Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác cán bộ.

 Kiểm tra, giám sát công tác cán bộ là tổng thể các công việc, cơ chế, biện pháp, nguồn lực để các cấp ủy, tổ chức đảng phát hiện, theo dõi, đánh giá và kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm, chấn chỉnh, sửa chữa khuyết điểm của các cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và cán bộ, công chức chuyên trách về việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực công tác cán bộ. Từ đó có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng quy định, cơ chế, chính sách mới cho phù hợp với thực tiễn, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra cho từng thời kỳ cách mạng.

1. Mở đầu

Tăng cường kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ là phương thức, nội dung lãnh đạo quan trọng của Đảng với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ.

Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm đổi mới nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, trong đó có kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ. Đại hội XIII của Đảng nhận định, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên; kỷ luật đảng, kỷ cương được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với cán bộ còn thấp; việc giám sát đối với cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ cấp dưới còn hạn chế, đặc biệt có cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; trong kiểm tra, giám sát ở một số nơi còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa nói thẳng, nói thật, chưa dựa vào quần chúng để lắng nghe phản ảnh những khuyết điểm, vi phạm của cán bộ, đảng viên… đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác cán bộ.

2. Thực trạng kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác cán bộ hiện nay

Quy định số 179-QĐ/TW ngày 25-02-2019 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ nêu rõ mục đích việc kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác cán bộ nhằm “1. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng trong công tác cán bộ. 2. Đánh giá đúng công tác cán bộ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện đúng quy định. 3. Góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt đối với các tập thể và cá nhân”(1).

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quy định về công tác cán bộ, như: Đối với công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28-4-2022 về luân chuyển cán bộ. Ngày 27-12-2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 50-QĐ/TW về công tác quy hoạch cán bộ; ngày 18-8-2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thay thế Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017; ngày 08-02-2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 58-QĐ/TW về một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng" thay thế Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28-02-2018; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02-01-2020 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Về xử lý vi phạm trong tuyển dụng cán bộ, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 71-KL/TW ngày 24-3-2020 về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Thông báo kết luận số 43-TB/TW ngày 28-12-2017 của Bộ Chính trị.

Đối với các quy chế, quy định, cơ chế, chính sách về tăng cường việc quản lý, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác cán bộ, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: như Kết luận số 55-KL/TW ngày 15-8-2019 về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng; Quyết định số 35-QĐ/TW ngày 15-10-2021 ban hành Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06-07-2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Thông báo số 20-TB/TW ngày 08-09-2022 Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật

Đối với các quy chế, quy định, cơ chế, chính sách về kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW 03-11-2022 thực hiện một số điều của Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Để tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, với nhiều nội dung mới và toàn diện hơn; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27-10-2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27-10-2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23-4-2024 về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09-5-2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Quy định số 148-QĐ/TW ngày 23-5-2024 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, ngày 06-6-2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quyết định 165-QĐ/TW ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quyết định 164-QĐ/TW về quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Đối với các quy định, quy trình, cơ chế, chính sách về việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư, tiếp đảng viên, công dân, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-02-2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Quy định số 117-QĐ/TW ngày 18-08-2023 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan nhằm phục hồi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tổ chức đảng, đảng viên; Quy định số 179-QĐ/TW ngày 25-02-2019 về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành Quy định số 13/QĐ-UBKTTW ngày 18-9-2019 về tiếp nhận, xử lý đơn, thư, tiếp đảng viên và công dân.

Thực hiện các quy định trên, các cấp ủy đảng đã tích cực thực hiện nhiều đợt kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Qua kiểm tra nhận thấy:

Trong kiểm tra, giám sát về điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ cả nước còn 2.827/2.169.908 trường hợp sai về quy trình, thủ tục trong các khâu của công tác cán bộ; thiếu tiêu chuẩn, điều kiện có 55.697/2.169.908 trường hợp(2). Năm 2018, riêng nội dung kiểm tra về tiêu chuẩn cán bộ có 7.666 đảng viên vi phạm, phải xử lý kỷ luật 3.533 đảng viên(3). Đại hội XIII đã chỉ ra: “Kết quả rà soát theo Thông báo kết luận số 43-TB/TW: Có 86/128 (chiếm 67,2%) địa phương, cơ quan, đơn vị có một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn hoặc sai về quy trình, thủ tục; cả nước có 55.697/2.169.908 trường hợp thiếu tiêu chuẩn, điều kiện, chiếm 2,56% so với tổng số được và soát và 2.827/2.169.908 trường hợp sai về quy trình, thủ tục, chiếm 0,13% so với tổng số được rà soát”(4).

Trong kiểm tra, giám sát việc chấp hành, tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của tập thể, của cấp ủy, tổ chức đảng về công tác cán bộ, giai đoạn 2008-2017 có 5.188 đảng viên vi phạm, trong đó phải xử lý kỷ luật 2.482 đảng viên. Trong kiểm tra việc quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng ở các cấp ủy, tổ chức đảng có 2.456 tổ chức đảng vi phạm, trong đó phải xử lý kỷ luật 126 tổ chức đảng.

Kiểm tra việc tham mưu, thẩm định công tác cán bộ có 487 đảng viên vi phạm, phải xử lý kỷ luật 203 đảng viên. Kết quả giám sát giai đoạn 2008 - 2017, việc tham mưu, thẩm định công tác cán bộ có 51.121 đảng viên được giám sát, chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 215 đảng viên. Đối với các tổ chức đảng, qua kiểm tra việc tham mưu, thẩm định, quyết định của tổ chức đảng có 230 tổ chức đảng vi phạm, phải xử lý kỷ luật 26 tổ chức đảng(5). Đặc biệt, qua kiểm tra, giám sát cho thấy, việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn không ít trường hợp chưa phản ánh đúng thực chất(6), còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.

Từ đầu năm 2024 đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó có 5 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 4 Ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án/5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 841 vụ, 1.487 bị can so cùng kỳ), trong đó có 475 vụ án/1.094 bị can về các tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ án/212 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ án/39 bị cáo(7).

Về kiểm tra tổ chức đảng trong thực hiện tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, trong số 410 tổ chức đảng được kiểm tra, phải xử lý kỷ luật 11 tổ chức đảng(8), đã phát hiện 6.056/244.341 trường hợp cán bộ được quy hoạch; 185/5.540 trường hợp được luân chuyển, điều động và 1.279/24.722 trường hợp được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử thiếu tiêu chuẩn, điều kiện hoặc sai về quy trình, thủ tục(9). Luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh không là người địa phương, trong đó có bí thư cấp ủy các cấp còn bất cập, chưa đạt yêu cầu.

Trong kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã tiến hành thẩm định gần 340.000 lượt đảng viên phục vụ nhân sự đại hội đảng các cấp, phát hiện 800 trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị; thẩm định hơn 150.000 người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, phát hiện 500 người không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị(10).

Giai đoạn 2008 - 2017, khi tiến hành kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với 609 tổ chức đảng, đã xử lý kỷ luật 57 tổ chức đảng vi phạm. Cũng trong thời gian này, cơ quan chức năng đã tiến hành giám sát 15.117 tổ chức đảng về thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo, chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 73 tổ chức đảng, các tổ chức đảng vi phạm, đã tiến hành xử lý kỷ luật theo quy định(11).

Như vậy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ đã đạt được nhiều kết quả, thực hiện nghiêm túc và xử lý kịp thời các vấn đề trong công tác cán bộ, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đồng thời, thể hiện được năng lực của đội ngũ cán bộ kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc kiểm tra, giám sát công tác cán bộ còn nhiều hạn chế: việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước với quy định của Đảng(12); đánh giá cán bộ, mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn không ít trường hợp chưa phản ánh đúng thực chất; việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình; chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; thủ tục hành chính trong một số khâu của công tác cán bộ chậm được cải tiến. Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu về yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện. Công tác nắm và giải quyết vấn đề chính trị hiện nay có nơi, có lúc còn hạn chế. Hiện tượng lộ, lọt bí mật, phát ngôn không đúng quy định vẫn còn xảy ra ở một số nơi nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời; nhiều nơi còn tình trạng nể nang, chưa chỉ rõ những cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực. Việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ tổ chức, bảo vệ cán bộ còn thiếu chủ động(13).

Tại Đại hội XIII, Đảng thẳng thắn nhận định: " Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới, chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều ở các cấp. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên. Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu; còn nhiều tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm nhưng chưa được phát hiện kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy chưa đi vào nền nếp. Công tác giám sát ở các cấp chưa thường xuyên, có nơi, có lúc chưa thực chất, phạm vi, đối tượng còn hẹp; hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế. Việc thi hành kỷ luật đảng ở một số nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm. Giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, có nơi còn né tránh”(14). Do vậy, cần đổi mới, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ đối với công tác cán bộ, trong đó tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; có chế tài để phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm kỷ luật đảng.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác cán bộ thời gian tới

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về kiểm tra, giám sát công tác cán bộ

Các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, về công tác cán bộ và kiểm tra, giám sát công tác cán bộ nói riêng. Trên cơ sở đó, tiến hành rà soát những nghị quyết, chỉ thị... đã ban hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, kịp thời hoặc ban hành mới cho hoàn chỉnh, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, cần nêu cao trách nhiệm gương mẫu, đi đầu của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức giáo dục, rèn luyện cho cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý có nhận thức đúng về công tác cán bộ và kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Từ đó nắm rõ trách nhiệm, quyền hạn của mình để phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác này.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác cán bộ bằng nhiều cách thức; nội dung tuyên truyền gắn liền với thực tế cơ quan, đơn vị, địa phương, triệt để sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng nhân rộng các nhân tố điển hình, kinh nghiệm hay. Cần quán triệt cho các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên nhận thức rõ mục đích, chủ thể kiểm tra, giám sát của Đảng về công tác cán bộ. Trên cơ sở đó nhận thức, quán triệt rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong kiểm tra, giám sát công tác cán bộ để thực hiện đúng quy định, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm trong kiểm tra, giám sát.

Hai là, chú trọng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần hoàn thiện các quy định về kiểm tra, giám sát công tác cán bộ

Một trong những hạn chế, khuyết điểm của kiểm tra, giám sát công tác cán bộ trong thời gian qua xuất phát từ việc các quy định về công tác cán bộ và kiểm tra, giám sát cán bộ khá nhiều nhưng chưa thực sự bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ và toàn diện; dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, vừa chồng chéo, khó thực hiện; việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa thực sự được quan tâm chú trọng và tiến hành một cách thường xuyên, bài bản. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thời gian tới cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng về công tác cán bộ và kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo phương hướng sau:

Về chủ thể thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát: Thống nhất về chủ thể chịu trách nhiệm chính thực hiện kiểm tra, giám sát công tác cán bộ nhằm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong thực hiện kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Nghiên cứu, sửa đổi việc giao thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, giám sát công tác cán bộ cho Ban Tổ chức Trung ương theo hướng chỉ nên coi việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan này là giám sát chuyên ngành, giúp việc trực tiếp trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tránh trùng lặp, chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ vừa là cơ quan tham mưu về công tác cán bộ, vừa có chức năng kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ để bảo đảm tính độc lập, khách quan.

Về cơ chế, quy trình, phương pháp kiểm tra, giám sát cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, quy trình, phương pháp, biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp nhằm kiếm soát chặt chẽ quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; chặt chẽ, hiệu quả trong phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm.

Về quy định kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát việc tăng, giảm tài sản của cán bộ, đảng viên, quy định chặt chẽ trách nhiệm và cơ quan chủ trì xác minh tài sản của cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng khung pháp lý và chế tài xử lý đối với những cán bộ không trung thực trong việc kê khai tài sản.

Ba là, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong kiểm tra, giám sát công tác cán bộ

Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong kiểm tra, giám sát công tác cán bộ trên cơ sở các cơ chế hiện có, đặc biệt là Chương trình phối hợp số 30/CTPH-MTTQ-TCTV ngày 30-10-2018. Trong đó trọng tâm là tập trung giám sát việc triển khai, thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ; giám sát quá trình triển khai xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; việc thực hiện minh bạch, công khai các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục trong toàn bộ các khâu của công tác cán bộ; giám sát, xác minh, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những thông tin liên quan đến công tác cán bộ từ các phản ánh của tổ chức, cá nhân, các phương tiện thông tin truyền thông; giám sát thường xuyên các biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống cũng như việc thực hiện đạo đức công vụ và nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, đứng đầu; giám sát việc thực hiện các quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ theo nội dung Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Tiếp tục tăng cường phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức khác trong thực hiện giám sát công tác cán bộ, đặc biệt là phối hợp với hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước, hoạt động kiểm tra của Đảng và giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhằm tạo sức mạnh và tính hiệu quả trong hoạt động giám sát.

Tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, coi đây là một phương pháp cơ bản của kiểm tra, giám sát. Việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân cần được cụ thể hóa bằng các quy định, quy chế. Trong quá trình thực hiện kiểm tra, các chủ thể kiểm tra, giám sát đặc biệt coi trọng việc lắng nghe, chọn lọc, phân tích ý kiến đóng góp của nhân dân, nhất là những thông tin về dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, qua nhân dân để tập hợp những chứng cứ cụ thể, xác thực phục vụ việc kiểm tra, giám sát, nhất là khi tiến hành thẩm tra, xác minh các vụ việc nhằm làm rõ đúng sai để xem xét, kết luận, xử lý đúng người, đúng việc, đúng tính chất, mức độ. Tích cực hoàn thiện quy chế bảo vệ, động viên, khen thưởng người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những người trù dập, định kiến đối với người tố cáo đúng, để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Bốn là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức kiểm tra, giám sát công tác cán bộ

Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp kiểm tra, giám sát trên cơ sở bám sát các quy định hiện hành, bảo đảm thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, hình thức. Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ giữa các quy định của Đảng với chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý vi phạm của tập thể, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ.

Về nội dung kiểm tra, cần tiếp tục đổi mới theo hướng cụ thể hóa các nội dung kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy và tổ chức đảng trong việc quán triệt và thực hiện các nghị quyết của Đảng về chiến lược cán bộ và công tác cán bộ; xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ (đánh giá cán bộ, bổ nhiệm, phân cấp quản lý cán bộ...); thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ; thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; thực hiện cơ chế nhân dân tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát công tác cán bộ.

Việc kiểm tra phải bám sát quy trình kiểm tra của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp. Gắn kiểm tra, giám sát công tác cán bộ với công tác chính trị, tư tưởng, công tác phát triển, quản lý, sàng lọc đảng viên và công tác bảo vệ chính trị nội bộ; kết hợp kiểm tra định kỳ hằng năm với kiểm điểm theo quy chế đánh giá cán bộ.

Tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác phối hợp trong kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, khắc phục chồng chéo trong thực hiện kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát của các cơ quan nhà nước, công tác giám sát của các cơ quan lập pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Năm là, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ tổ chức, kiểm tra, giám sát đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, đa dạng hóa hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp hóa, đào tạo chuyên sâu về công tác xây dựng Đảng, trong đó chú trọng công tác tổ chức kiểm tra, giám sát. Đầu tư trang bị hệ thống phương pháp, kỹ năng nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật những chủ trương, chính sách, quy định, quy chế, chỉ thị, kết luận mới của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra. Chủ động, kịp thời tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho đội ngũ cán bộ mới được bầu tham gia ủy ban kiểm tra, phụ trách công tác kiểm tra tại các cơ quan tham mưu sau đại hội các cấp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chủ động nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tổ chức, kiểm tra các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có tinh thần tự phê bình và phê bình, sẵn sàng đấu tranh với những sai lầm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, thực sự công tâm, khách quan, chính trực, am hiểu pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ là một trong những nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Vì vậy, cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ để kiểm soát quyền lực, đồng thời, sàng lọc cán bộ, đưa cán bộ, đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng, làm trong sạch Đảng và nâng cao uy tín, vị thế của Đảng với nhân dân và thế giới.

4. Kết luận

Tại Đại hội XIII, Đảng ta nhận định: “Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng; về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới(15). Bộ Chính trị đã chỉ đạo đợt tự kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác cán bộ trong toàn hệ thống chính trị”(16). Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn có trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn hoặc sai về quy trình, thủ tục. Vì vậy, tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh công tác cán bộ và tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp chưa thực hiện đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và những tập thể, cá nhân vi phạm, nâng cao hiệu quả của tự kiểm tra và kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét