Nâng cao công tác phòng, chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng
Không gian mạng làm thay đổi nhiều mặt trong cuộc sống của con người, bên cạnh những tác động tích cực, không gian mạng có thể gây ra những thách thức lớn với an ninh, chủ quyền quốc gia và bất ổn trong đời sống xã hội.
Theo báo cáo tổng quan về internet và mạng xã hội 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet (chiếm hơn 79% tổng dân số). Số lượng người dùng mạng xã hội khoảng 70 triệu người (tương đương với 71% dân số). Thời gian trung bình truy cập mạng xã hội là 2 tiếng 30 phút/người/ngày; 89,8% tổng số người dùng internet của Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội. Sự gia tăng người dùng cũng như sự phổ biến của internet và mạng xã hội là một chỉ số đánh giá sự phát triển của internet và mạng xã hội ở Việt Nam nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro về an ninh mạng. Lợi dụng không gian mạng các thế lực thù địch tiến hành chống phá Đảng và Nhà nước ta, xuyên tạc và phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tô hồng, ngợi ca sức mạnh về mọi mặt của phương Tây, nhằm hướng lái con đường phát triển của nước ta theo các nước tư bản. Phủ nhận thành tựu của đất nước ta sau 37 đổi mới; nói xấu chế độ, xuyên tạc lịch sử, bịa đặt thông tin về thân nhân, đời tư của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Một số tổ chức phản động còn lợi dụng mạng xã hội để hướng dẫn "biểu tình online", hình thành và hậu thuẫn các hội, nhóm núp danh "xã hội dân sự" để tăng cường chống phá.
Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Đảng và Nhà nước ta đã có ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những thông tin xấu, độc, thông tin giả trên không gian mạng, như: Chỉ thị 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội"; Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư về "Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng"; Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của BCH Trung ương về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; Nghị quyết 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về "Chiến lược an ninh mạng quốc gia"; Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng" đã nêu rõ: "Đối với Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Một số quốc gia đang bí mật triển khai các hoạt động trinh sát, giám sát, tình báo, bố trí hệ thống vũ khí mạng, sẵn sàng tiến công, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng". Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh: "Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên mạng Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên"; Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" đã nêu rõ, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng internet và mạng xã hội, chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đảng ta khẳng định: "Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch".
Luật An ninh mạng ra đời (năm 2018), quy định nguyên tắc, biện pháp bảo vệ an ninh mạng, quy định các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng..., nhằm quản lý, bảo đảm một môi trường an toàn và lành mạnh trên không gian mạng. Bên cạnh đó còn có hệ thống các luật trong nhiều lĩnh vực, như: Bộ Luật Hình sự, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Bộ Luật Hình sự cũng đưa ra quy định để xử phạt các trường hợp cấu thành vi phạm trong sử dụng thông tin trên mạng xã hội.
Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới trong công tác phòng, chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần phải quan tâm tập trung đầu tư phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiếp cận với công nghệ mới, không để bị động, bất ngờ trước những tình huống chống phá trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động. Phải ứng dụng và sử dụng thành thạo những thành quả của cuộc Cách mạng lần thứ tư, đặc biệt là internet, mạng xã hội vào quá trình hoạt động, tác nghiệp; biến những ưu thế tiên tiến đó thành lợi thế. Thích ứng nhanh, kịp thời trong xử lý các tình huống phát sinh. Quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội. Xây dựng các nền tảng hạ tầng, hệ thống mạng do nước ta sản xuất. Chủ động triển khai hệ thống phòng thủ trên không gian mạng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những cuộc xâm nhập, tấn công mạng để lan truyền thông tin giả, xấu độc. Kịp thời nhận diện, phát hiện và xử lý những nhân tố bất lợi từ "trong trứng nước" và dập tắt ngay những mầm mống có thể gây đột biến làm phương hại đến độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Không để "khoảng trống" tạo cơ hội thông tin xấu, độc xâm nhập, lan truyền.
Không để thông tin bị chậm trễ, đi sau, chạy theo sự vụ, sự việc, nhất là phải kịp thời thông tin trên báo chí để cho mọi công dân hiểu đầy đủ, chính xác, toàn diện; nếu kéo dài thời gian, thông tin xấu, độc, sai lệch sẽ nhanh chóng lan rộng, gây hậu quả khó lường, sẽ khó ngăn chặn, sẽ khó giải quyết hơn. Chủ động cung cấp thông tin trước lên internet, mạng xã hội, nhằm lan tỏa và định hướng người dân trước các sự kiện chính trị quan trọng và kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, tạo dòng thông tin chủ đạo, chi phối để cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội với mục đích nhằm làm tan rã, xói mòn niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ta, kích động nội bộ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đa dạng hóa các hình thức, phương thức tuyên truyền chính trị trên internet thông qua các mạng xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: "...Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống "diễn biến hòa bình", thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội". Lan tỏa thông tin tích cực, góp phần tạo dư luận xã hội lành mạnh, củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là công việc lâu dài, phức tạp nhất là trên Internet và mạng xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị. Xây dựng và phát triển lực lượng đấu tranh trên không gian mạng tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ, ứng phó và xử lý nhanh, hiệu quả trong mọi tình huống. Tăng cường xây dựng mạng lưới cộng tác viên, chuyên gia, người có tầm ảnh hưởng, các chuyên gia công nghệ mạng xã hội tham gia các hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội. Phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, toàn diện, giải pháp thiết thực, hiệu quả; có chiến thuật, phương pháp linh hoạt, với sự phối hợp, tổ chức lực lượng rộng rãi và sử dụng tổng hợp, đồng bộ nhiều biện pháp để đấu tranh mới đem lại hiệu quả cao trong cuộc đấu tranh này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét