Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng để kích động lôi kéo. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ trẻ của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.
Thế hệ trẻ Việt Nam là những công dân lứa tuổi thanh niên và
là lực lượng đông đảo, xung kích trong công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển
đất nước. Song, đây cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch, phản động tập
trung thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” hết sức tinh vi, thâm độc
nhằm chuyển hóa thế hệ này theo con đường phản cách mạng, xói mòn lòng tin đối
với Đảng, từng bước hạ thấp, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, hướng nước ta theo con đường tư bản chủ
nghĩa. Để thực hiện mục tiêu chúng đã lôi kéo làm cho đoàn viên, thanh niên
hiểu sai về công tác đoàn và sự lãnh đạo của Đảng. Các thế lực thù địch
triệt để lợi dụng đặc điểm của tuổi trẻ đang trong độ tuổi thích khám phá, năng
động, ham học hỏi, nhưng nhận thức chính trị chưa nhiều, ít kinh nghiệm sống, bồng
bột, thiếu bản lĩnh... để tiến hành các thủ đoạn thâm nhập, tạo “khoảng trống”
trong nhận thức chính trị, sự hoài nghi, dao động về bản lĩnh, mục tiêu lý tưởng,
suy thoái về đạo đức, lối sống và dần dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”.
Trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Các thế lực thù địch tung
ra nhiều chiêu bài, thủ đoạn tinh vi làm phai nhạt, triệt tiêu những yếu tố
cách mạng, tích cực trong tư tưởng của giới trẻ, tiêm nhiễm vào họ những tư tưởng
phi xã hội chủ nghĩa. Chúng cho rằng, con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để đạt
được mục đích đó là thực hiện “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực giáo dục nhằm
tạo nên lớp người trẻ “chán lịch sử”, “lười học chính trị”, dẫn đến “mất gốc”,
không có lý tưởng cách mạng, xa rời các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc
và mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Chúng đẩy mạnh tiếp cận giới trẻ
thông qua các tổ chức phi chính phủ để tổ chức những hoạt động “ngầm”, tuyên
truyền, kích động chống phá. Đặc biệt, trong xu hướng hội nhập quốc tế, du học
là con đường nhiều người trẻ lựa chọn để “mở mang tầm nhìn”, thỏa sức học hỏi,
tiếp thu tri thức nhân loại. Song, đây lại là mảnh đất mầu mỡ, cơ hội để các thế
lực thù địch, phản động lợi dụng để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, lôi
kéo, kích động, cám dỗ thế hệ trẻ. Nội dung tuyên truyền, chống phá của chúng vẫn
là những vấn đề về phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, nói xấu, bôi nhọ các
lãnh tụ của Đảng, xuyên tạc công cuộc đổi mới ở nước ta, vu cáo Việt Nam không
có dân chủ, vi phạm nhân quyền; ca ngợi, tán dương hình mẫu “dân chủ, tự do” tư
bản. Những thủ đoạn này tuy không mới, nhưng bằng các chiêu thức tinh vi, các
thế lực thù địch, phản động từng bước dẫn dụ lớp người trẻ vào con đường sai
trái; khi “con mồi” đã cắn câu, chúng ra sức tung hô là người “cấp tiến”, có khả
năng “phản biện xã hội”,… làm cho họ đắm chìm trong “cơn mê sảng” đa nguyên, đa
đảng, dân chủ, nhân quyền; tỏ thái độ xem xét, chống đối quan điểm, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Hệ quả tất yếu là dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Các thế lực thù địch, phản động sử dụng nhiều thủ đoạn tinh
vi làm suy đồi về đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ, tạo tiền đề dẫn đến sự suy
thoái về tư tưởng chính trị. Như một cuộc “xâm lăng văn hóa”, với nhiều thủ đoạn,
bằng nhiều con đường, các thế lực thù địch, phản động ra sức truyền bá, đưa các
loại văn hóa phẩm đồi trụy vào Việt Nam; tiêm nhiễm lối sống ích kỷ, thực dụng,
tôn sùng văn hóa ngoại lai lệch chuẩn, làm cho nhiều người trẻ tha hóa, dần
hình thành lối sống dị biệt, đi ngược với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân
tộc; thích hưởng thụ, chạy theo vật chất, coi nhẹ các giá trị tinh thần. Và,
khi đạo đức, lối sống, nhân cách, nền tảng tinh thần của thế hệ trẻ bị xuống cấp
là điều kiện lý tưởng để những luận điệu sai trái, những chiêu trò dụ dỗ, mua
chuộc, kích động, thậm chí ép buộc của các thế lực thù địch dễ dàng thâm nhập,
thúc đẩy quá trình “tự chuyển hóa” diễn ra nhanh hơn, nguy hiểm hơn.
Phản động triệt để lợi dụng không gian mạng, gây nhiễu loạn
dư luận xã hội, tác động trực tiếp đến nhận thức, lập trường của thế hệ trẻ.
Chúng đang hằng ngày, hằng giờ tung thông tin giả, xuyên tạc bản chất của sự vật,
hiện tượng tràn ngập trên không gian mạng, cản trở thế hệ trẻ tiếp cận thông
tin chính thống, sự thật chân chính. Tinh vi hơn, chúng cài cắm những chi tiết
thông tin giả, tiêu cực, xuyên tạc, phản động trong các bài viết, sách, báo làm
cho ngay cả những người có nhận thức, bản lĩnh chính trị tốt cũng khó nhận ra.
Thực trạng hiện nay cho thấy, nhiều bạn trẻ dành nhiều giờ mỗi ngày để “lướt mạng”,
đọc tin, xem video, chia sẻ, bình luận,… mà không cần quan tâm đâu là thông tin
thật, đâu là tin giả, v.v. Trong mớ hỗn độn của các luồng thông tin đúng - sai,
thật - giả, tốt - xấu ấy, nhiều thanh, thiếu niên hoang mang, mất định hướng,
không thể kiểm soát nhận thức, cảm xúc và hành vi của mình, bị thao túng, dẫn dắt
bởi “hội chứng đám đông”, dẫn đến lệch lạc trong nhận thức, sai trái trong một
số hành động, việc làm.
Để nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ thì các cấp,
ngành, địa phương, nhất là các cấp cán bộ Đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, giáo dục, kiên quyết đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của
các thế lực thù địch đang tiến hành. Cung cấp kịp thời những thông tin chính thống,
khoa học, để cho thanh niên nhận thức đúng bản chất của vấn đề, không ngừng
nâng cao cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chỉ nhằm
lợi dụng thanh niên để chống phá cách mạng Việt Nam, không vì sự phát triển của
thanh niên; thấy được nhiệm vụ chống “diễn biến hòa bình” là một công việc thường
xuyên, toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Trên cơ sở nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thế hệ
trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp, ngành tăng cường sự
lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thanh niên; tập trung nguồn lực, cơ chế,
chính sách, tạo điều kiện tốt nhất để thế hệ trẻ được học tập, phát triển toàn
diện, lập thân, lập nghiệp, cống hiến cho đất nước. Trong quá trình tiến hành,
cần chú trọng giáo dục, rèn luyện thanh thiếu niên thông qua hoạt động thực tiễn
và các phong trào Thi đua yêu nước; thực hiện tốt việc kết hợp giữa giáo dục của
nhà trường với gia đình và xã hội. Để đạt hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của các cấp,
mọi lực lượng, cần chăm lo xây dựng tổ chức đoàn các cấp vững mạnh, phát huy tốt
vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên. Các cấp bộ Đoàn cần thường xuyên,
chủ động nắm bắt, dự báo đúng tình hình tư tưởng đoàn viên, thanh niên; thực sự
gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu họ để thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng
hoạt động. Đồng thời, tăng cường các giải pháp đồng bộ, với quyết tâm cao, kiên
quyết và kiên trì trong quản lý chặt chẽ, hiệu quả internet, mạng xã hội, xây dựng
môi trường không gian mạng có tính đảng, văn hóa, lành mạnh.
Cùng với đó, mỗi người trẻ cần đề cao tự tinh thần học tập,
rèn luyện, biết “gạn đục, khơi trong” trong tiếp nhận thông tin, tiếp thu cái mới,
nâng cao khả năng “tự đề kháng”, luôn đứng vững trên nền tảng tư tưởng của Đảng,
truyền thống tốt đẹp của dân tộc với bề dày mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước
để trở thành người có ích cho đất nước, cho xã hội, hiện thực hóa khát vọng xây
dựng đất nước văn minh giàu đẹp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét