Sau ngày tiếp quản, quân và dân Thủ đô Hà Nội phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh xâm lược và sự phá hoại của quân Pháp trước khi rút chạy.
Những khó khăn sau ngày tiếp quản
Nông nghiệp ngoại thành gần 2.000ha ruộng bỏ hoang. Giao thông vận tải đều bị phá huỷ hoặc hư hỏng nặng. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Hơn 7 vạn người không có việc làm[1]. Hàng nghìn người tàn tật, cơ nhỡ và trẻ em mồ côi. Khi ta vào tiếp quản cũng là lúc nạn đói đang xảy ra trầm trọng. Nhiều gia đình phải đứt bữa. Chế độ thực dân phong kiến còn để lại cho thành phố nhiều tệ nạn phức tạp...
Lợi dụng những khó khăn về kinh tế của ta sau giải phóng, thực dân Pháp và chính quyền Sài Gòn ra sức xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong nhân dân. Bằng nhiều thủ đoạn, chúng dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam. Ở các sân bay Bạch Mai và Gia Lâm, các máy bay vận tải cỡ lớn như C46, DC3, DC4 của Pháp và Mỹ luôn chờ sẵn để chở đồng bào di cư vào Nam. Về quân sự, chúng chú trọng điều tra lực lượng, trang bị, địa điểm các đơn vị đóng quân của ta, tìm cách đánh cắp tài liệu bí mật quốc phòng. Những hoạt động chống phá của địch gây cho ta nhiều khó khăn trong việc ổn định xã hội, phục hồi kinh tế sau tiếp quản.
Về phía ta, chính quyền cách mạng vừa mới được lập lại, còn khó khăn thiếu thốn nhiều mặt. Các tổ chức quần chúng đang trong quá trình củng cố. Đối với lực lượng vũ trang Hà Nội, sau khi tiếp quản, lực lượng của Mặt trận Hà Nội từ ngoài trở về thành phố còn mỏng, tổng quân số chưa tới 100 người; lực lượng tự vệ trong thành phố thì mới được khôi phục, nhưng số lượng và chất lượng đều rất hạn chế, tập trung chủ yếu trong một số xí nghiệp quan trọng. Ban Chỉ huy Mặt trận do đồng chí Trần Vĩ, Ủy viên Thường vụ Thành ủy làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy.
Cơ quan giúp việc Ban chỉ huy Mặt trận gồm có Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban Cung cấp. Do yêu cầu của tình hình mới, Tiểu ban tổ chức dân quân, tự vệ và Tiểu ban huấn luyện đã được thành lập. Ban chỉ huy quân sự ngoại thành do đồng chí Thái Hy làm Trưởng ban, dưới có 4 quận đội là: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi và một số xã thuộc Gia Lâm. Cơ quan của Mặt trận đóng tại khu vực từ nhà số 14 đến nhà số 24 phố Tăng Bạt Hổ (thuộc quận Hai Bà Trưng ngày nay).
Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ từng cơ sở, lực lượng tự vệ được củng cố và mở rộng, đặc biệt tại các xí nghiệp. Tuy nhiên, trong tình hình phức tạp của Thủ đô mới giải phóng, việc kết nạp đội viên mới đều được các cấp ủy và Công đoàn cơ sở tiến hành thận trọng, chặt chẽ, chú trọng chất lượng. Trước ngày tiếp quản, toàn thành có 2.900 đội viên, sau tiếp quản phát triển lên hơn 3.800 người, trong đó ngoại thành có 3.300 người, nội thành có 520 người. Số đội viên tự vệ nội thành tập trung trong 16 đơn vị tự vệ trong khối các xí nghiệp quan trọng, vừa là lực lượng bảo vệ cơ sở của mình, đồng thời là lực lượng cơ động sẵn sàng chiến đấu của Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội khi có tình huống xảy ra.
Bên cạnh lực lượng vũ trang địa phương Hà Nội, Đại đoàn 308 sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản được rút ra ngoài làm nhiệm vụ cơ động chiến lược của Bộ. Đại đoàn 350 trực thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh thay thế làm nhiệm vụ thường trực bảo vệ Thủ đô. Đồng chí Hà Kế Tấn làm Tư lệnh Đại đoàn 350[2]. Để thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của Đại đoàn tại Hà Nội, đồng chí Hà Kế Tấn được chỉ định tham gia Thành ủy Hà Nội với cương vị Ủy viên Thường vụ Thành ủy.
Vai trò quan trọng của lực lượng vũ trang trong thời kỳ tổ chức và quản lý Thủ đô
Ngày 17-10-1954, Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội họp đánh giá tổng quát tình hình thành phố sau khi hoàn thành thắng lợi công tác tiếp quản, quyết định chuyển sang thời kỳ tổ chức và quản lý thành phố. Hội nghị để ra 5 công tác lớn, trong đó nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự và nhanh chóng khôi phục các mặt sinh hoạt bình thường của nhân dân được xác định là hai công tác chủ yếu trước mắt[3].
Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vào tiếp quản Thủ đô: “Nay chúng ta về thành thị, các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để tranh lấy thắng lợi trong hòa bình”[4], thực hiện nghị quyết Thành ủy, Bộ tư lệnh Đại đoàn 350 chủ trì cùng Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội xây dựng phương án chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Trong đó, Đại đoàn 350 đảm nhiệm bảo vệ các cơ quan Trung ương, các đại sứ quán của nước ngoài, các mục tiêu quan trọng về quân sự, kinh tế, xã hội ở Thủ đô như sân bay, nhà ga, cầu Long Biên, các nhà máy điện, nước, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Lực lượng tự vệ phối hợp với công an đảm nhiệm bảo vệ các cơ sở nhà máy, xí nghiệp, đường phố, thôn xã của mình.
Trong khi Pháp vẫn còn đóng quân tại khu vực sát với Thủ đô trong thời gian 300 ngày, các lực lượng vũ trang bảo vệ Thủ đô không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác, chống mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù. Các mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng đều có phương án bảo vệ cụ thể. Mỗi mục tiêu thường được bố trí nhiều trạm gác, mỗi trạm có từ 3 đến 4 cán bộ, chiến sĩ phụ trách.
Riêng cầu Long Biên, bố trí tới một đại đội bảo vệ, tổ chức thành 11 trạm gác (trên cầu 6 trạm, dưới chân cầu 5 trạm). Các chiến sĩ bảo vệ vừa canh gác vừa tuần tra liên tục 24 giờ trong ngày, giữ cho mạch máu giao thông được thông suốt. Nhà máy điện Yên Phụ, nơi cung cấp điện duy nhất cho Hà Nội, cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Đại đoàn 350 bố trí 18 trạm gác từ ngoài vào trong, đến từng cầu dao điện, từng tuốc-bin máy phát. Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam - nơi hằng ngày cập nhật tin tức thời sự trong nước và quốc tế, truyền đi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân cả nước và bầu bạn xa gần trên thế giới, việc đảm bảo an toàn cho các máy móc thiết bị, các cột ăng-ten phát sóng, các đường cáp ngầm, phòng phát thanh đòi hỏi chiến sĩ ta phải có kế hoạch bảo vệ tỉ mỉ và thận trọng. Đối với sân bay phải đảm bảo an toàn cho các máy bay khi đỗ, cất cánh, khu nhiên liệu, đài chỉ huy, đài định hướng, dẫn đường. Các đoàn tàu hỏa mỗi khi rời ga cũng có 1 tổ chiến sĩ bảo vệ[5].
Trên các đường phố thường xuyên có các tổ tuần tra kiểm soát quân sự hoạt động liên tục để vừa giữ gìn trật tự trị an đường phố, vừa chấn chỉnh tư thế, tác phong cho các quân nhân qua lại Thủ đô. Các cơ quan, xí nghiệp, công trình công cộng, nhất là các mục tiêu quan trọng, đều được quân đội, công an phối hợp cùng với lực lượng tự vệ và công nhân tổ chức canh gác. Tính mạng, tài sản của công dân và ngoại kiều được bảo vệ. Nhân dân phấn khởi tin tưởng vào chính quyền thành phố và lực lượng vũ trang bảo vệ Thủ đô.
Phối hợp với công an, Mặt trận Hà Nội tổ chức đăng ký cho hơn 12.346 sĩ quan, binh lính địch còn ở lại thành phố ra trình diện chính quyền cách mạng[6]. Ban Chỉ huy Mặt trận tổ chức cuộc vận động thu hồi vũ khí đạn dược, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh trên toàn bộ địa bàn thành phố Hà Nội. Một số lượng lớn được thu hồi và tiêu hủy. Công tác đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư được tiến hành tích cực, nhiều người bị dụ dỗ từ bỏ ý định di cư vào Nam, ở lại quê hương làm ăn sinh sống. Tự vệ tại các cơ sở tham mưu cho chính quyền các cấp và tham gia cùng công an giải quyết tệ nạn xã hội ở địa phương.
Sau khi ta tiếp quản, nhờ những đóng góp quan trọng của bộ đội, tự vệ và công an Thủ đô, bộ mặt thành phố thay đổi từng ngày, tình trạng hỗn loạn hầu như chấm dứt, đồng bào phấn khởi đi lại làm ăn buôn bán, hội họp. Ngoài nhiệm vụ chủ yếu là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô, các lực lượng vũ trang tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ nhân dân nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống, phòng chống thiên tai, bão lụt, đào mương chống hạn, bảo vệ đê điều. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ với những phẩm chất cao đẹp để lại trong lòng người dân Hà Nội những ấn tượng sâu sắc, khác hẳn những người lính của chế độ cũ. Nhân dân càng thấy rõ vai trò của lực lượng vũ trang cách mạng trong kháng chiến cũng như trong đấu tranh hòa bình và kiến thiết đất nước.
Cuộc sống mới của Thủ đô sau gần một tháng tiếp quản
Sau gần một tháng kể từ khi tiếp quản, bộ máy chính quyền từ thành phố xuống cơ sở được củng cố. Ngày 4-11-1954, Ủy ban hành chính TP Hà Nội được thành lập do đồng chí Trần Duy Hưng làm Chủ tịch. Ủy ban hành chính TP Hà Nội thay thế cho Ủy ban quân chính Hà Nội, thành lập khi vào tiếp quản, là một thành công lớn về mặt chính trị của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta. Các chi bộ cơ quan, xí nghiệp và các liên chi ủy được kiện toàn bổ sung. Ngay sau khi được kiện toàn, chính quyền thành phố thi hành một số biện pháp quan trọng như: Bãi bỏ những thứ thuế lạc hậu, thực hiện chính sách thuế mới, bước đầu phục hồi công, thương nghiệp, khuyến khích sản xuất.
Do có sự chuẩn bị chu đáo từ trước, lại được chi viện tích cực của các địa phương trên miền Bắc, thương nghiệp quốc doanh Hà Nội cung cấp kịp thời lương thực, chất đốt và hàng tiêu dùng cho nhân dân. Các mặt hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, vệ sinh thành phố triển khai có nền nếp. Nạn thất nghiệp được tích cực giải quyết. Các công trường mới lập thu hút gần một vạn lao động. Gần hai vạn người lần lượt đi xây dựng các công trình mới. Cuộc sống mới ở Hà Nội nhanh chóng được phục hồi và khởi sắc cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Ở ngoại thành, nông dân tích cực thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, khai hoang phục hóa trên 30ha ruộng, khơi sông Tô Lịch, tưới nước cho hàng nghìn héc-ta lúa, khắc phục được một phần khó khăn do địch để lại và thiên tai gây ra.
Để động viên tinh thần phấn khởi, lạc quan tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ mới, ngày 1-1-1955, cuộc mít tinh, diễu binh, diễu hành lớn được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ về Thủ đô. Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị đặc biệt từ sau ngày tiếp quản.
Như vậy, lực lượng vũ trang đã góp phần quan trọng trong tiếp quản và giải phóng Thủ đô, trong công tác giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tính mệnh, tài sản của nhân dân, phát huy tác dụng nòng cốt trên các mặt đấu tranh chống dịch phá hoại Hiệp định, phá hoại thành phố. Tiếp quản Hà Nội giành thắng lợi, tạo không khí phấn khởi, hân hoan trong mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, đồng thời góp niềm vui lớn với nhân dân cả nước; đập tan những luận điệu tuyên truyền xảo trá của địch, tăng cường hơn nữa uy tín của Chính phủ ta trên trường quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét