Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo qua mạng diễn biến hết sức phức tạp. Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), năm 2023, lừa đảo qua mạng tại Việt Nam tăng mạnh về số lượng vụ việc lẫn mức độ thiệt hại. Các hình thức lừa đảo rất đa dạng qua email, mạng xã hội, giả mạo website, ứng dụng di động; giả danh công an, nhân viên ngân hàng, công ty...
Tổng số tiền người dân bị lừa đảo lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số vụ lừa đảo qua mạng tại Việt Nam gia tăng mạnh hơn: Quý I với hơn 10.200 trường hợp và quý II với gần 11.500 trường hợp; tổng số tiền thiệt hại là hơn 390.000 tỷ đồng, vượt xa so với cùng kỳ năm 2023.
Hành vi lừa đảo không chỉ gây thiệt hại lớn về tài chính mà còn làm tổn hại tinh thần nạn nhân. Các tổ chức, cơ quan bị kẻ gian mạo danh gây suy giảm uy tín, thậm chí mất lòng tin từ khách hàng và nhân dân.
Tại sao tình trạng lừa đảo trên không gian mạng lại gia tăng?
Trước hết, cần khẳng định đó là mặt trái của xã hội công nghệ trong thời đại 4.0. Các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi trong sử dụng công nghệ che giấu danh tính và đánh lừa nạn nhân. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và công cụ tấn công mạng, các đối tượng dễ dàng tạo ra những kịch bản lừa đảo mà người bình thường rất khó phát hiện. Ngoài lợi dụng sự thiếu hiểu biết, các đối tượng triệt để đánh vào tâm lý của nạn nhân.
Trong khi đó, việc kiểm soát và xử lý các hành vi lừa đảo trên không gian mạng thường gặp khó khăn. Các cơ quan chức năng gặp nhiều trở ngại trong việc lần theo dấu vết kẻ lừa đảo. Hình thức giao dịch trực tuyến, thanh toán qua ứng dụng, thậm chí là tư vấn pháp lý trực tuyến đều bị lợi dụng để tạo ra các kịch bản lừa đảo. Tính chất xuyên quốc gia của không gian mạng khiến việc điều tra và phối hợp giữa các cơ quan chức năng vô cùng khó khăn. Ngoài ra, công tác xử lý còn chậm và chưa đồng bộ, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.
Nhằm làm giảm tình trạng này, người dân cần được nâng cao nhận thức về an ninh mạng, đặc biệt là khả năng phân biệt và xử lý các tình huống lừa đảo. Công tác này đòi hỏi phải được triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành, từ trường học đến xã hội, cả thành thị và nông thôn, đáp ứng yêu cầu trước mắt và bảo đảm lâu dài. Đối với cơ quan chức năng, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp quốc tế, phải được đầu tư mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật, đi đôi với phát triển công nghệ phải có biện pháp bảo đảm an toàn; áp dụng các biện pháp công nghệ để truy vết và xử lý kịp thời các đối tượng lừa đảo. Đặc biệt, mỗi cá nhân cần nâng cao cảnh giác, trang bị cho mình kiến thức về an ninh mạng, thực hiện các biện pháp bảo vệ để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét