Sáng 6-10, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tổ chức “Ngày hội văn hóa vì hòa bình”, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024) và 25 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16-7-1999 / 16-7-2024).
Tới dự ngày hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Lương Cường, Thường trực Ban Bí thư; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Đại biểu TP Hà Nội có đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Đại biểu quốc tế có bà Pauline Tamesis, Trưởng Đại diện Văn phòng Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Ngày hội mở đầu với nghi lễ dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ, nhằm tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng Thủ đô. Tiếp đến là lễ chào cờ đặc biệt, tái hiện lại buổi lễ chào cờ trong ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954. Trong không khí trang trọng ấy, khoảng 10.000 đại biểu cùng tham dự và hát vang Quốc ca, tạo nên một khoảnh khắc đặc biệt thiêng liêng, thể hiện lòng tự hào dân tộc và khát vọng hòa bình muôn đời của Thăng Long-Hà Nội và nhân dân Việt Nam.
Phát biểu tại ngày hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, với vị trí, vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đã và đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện và hoàn thành sứ mệnh của Thủ đô với “Tầm vóc mới - Vị thế mới”; xây dựng Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”; thành phố kết nối toàn cầu; điểm đến “An toàn - thân thiện - hấp dẫn” với bạn bè quốc tế.
“Ngày hội văn hóa vì hòa bình” nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ. Đây thực sự là ngày hội của người dân Hà Nội vì được thực hiện bởi hàng nghìn quần chúng, nhân dân Thủ đô. Ngày hội còn là dịp để chúng ta tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định.
Bà Pauline Tamesis, Trưởng đại diện văn phòng điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định: “Với bề dày hơn 1.000 năm văn hóa, lịch sử, Hà Nội luôn thể hiện ý chí kiên cường và sự hồi sinh mạnh mẽ. Ngay sau Ngày Giải phóng Thủ đô, chính quyền TP Hà Nội đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân phấn đấu xây dựng Thủ đô hội nhập, phồn vinh và đổi mới. Hà Nội xác định lấy văn hóa làm động lực phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời đã và đang huy động mạnh mẽ từ thế hệ trẻ tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, để phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố đáng sống hơn cho mọi người dân”.
"Ngày hội văn hóa vì hòa bình" được chia làm 3 phần chính, gồm: Ký ức Hà Nội; dòng chảy di sản; Hà Nội-Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo. Một trong những điểm nhấn quan trọng của ngày hội là màn tái hiện sống động về hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10-10-1954, khi Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng tiếp quản Thủ đô, đánh dấu sự kết thúc ách đô hộ thực dân. Những hình ảnh quen thuộc như cầu Long Biên-nơi đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô, hay Cột cờ Hà Nội-nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong lễ chào cờ vào ngày 10-10-1954 được tái hiện sinh động, mang lại cảm xúc sâu lắng cho nhân dân. Ngày hội cũng đã giới thiệu những nét đặc sắc của các loại hình di sản, nghề truyền thống của Hà Nội, như: Hát ca trù, múa rối nước, múa sênh tiền, múa bài bông, hát xẩm, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, nghề dệt lụa Vạn Phúc, cốm làng Vòng, giò chả Ước Lễ, bánh cuốn Thanh Trì…
Sân khấu chính của ngày hội được dàn dựng công phu tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, sử dụng ngôn ngữ thực cảnh để tái hiện lại các di tích lịch sử, địa điểm nổi tiếng gắn liền với Thủ đô như Cửa ô Hà Nội, Cổng Đoan Môn (Hoàng Thành Thăng Long), cầu Long Biên, và Cột cờ Hà Nội.
Chương trình tạo ra một không gian văn hóa lịch sử độc đáo, giúp người dân và du khách sống lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Hà Nội trong suốt chiều dài 70 năm từ Ngày Giải phóng Thủ đô. Đạo diễn của ngày hội, ông Hoàng Công Cường chia sẻ với phóng viên: "Trong hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã tái hiện toàn bộ câu chuyện văn hóa, lịch sử, các dấu mốc của Hà Nội từ thời kỳ kháng chiến Pháp, chống Mỹ tới khi giải phóng và mở rộng Thủ đô. Sân khấu chính dài 140m và 1,7km khu vực bờ Hồ của ngày hội có thể coi là sân khấu đạt kỷ lục của Việt Nam’’.
Xúc động khi là 1 trong 10.000 người tham dự “Ngày hội văn hóa vì hòa bình”, nghệ nhân Trần Tuấn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề trồng đào Nhật Tân chia sẻ: “Giống như những nghệ nhân trồng đào Nhật Tân và các nghệ nhân khác của Hà Nội có mặt tại "Ngày hội vì hòa bình", tôi rất vui và tự hào vì được sống trong không khí hào hùng của dân tộc. Sau nhiều ngày tập luyện, chúng tôi được giới thiệu những nét đặc sắc của nghề trồng đào truyền thống Nhật Tân tới đông đảo du khách. Dù đợt lũ lụt vừa qua khiến nhiều gia đình trồng đào Nhật Tân mất trắng, nhưng tham dự sự kiện này giúp chúng tôi vực dậy lại tinh thần để tiếp tục phát triển nghề truyền thống của cha ông”.
Chia sẻ với phóng viên, bà Đinh Thị Hồng, nghệ nhân làm cốm làng Vòng xúc động: “Khi biết được tin nghề cốm làng Vòng sẽ được giới thiệu tại Ngày hội văn hóa vì hòa bình, tôi và các nghệ nhân trong làng vui lắm. Vui vì không chỉ được tham dự sự kiện văn hóa đặc biệt của Hà Nội mà còn có dịp quảng bá nghề làm cốm làng Vòng đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế”.
"Ngày hội văn hóa vì hòa bình" thực sự đã lan tỏa những tinh hoa văn hóa, khát vọng vì hòa bình muôn đời của Thăng Long-Hà Nội và nhân dân Việt Nam. Thông qua sự kiện này, Hà Nội không chỉ khẳng định vị thế của thành phố lịch sử, văn hóa, vì hòa bình mà còn là trung tâm du lịch, kinh tế, chính trị quan trọng của cả nước.
Một số hình ảnh tại ngày hội:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét