Với nhiệm vụ sửa chữa các loại đạn, đóng mới hòm gỗ bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật…, những năm qua, sản phẩm do đơn vị sản xuất, sửa chữa luôn được thủ trưởng, hội đồng nghiệm thu các cấp đánh giá cao. Để có được thành công đó là nhờ sự cố gắng của cả tập thể đơn vị, trong đó có những đóng góp thầm lặng của đội ngũ cán bộ, nhân viên Phân xưởng Cơ điện – những “bác sĩ cơ khí” vẫn hằng ngày nghiên cứu, sửa chữa, bảo đảm cho hệ thống máy móc, trang bị vận hành hiệu quả, đúng tính năng.

Được ví như phân xưởng vạn năng của đơn vị, Phân xưởng Cơ điện được giao đảm nhiệm khá nhiều phần việc, từ gia công các chi tiết, dụng cụ cơ khí; bảo dưỡng, sửa chữa các loại máy móc, trang thiết bị; vận hành máy nén khí, nồi hơi; đến lắp đặt, vận hành các hệ thống điện, điện tử; bảo đảm điện nước phục vụ sinh hoạt cho bộ đội.

Theo Trung tá QNCN Đinh Văn Hoan, Quản đốc phân xưởng, chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là vậy, nhưng khi đi vào thực tế, để bảo đảm các hoạt động sản xuất, sửa chữa của đơn vị diễn ra suôn sẻ, cán bộ, nhân viên của phân xưởng luôn phải cơ động, làm việc ở nhiều vị trí và thực hiện đồng thời rất nhiều nhiệm vụ. Trong đó bao gồm cả việc tư vấn, góp ý cho các đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của đơn vị.

Lính thợ tận tâm, lặng thầm cống hiến

Trung tá QNCN Đinh Văn Hoan, Quản đốc Phân xưởng Cơ điện trực tiếp sửa chữa máy tiện vạn năng tại đơn vị. 

Quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Phân xưởng Cơ điện gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa các loại máy móc, trang thiết bị. Trên mặt bằng sửa chữa đạn, các loại máy móc, trang thiết bị phần lớn đã được đầu tư, lắp đặt và sử dụng từ lâu, có những thiết bị được thu hồi sau khi chiến tranh kết thúc. Do đó, tình trạng hỏng hóc, hoạt động không hiệu quả thường xuyên xảy ra khiến nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên phân xưởng càng thêm phần nặng nề. Bên cạnh đó, phần lớn những loại vật tư, linh kiện phải thay thế lại rất khan hiếm trên thị trường, vì vậy, phân xưởng phải tự nghiên cứu, chế tạo sản xuất nhiều chi tiết, phụ tùng để đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật cho các loại máy móc, trang thiết bị.  

Với tinh thần "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua", gắn bó với phân xưởng từ những ngày đầu đơn vị mới được thành lập, Trung tá QNCN Đinh Văn Hoan là người hiểu rõ nhất về nguyên lý hoạt động, các dạng hư hỏng thường gặp và cách khắc phục của các loại máy móc, trang thiết bị trong đơn vị. Chia sẻ về công việc của phân xưởng, Trung tá QNCN Đinh Văn Hoan nói: "Không được phép chậm trễ luôn là lời nhắn nhủ của chỉ huy đơn vị đối với anh em cơ điện chúng tôi. Thực hiện chỉ đạo đó, khi được giao nhiệm bất cứ nhiệm nào chúng tôi cũng đều nhanh chóng khắc phục trong thời gian sớm nhất để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn".

Quyết tâm đó được tập thể cán bộ, nhân viên phân xưởng cụ thể hóa bằng việc không ngừng đi sâu tìm hiểu về nguyên lý cấu tạo và hoạt động, tự tìm tòi, nghiên cứu trên tài liệu, thao tác thực tế trên từng loại máy, tháo rời ra, lắp ráp lại nhiều lần và tìm hiểu đến từng chi tiết nhỏ nhất. Lực lượng chuyên môn mỏng, trong khi khối lượng công việc nhiều, do vậy mỗi nhân viên, thợ cơ khí phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Để đào tạo được một người thợ cơ khí giỏi cần rất nhiều thời gian và công sức, từ việc làm quen tất cả các loại máy móc, trang thiết bị trong đơn vị cho đến việc phải tự gia công được các chi tiết cơ khí khó, độ chính xác và độ bền cao đáp ứng được nhu cầu thay thế, sửa chữa đối với các loại máy móc phục vụ sửa chữa đạn mang tính đặc thù.

Lính thợ tận tâm, lặng thầm cống hiến

Nhân viên Phân xưởng Cơ điện gia công các chi tiết cơ khí phục vụ công tác sửa chữa, sản xuất của đơn vị. 

Nhưng bằng lòng yêu nghề, tận tâm với công việc, thái độ cầu thị, tích cực tự học, tự rèn cùng sự quan tâm tạo điều kiện của chỉ huy đơn vị trong đào tạo, huấn luyện, trình độ tay nghề của đội ngũ thợ cơ khí trong phân xưởng ngày càng được nâng cao, sẵn sàng đáp ứng tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ trong lĩnh vực mình phụ trách.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, phân xưởng đã tổ chức bảo trì, sửa chữa hơn 60 lượt máy móc, trang thiết bị phục vụ sửa chữa đạn; đồng thời nghiên cứu, chế tạo thành công cơ cấu giảm chấn cho cửa buồng sơn sấy tự động vỏ liều, hệ thống điều khiển tự động hoạt động độc lập của hệ thống sơn sấy đầu đạn; sản xuất ngòi đạn giả các loại phục vụ bắn định lượng, nghiệm thu, cùng nhiều chi tiết cơ khí đặc thù khác.

Ngoài ra, mỗi năm phân xưởng còn dành hơn 400 ngày công để vận hành hệ thống nén khí, nồi hơi phục vụ hoạt động sửa chữa, sản xuất cho các phân xưởng còn lại, bố trí luân phiên nhân viên trực nhà máy nước, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho bộ đội kể cả giờ nghỉ, ngày nghỉ; kiểm tra, sửa chữa, khắc phục toàn bộ hệ thống khu vực hành chính và khu kỹ thuật khi có hư hỏng và nguy cơ gây mất an toàn.

Nhiều đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của đơn vị đoạt giải cao trong các cuộc thi do cấp trên tổ chức và ứng dụng hiệu quả vào thực tế, đều có đóng góp bằng các ý kiến tư vấn, góp ý của Phân xưởng Cơ điện, như: "Thiết kế, chế tạo mới thiết bị rung lắc thuốc phóng", "Nâng cấp tính năng kỹ thuật của máy ép định hình vỏ đạn HSC-160", "Thiết kế, chế tạo bộ đồ gá đầu đạn trên máy tẩy gỉ phun cát thép của Mỹ"…

Trung úy NGUYỄN HỒNG SƠN- Trung tá NGUYỄN CAO PHÚ (Xưởng 265, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ