Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá, công kích việc thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành và hiện thực hóa các chủ trương, chính sách nhằm khắc phục những mặt trái của nền kinh tế thị trường, bảo đảm công bằng xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Vậy nhưng bất chấp những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong bảo đảm công bằng xã hội, các thế lực thù địch, phản động lại vẽ ra những bức tranh xám xịt, tung các luận điệu sai trái, xuyên tạc. Các thế lực thù địch, phản động đã phát tán nhiều thông tin xấu độc xuyên tạc vấn đề công bằng xã hội ở Việt Nam. Lợi dụng một bộ phận người dân gặp khó khăn trong đời sống xã hội như nhà ở, việc làm, lao động, thu nhập…, các đối tượng thổi phồng để bôi nhọ thể chế. Họ vu cáo rằng, chế độ độc đảng ở Việt Nam gây ra tồn tại bất công xã hội, người dân bị phân biệt, đối xử; chính quyền không quan tâm đến các đối tượng yếu thế; công bằng xã hội chỉ dành cho quan chức chứ không thuộc về “dân đen”…

Họ công kích việc thực hiện mục tiêu công bằng xã hội chỉ là khẩu hiệu suông, không có trong hiện thực; đồng thời ca ngợi thể chế chính trị ở phương Tây, cho rằng chỉ có chủ nghĩa tư bản mới có công bằng xã hội, mới là đích đến còn CNXH “chỉ là hư ảo, lừa mị dân”. Các đối tượng suy diễn, ngụy biện xảo trá rằng, do chế độ “độc tài”, “toàn trị” nên xã hội không có quyền bình đẳng, người dân không có quyền đòi hỏi, chỉ biết chấp nhận “an phận”. Từ đó, các đối tượng kích động trên mạng xã hội, kêu gọi người dân muốn có cơm no, áo ấm, muốn có công bằng, dân chủ, văn minh thì phải đấu tranh để thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phải “xoá bỏ độc tài”... Trong dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, các luận điệu công kích, xuyên tạc trên lại tái diễn với nhiều phương thức truyền bá khác nhau.

Không khó để nhận ra âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm kích động tâm lý hoài nghi, lung lay niềm tin về con đường đi lên CNXH, nhất là đối với giới trẻ. Từ đó, họ hướng tới phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc; làm suy giảm ý chí đồng lòng, quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, hướng tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ XHCN ở nước ta.

Thực tế cho thấy, công tác đảm bảo an sinh xã hội tương đối toàn diện, hiệu quả, điển hình là chính sách xóa đói, giảm nghèo đạt thành tựu nổi bật. Tỉ trọng chi ngân sách cho an sinh xã hội tăng dần trong các năm qua, từ 2,85% GDP năm 2005 lên 4,14% GDP năm 2010 và 4,67% GDP năm 2011 và khoảng 6,7% GDP năm 2021. Chỉ số thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh (năm 2020, đạt 3.512 USD), tăng hơn 31,5 lần trong vòng hơn ba thập niên. Tuổi thọ trung bình cũng tăng nhanh, từ 70,5 (năm 1990) lên 75,4 (năm 2019), cao nhất trong các quốc gia nằm trong khu vực có mức thu nhập tương đương. Các đối tượng yếu thế trong xã hội luôn được Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội quan tâm. Trong năm 2023, 100% số đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng; 100% số người dân bị thiệt hại do thiên tai, thiếu đói được trợ giúp kịp thời, không để ai bị đói; 99% số hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% số xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; hơn 90% số người khuyết tật khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng; hơn 90% số người cao tuổi khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc. Cơ cấu mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của cả nước ngày càng mở rộng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp xã hội.

Như vậy, hệ thống chính sách xã hội được thực hiện về cơ bản đã bảo đảm được tính công bằng, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thực tiễn luôn có các tồn tại, khiếm khuyết và sự bất bình đẳng, bất công vẫn xảy ra trong đời sống, ở một số lĩnh vực và đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng, bất công đó là do một số cá nhân, cấp lãnh đạo thực hiện chưa đúng hoặc vì các động cơ khác nhau chứ không phải nguyên do chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Điều quan trọng là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh những cá nhân, tổ chức để xảy ra các hiện tượng tiêu cực nhằm thực hiện công bằng xã hội được đầy đủ, đúng nghĩa.Do đó, người dân cần tỉnh táo nhận diện, đấu tranh với chiêu trò chống phá, xuyên tạc của các thế lực xấu; đoàn kết đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét