Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

 

Hiểu đúng vai trò của quân đội trong đấu tranh trên không gian mạng

Ngày đăng: 18/09/2018

QK2 – Là một trong những đất nước có tốc độ phát triển Internet cao nhất thế giới, Việt Nam luôn tiềm ẩn những vấn đề hết sức phức tạp như tội phạm mạng, tin tặc tấn công, tình báo, gián điệp đánh cắp, phá hủy thông tin, bí mật Nhà nước,… Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng không gian mạng để tuyền truyền thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội với hình thức “live stream”, phát trực tiếp các video clip hoặc các cảnh biểu tình, khiếu kiện… để kích động cộng đồng mạng, tạo điểm nóng, khủng hoảng chính trị, tiến tới kịch bản bạo loạn và lật đổ chính quyền, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Hàng nghìn blog, facebook và các trang mạng nước ngoài đăng tải những bài viết có nội dung sai sự thật, “đổi trắng thay đen” nhằm che mắt, đánh lừa dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân về công cuộc đổi mới và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ đó kêu gọi sự can thiệp của quốc tế và các tổ chức phản động vào Việt Nam.

Sĩ quan trẻ tích cực đấu tranh trên không gian mạng. (Ảnh minh họa)

Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam đã đẩy mạnh đấu tranh chống “Diễn biến hoà bình”, chống lại các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên mạng Internet. Ấy vậy mà, chúng lại xuyên tạc rằng “quân đội đang can thiệp vào quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận”, quân đội Việt Nam “lo sợ” trước những blogger, những “nhà tự do, dân chủ”. Chúng gây chia rẽ khi kêu gọi “cán bộ, chiến sĩ trong quân đội không nên đấu tranh cho một xã hội không có dân chủ, nhân quyền, độc tài, tham nhũng”. Chúng tuyên bố nhiều cán bộ, chiến sĩ đã “nhận ra sự thật”, quay đầu lại tự “chĩa súng” vào tổ chức. Vậy sự thật là gì?  

Trước hết, các video clip được sử dụng để “live stream” đều đã được cắt ghép; các sự việc biểu tình, khiếu kiện… đều đã được dàn dựng, mua chuộc, lôi kéo, cài cắm người vào kích động. Chúng hướng đến các vấn đề dễ gây bức xúc như môi trường, đất đai, hay ứng xử của các lực lượng chức năng và chọn những thời điểm khi đất nước có sự kiện chính trị trọng đại (các ngày lễ, tết, các kì họp, các chương trình, chuyến thăm của quốc tế…) Tất cả đều là thủ đoạn rất hiểm độc trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, phải hết sức cảnh giác!

Hơn nữa, cần phải hiểu rõ thực chất: Ai mới là người phải thực sự “lo sợ”? Chính là những kẻ phản dân, hại nước kia chứ không ai khác. Chúng đã ngầm thừa nhận hiệu quả hoạt động của cán bộ, chiến sĩ quân đội bằng việc chặn một số trang facebook, khóa không cho họ bình luận, nêu ý kiến. Chúng lo sợ những bài viết bịa đặt, ăn tiền nói láo của mình sẽ không còn đất sống; những âm mưu, thủ đoạn thâm độc sẽ nhanh chóng bị phơi bày, đưa ra ánh sáng; mục đích lợi dụng, lôi kéo, kích động nhân dân sẽ không thành hiện thực, chiến lược “Diến biến hòa bình” theo đó mà phá sản.

Phải khẳng định rằng hoạt động đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đặt ra cấp bách để bảo vệ chủ quyền, an ninh, uy tín, vị thế, lợi ích của đất nước và nhân dân ta. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013, chương IV về Bảo vệ Tổ quốc (Điều 64, 65, 66). “QĐND Việt Nam là lực lượng nòng cốt để củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc”; “Nhà nước xây dựng QĐND… làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”. Vì thế, quân đội không chỉ bảo vệ toàn vẹn vùng đất, vùng trời, biên giới, biển đảo của Tổ quốc mà trên không gian mạng. Như vậy, quân đội tham gia đấu tranh trên không gian mạng là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” cũng khẳng định cần “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo vệ an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng…”. Vì vậy, đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Quân đội phải hết sức quan tâm cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, bảo vệ cái đúng, lẽ phải, bảo vệ Đảng, chế độ, cương quyết bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Quân đội phải đi tiên phong và làm quyết liệt hơn nữa trên lĩnh vực này”. Với tinh thần đó, các cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, trình độ và khả năng phân định tình hình đã tích cực tham gia phản bác lại những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm của người lính, họ vừa thực hiện nhiệm vụ, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại cơ quan, đơn vị vừa kết hợp đấu tranh với kẻ xấu trên không gian mạng mà không được trả thêm bất kỳ khoản thù lao nào, chứ không giống như những kẻ chỉ ăn tiền, nói xằng, nói bậy.

Những lời kêu gọi bằng cách giả danh, đổ tiếng xấu cho đất nước, quân đội chỉ là những chiêu trò “thọc gậy bánh xe”. Với đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo của Đảng, nhân dân ta đã từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng đang được đẩy mạnh và quyết liệt hơn bao giờ hết. Đó là những biểu hiện cụ thể nhất về dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét