằm làm cho thế giới hiểu sai về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở Việt Nam. Lợi dụng việc Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương, địa phương không tiếp nhận các ý kiến “phản biện” (thực chất đó là các luận điệu, quan điểm, ý kiến phản động, xuyên tạc, đánh lận con đen) để vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm nhân quyền, tự do ngôn luận, đàn áp dân chủ. Lợi dụng hình thức gửi “thư ngỏ”, “kiến nghị” đến Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, để xuyên tạc, chống phá dưới chiêu bài phản biện xã hội.

Chẳng hạn, lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trên một số trang mạng, các phần tử phản động, cơ hội chính trị lấy danh nghĩa phản biện xã hội tham gia “góp ý”, cố tình xuyên tạc nội dung “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” thành “đất đai là độc quyền sở hữu của Nhà nước”, đồng thời cho rằng đó chính là cội nguồn của đầu cơ, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai. Họ còn cho rằng, việc sửa luật như vậy chẳng khác nào “đẽo cày giữa đường”, “càng sửa càng mù mờ”, càng dễ thao túng; rằng việc đưa ra Luật Đất đai thực chất cũng chỉ là tạo thêm “sân chơi” cho giới chủ bất động sản mà đứng sau là quan chức, từ đó kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Có thể thấy, trong thời gian qua, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng dân chủ, tự do ngôn luận, lấy danh nghĩa phản biện xã hội để chống phá cách mạng nước ta bằng rất nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Mục đích của chúng không phải thông qua phản biện xã hội để góp ý, hiến kế vào việc xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà là để phá hoại, hạ thấp uy tín, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chia rẽ nội bộ; chia rẽ mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Những luận điệu đó không thể đánh đồng với phản biện xã hội có trách nhiệm.

4. Giải pháp đấu tranh phòng, chống các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng phản biện xã hội để chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm chính trị cho nhân dân về phản biện xã hội

Dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng CNXH. Theo đó, phản biện xã hội với tính cách là một hình thức cao của dân chủ trực tiếp phải được coi là việc làm thường xuyên, phổ biến trong xã hội; vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân, giúp cho dân chủ không chỉ dừng lại ở nguyện vọng, lý tưởng và quan niệm mà được thực hiện trong thực tế và được bảo đảm bằng pháp luật. Phản biện xã hội chính là một việc làm thiết thực để người dân trực tiếp thực hiện quyền dân chủ của mình, là việc người dân được bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình về dự thảo các chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền lợi của mình cũng như của cộng đồng xã hội.

Cùng với nâng cao nhận thức, trách nhiệm chính trị, cần nâng cao trình độ dân trí, năng lực thực hành dân chủ, tham gia phản biện xã hội của nhân dân. Dân trí thấp thì khó có thể thực hành dân chủ, khó có thể hình thành được văn hóa tranh luận trong xã hội. Trình độ dân trí càng cao, càng thuận lợi cho quá trình mở rộng dân chủ, đưa các giá trị dân chủ vào đời sống xã hội cũng như nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân. Có ý thức pháp luật, hình thành thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, từ đó người dân sẽ thực hiện tốt trách nhiệm công dân, nâng cao năng lực làm chủ, tham gia có hiệu quả vào hoạt động quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động phản biện xã hội. Khi trình độ dân trí cao thì phản biện xã hội mới đúng hướng, mang lại chất lượng, hiệu quả, từ đó tránh được nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động chống phá.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nâng cao hơn nữa hiệu quả phản biện xã hội

Con đường đúng đắn nhất để loại trừ các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng phản biện xã hội để chống phá chính là thực hiện phản biện xã hội một cách thực chất, tích cực, hiệu quả và có trách nhiệm.

Theo đó, cấp ủy các cấp cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để hoạt động phản biện xã hội ngày càng đi vào nền nếp, trở thành sinh hoạt chính trị của mọi cơ quan, tổ chức, của toàn xã hội, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Các cấp chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức cũng phải tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc khuyến khích, tạo điều kiện để nhân dân tham gia phản biện xã hội; có thái độ đúng đắn trong tiếp nhận, xử lý các ý kiến phản biện của tổ chức, cá nhân. Trong điều kiện cụ thể của một nước đi lên CNXH từ xuất phát điểm thấp, văn hóa dân chủ chưa phát triển, các cơ quan, cán bộ, công chức cần phải hết sức cảnh giác, tránh rơi vào các biểu hiện tiêu cực như: thái độ coi thường, xem nhẹ, “quay lưng lại với phản biện xã hội”; mơ hồ hoặc sợ phản biện xã hội, dẫn đến tình trạng trốn tránh trách nhiệm cá nhân, thiếu sự quyết đoán; thái độ cực đoan, nghi kỵ đối với phản biện xã hội, coi đó là “sự chống đối”, là “đi ngược lại” với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Tất cả những biểu hiện này đều dẫn tới hệ quả tiêu cực, gây ra tâm trạng bất bình của nhân dân, tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Đặc biệt, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong phản biện xã hội. Mặt trận phải là nơi khuyến khích được các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân tham gia phản biện xã hội; hướng dẫn cho các chủ thể thực hiện phản biện xã hội đúng pháp luật, có trách nhiệm. Mặt trận Tổ quốc cần phát huy vai trò, tích cực, chủ động tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước và tham gia từ sớm vào quá trình xây dựng các dự thảo chính sách, pháp luật, các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phát huy cao nhất vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tham gia phản biện xã hội, góp phần làm cho các chủ trương, đường lối, các quyết sách của Đảng, Nhà nước ngày càng khoa học, phù hợp với thực tiễn đất nước và đem lại lợi ích cho nhân dân.

Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để nhân dân tham gia phản biện xã hội thuận lợi, có hiệu quả

Những năm tới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xu thế mở rộng dân chủ, Nhà nước ta cần đặc biệt quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để mọi người dân đều có thể tham gia phản biện xã hội một cách thuận lợi, hiệu quả. Theo đó, để phản biện xã hội thực sự được xem là quyền bày tỏ ý kiến một cách có hệ thống và có cơ sở khoa học, là hình thức phát triển cao của dân chủ, cần cụ thể hóa hơn nữa nội dung Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; ghi nhận phản biện xã hội như một hình thức thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân, xuất phát từ quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin.

Quán triệt và thực hiện hiệu quả Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị “Về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.

Tiếp tục nghiên cứu, ban hành Luật Phản biện xã hội nhằm quy định các vấn đề có tính nguyên tắc chung, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất cho việc thực hiện phản biện xã hội, trong đó chú trọng các nội dung: Chủ thể thực hiện phản biện xã hội, đối tượng phản biện, hình thức, nội dung, trình tự thủ tục tiến hành hoạt động phản biện, các điều kiện bảo đảm... Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện hoặc ban hành mới một số luật như: Luật về hội, Luật Tiếp cận thông tin và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc... nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ, môi trường thuận lợi thúc đẩy phản biện xã hội có chất lượng, hiệu quả, đúng quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, tích cực, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó phù hợp, xử lý nghiêm minh các trường hợp lợi dụng phản biện xã hội để thực hiện hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước

Việc đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng phản biện xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tầng lớp nhân dân cần tích cực, chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện những âm mưu lợi dụng phản biện xã hội để chống phá từ khi mới manh nha hình thành.

Trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các trang mạng xã hội, đặc biệt là các hội, nhóm kín. Khi phát hiện, cần tỉnh táo, sáng suốt để phân loại mỗi vụ việc, đánh giá đúng tính chất, mức độ để xử lý cho phù hợp; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là hoặc cực đoan, cứng nhắc. Đối với những phần tử chủ đích tiến hành chống phá Đảng, Nhà nước, cần dựa trên pháp luật để xử lý nghiêm minh, thích đáng. Đối với bộ phận nhân dân bị các thế lực phản động mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo thì cần phải lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục là chính, tránh đẩy nhân dân về phía đối lập. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có sự nhạy cảm chính trị cần thiết. Mặt khác, cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, in ấn, xuất bản, truyền thông, internet và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực này. Qua đó, chủ động phát hiện, xử lý những hành vi sai phạm, xu hướng lệch lạc của một số phóng viên thoái hóa, biến chất; phát hiện các tài liệu, bài viết tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, phản động, thù địch để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Năm là, xây dựng môi trường tự do ngôn luận, hình thành văn hóa tranh luận, phản biện xã hội

Ở nước ta, các quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật, được tạo điều kiện thông qua sự phát triển phong phú, đa dạng của các loại hình báo chí, truyền thông. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những hạn chế, bất cập. “Phạm vi hoạt động giám sát, phản biện còn hạn hẹp, nhiều nội dung liên quan đến các vấn đề “quốc kế dân sinh”, đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân vẫn chưa được giám sát, phản biện, bảo vệ. Việc giám sát mới chỉ tiến hành với cá nhân, chưa được tiến hành với đơn vị, tổ chức. Nhìn chung, hiệu quả của giám sát, phản biện xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân chưa được như mong muốn, một số nơi chưa tạo được niềm tin của nhân dân đối với các chủ thể giám sát, phản biện; quyền làm chủ thực sự của người dân còn có những hạn chế nhất định”(6). Vì vậy, cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức diễn đàn, hội nghị, hội thảo, báo chí…, tạo môi trường dân chủ, điều kiện thuận lợi để người dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng của mình.

Cùng với việc quan tâm rèn luyện năng lực phản biện, tạo môi trường tự do dân chủ, minh bạch thông tin, cần coi trọng xây dựng phong cách, đạo đức, văn hóa tranh luận, ý thức trách nhiệm trong phản biện xã hội. Văn hóa tranh luận đòi hỏi “sự lắng nghe” từ hai phía, cả chủ thể phản biện và chủ thể chịu sự phản biện. Biết lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau, luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của nhân dân lên trên hết, không áp đặt tư duy, quy kết tùy tiện mới có thể thực sự giúp nhân dân sẵn sàng “mở lòng” đem hết tâm huyết, trí tuệ đóng góp xây dựng Đảng, Nhà nước, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đó chính là cách làm tốt nhất để lấy cái đẹp dẹp cái xấu; lấy cái tích cực để đẩy lùi cái tiêu cực, làm cho môi trường chính trị - xã hội ở nước ta thực sự lành mạnh, tiến bộ.

Bên cạnh đó, cần coi trọng phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, những người có uy tín, tiêu biểu trong các tổ chức, cơ quan đơn vị trong tham gia phản biện xã hội. Đặc biệt, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học là những người có trình độ tri thức, nguồn lực trí tuệ sáng tạo đặc biệt quan trọng, họ sẽ là lực lượng nòng cốt tham gia phản biện xã hội, xây dựng các luận cứ khoa học, tham mưu, tư vấn chủ trương, đường lối, chính sách phát triển đất nước.

5. Kết luận

Như vậy, ở Việt Nam, phản biện xã hội là một hình thức biểu hiện của quyền dân chủ trực tiếp; là cách thức, biện pháp hữu hiệu để nhân dân thực hiện và bảo vệ quyền làm chủ của mình. Phản biện xã hội vừa là một công cụ để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước, đồng thời cũng bảo vệ Đảng, Nhà nước. Bản chất ưu việt, tiến bộ, nhân văn của chế độ XHCN ở nước ta quy định mục đích của phản biện xã hội là phải mang tính xây dựng, hướng đến sự đoàn kết, thống nhất cao; để nhân dân ngày càng gần gũi, gắn bó hơn với hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; làm cho “ý Đảng” hợp với “lòng dân”, để nhân dân thực thi quyền lực của chính mình một cách trực tiếp hơn, đồng thời giúp Nhà nước hoàn thành vai trò phục vụ nhân dân tốt hơn. Đó cũng chính là “tính biện chứng”, ý nghĩa thiết thực của phản biện xã hội ở nước ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét