Ngày 15-10-2024, tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội thảo quốc gia “Con người, quyền con người là trung tâm chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư tới Hội thảo.
Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội thảo có trên 350 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có thư gửi Hội thảo. Trong thư, đồng chí nhấn mạnh: Trong mọi giai đoạn cách mạng, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người đó là giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; con người và quyền con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng Việt Nam.
Thực hiện quan điểm nhất quán và xuyên suốt về quyền con người là yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nhiều kỳ tích, đạt được những thành tựu vĩ đại sau 79 năm thành lập nước và 40 năm đổi mới đất nước.
Không chỉ bảo đảm các quyền và tự do của người dân theo các chuẩn mực quốc tế; với việc gia nhập và ký kết 7/9 công ước cơ bản và hàng chục các điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người, là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025 với các sáng kiến; Việt Nam có nhiều đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Với thế và lực sau 40 năm đổi mới đất nước, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đặt ra yêu cầu cấp bách tiếp tục phát triển tư duy, nhận thức mới về con người và quyền con người xã hội chủ nghĩa nhằm huy động cao nhất nguồn lực con người xã hội chủ nghĩa, khơi thông mọi nguồn lực, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển đột phá.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta đã từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan điểm, đường lối, chủ trương và pháp luật về phát triển con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Điều này được khẳng định và thể hiện ngay trong những văn kiện quan trọng nhất của Đảng là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 dành hẳn một chương và 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.
Trên nền tảng đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và tổ chức triển khai các chính sách, pháp luật cụ thể, mang lại những tác động tích cực, hiệu quả thiết thực trong thực tiễn đời sống; từng bước hình thành và hiện thực hóa mô hình phát triển rất đặc sắc của Việt Nam, đó là: phát triển lấy con người làm trung tâm, bao trùm và bền vững.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội thảo cần tập trung phân tích, làm rõ các vấn đề sau:
(1) Cơ sở lý luận, thực tiễn về tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, phát huy vai trò, giá trị của quyền con người trong hiện thực hóa quan điểm, cách tiếp cận con người là trung tâm, phát triển toàn diện con người hiện nay. Từ thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm, vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới;
(2) Phân tích sâu sắc hơn những cách tiếp cận mới của thế giới, kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển con người, thực thi quyền phát triển, các cơ chế mới và các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tham gia của người dân và quyền được thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là phát huy sức mạnh của yếu tố con người, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn mới
(3) Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn mới, đề xuất giải pháp, kiến nghị để thực hiện hiệu quả quan điểm, cách tiếp cận con người, quyền con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 75 tham luận của các nhà khoa học, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương. Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo đã làm rõ những vấn đề lý luận về quan điểm, cách tiếp cận lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước; quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam về con người và quyền con người; cách tiếp cận của Liên hợp quốc tế và kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới.
Đặc biệt, các tham luận đã có những đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được trên lĩnh vực phát triển con người Việt Nam; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kết quả thể chế hóa quan điểm lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước, trong đó minh chứng sinh động nhất là thực tiễn công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện thể chế về quyền con người; lấy con người là trung tâm trong hoạch định chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; phát huy giá trị quyền con người trong hoạch định chính sách an ninh con người gắn với xây dựng thế trận lòng dân và bảo vệ an ninh quốc gia; bảo đảm quyền tham gia của người dân và quyền được thụ hưởng thành quả trong hoạch định chính sách quốc phòng, giữ vững ổn định đất nước.
Tại phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu đã thảo luận cụ thể hơn về quan điểm, cách hiểu, cách tiếp cận, vận dụng quan điểm “con người là trung tâm” vào quá trình hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong một số lĩnh vực cụ thể như: bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện quyền khám bệnh, chữa bệnh, tiếp cận dịch vụ y tế; thực hiện quyền học tập, tiếp cận giáo dục công bằng, bình đẳng cho mọi người trong xã hội, nhất là những nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách về nhà ở, thực hiện quyền có nơi ở, nhà ở tối thiểu, nhất là đối với người nghèo, công nhân, thanh niên.
Các đại biểu cũng phân tích kinh nghiệm tại thực tiễn tỉnh Hưng Yên về những nỗ lực trong thực hiện quan điểm chăm lo cho con người, lấy con người, nhân dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực thông qua thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, giảm nghèo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…
Từ những nghiên cứu công phu, tâm huyết trong các tham luận gửi hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đã đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò, giá trị của quyền con người trong việc hiện thực hóa quan điểm lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước nhằm khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nhiều tham luận cho rằng, vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay phải đặt quyền con người vào vị trí trung tâm trong hoạch định các chính sách phát triển, đề cao các giá trị cốt lõi của quyền con người là bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử, tự do sáng tạo, tôn trọng phẩm giá; bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, là yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội về quyền con người; tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật trên nguyên tắc phát huy tối đa nhân tố con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền tự do cơ bản của người dân, bảo đảm hệ thống pháp luật quốc gia hài hòa và phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động các thiết chế trong hệ thống chính trị, thiết chế xã hội bảo đảm thực hiện hiệu quả quyền con người; tăng cường hợp tác với các quốc gia, các cơ chế và tổ chức của Liên hợp quốc có liên quan đến quyền con người trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; tích cực, chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về quyền con người.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Sau thời gian việc nghiêm túc, hiệu quả với 02 phiên thảo luận sôi nổi, Hội thảo Khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước" đã hoàn thành Chương trình đề ra và đạt được nhiều kết quả cụ thể.
Hội thảo khoa học quốc gia “Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước” là hoạt động thiết thực, gợi mở một số vấn đề lý luận và tổng kết thực tiễn, đóng góp cho việc xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng; tiếp tục hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét