Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Những vấn đề đặt ra và giải pháp phòng, chống “xâm lăng văn hoá”

 Những vấn đề đặt ra và giải pháp phòng, chống “xâm lăng văn hoá”


      Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu trong sự phát triển của nhân loại. Từ thế kỷ XIX, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã dự báo về sự ra đời của toàn cầu hóa văn hóa khi chứng kiến sự phụ thuộc ngày càng lớn giữa các quốc gia trong phát triển kinh tế. “Thay cho những nhu cầu cũ được thỏa mãn bằng những sản phẩm trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thỏa mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về. Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã vậy thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới”(10). Dự báo thiên tài của các ông đã trở thành hiện thực. Ngày nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tác động mạnh mẽ tới tất cả các quốc gia. Yêu cầu đặt ra đối với tất cả các quốc gia là phải tính đúng, tính đủ sự tác động (kể cả thời cơ và thách thức) của bối cảnh này. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế văn hóa nằm trong dòng chảy chung của bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trong quá trình ấy, việc tiếp nhận những giá trị văn hóa ngoại sinh là lẽ đương nhiên vì giao lưu văn hóa cũng chính là quy luật cơ bản để một nền văn hóa có thể tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, tiếp nhận những giá trị nào và mức độ tiếp nhận, quá trình thâu hóa những giá trị ngoại sinh đó ra sao là những vấn đề cần được xem xét cẩn trọng. Không thể quay lưng, khước từ các giá trị ngoại sinh nhưng đồng thời cũng không được phép tiếp nhận thiếu chọn lọc cả những yếu tố phản văn hóa, không phù hợp với văn hóa dân tộc.


       Để đối mặt và hóa giải những thách thức của tình trạng “xâm lăng văn hóa”, thậm chí bá quyền văn hóa, cần phải đồng thời chú ý đến hai yếu tố: bản sắc và bản lĩnh (bản sắc văn hóa của quốc gia và bản lĩnh của chủ thể tiếp nhận). Giữa hai nhân tố này có mối quan hệ mật thiết. Nếu bản sắc văn hóa thể hiện chiều sâu văn hóa của cộng đồng, là điều kiện cần, thì bản lĩnh văn hóa thể hiện thái độ, trình độ của chủ thể văn hóa, là điều kiện đủ để có thể tự tin giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa. Cả bản sắc văn hóa và bản lĩnh văn hóa không phải tự nhiên có được. Bản sắc văn hóa được hình thành trong quá trình sáng tạo, trao truyền, tích lũy văn hóa của nhiều thế hệ. Còn bản lĩnh văn hóa được hình thành qua quá trình giáo dục và tự giáo dục, rèn luyện và trải nghiệm của mỗi cá nhân trên cơ sở sự thấm nhuần, tiếp thu và bồi đắp các giá trị văn hóa văn hóa dân tộc ở mỗi con người.


       “Xâm lăng văn hóa” đe dọa trực tiếp đến an ninh văn hóa của quốc gia. Khi an ninh văn hóa của một cộng đồng, một quốc gia bị xâm phạm, mặc dù có thể chưa gây ra những tác hại ngay lập tức với cộng đồng, quốc gia đó, nhưng về lâu dài, nó sẽ để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. “An ninh văn hóa thường là một trong những lĩnh vực dễ bị xem nhẹ nhất, bởi ảnh hưởng của nhân tố văn hóa nằm ở tầng sâu, vô hình và phẳng lặng, thường không gây ra những hậu quả trực tiếp làm tổn hại an ninh quốc gia. Thế nhưng, chính vì đặc điểm đó mà ảnh hưởng của an ninh văn hóa đối với một quốc gia, một xã hội sẽ lâu dài và sâu sắc, thậm chí có thể làm tan rã ý thức hệ của một quốc gia, thay đổi tiền đồ phát triển của cả một dân tộc”(11). Chính vì vậy, trong chiến lược bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, phải có sự hiện diện của nhiệm vụ bảo đảm an ninh văn hóa, chống lại sự “xâm lăng văn hóa”.


       Khung khổ pháp lý để đấu tranh phòng, chống “xâm lăng văn hóa” là rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế phong phú, phức tạp, luôn vận động, thay đổi nhanh chóng nên có giai đoạn, luật pháp thường có độ trễ tương đối so với đời sống thực tiễn. Chính vì vậy, trước hết và quan trọng là cần phải tự nâng cao sức đề kháng của nền văn hóa quốc gia, cộng đồng, cũng như của từng cá nhân; bên cạnh đó, kịp thời nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện thể chế đấu tranh phòng, chống “xâm lăng văn hóa”.


       Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phòng, chống “xâm lăng văn hóa” trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:


       Thứ nhất, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về vai trò của bản sắc văn hóa dân tộc. Khi đã có nhận thức đúng đắn về bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị của bản sắc dân tộc đối với sự tồn vong của quốc gia cũng như sự phát triển của các cộng đồng thì sẽ tạo cơ sở để có những quyết định đúng, hành động đúng trong gìn giữ, phát huy bản sắc. Muốn vậy, cần tiếp tục nghiên cứu đưa nội dung bản sắc văn hóa Việt Nam vào chương trình giáo dục quốc dân một cách phù hợp với các cấp học. Làm sao mọi người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hiểu và tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa nội dung và hình thức giáo dục về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phòng, chống “xâm lăng văn hóa”. Phát huy vai trò định hướng, cung cấp thông tin của các cơ quan truyền thông, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa”.


      Thứ hai, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại sự “xâm lăng văn hóa”. Có chế tài xử lý các hành vi “xâm lăng văn hóa”, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh những đối tượng khác.


       Thứ ba, làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tiếp tục hoàn thiện Luật Di sản cho phù hợp với bối cảnh thực tế để gia tăng tính hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thêm vào đó, Trung ương và các địa phương cũng cần bố trí nguồn lực hợp lý để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Bên cạnh cán bộ của ngành văn hóa, cần xây dựng cơ chế để huy động người dân, cộng đồng và toàn xã hội tham gia bảo tồn di sản văn hóa. Có chính sách đãi ngộ hợp lý với những nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể.


       Thứ tư, thúc đẩy sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, đưa chất liệu văn hóa truyền thống vào trong những sáng tạo văn hóa, nghệ thuật; tìm tòi các phương pháp, hình thức thể hiện mới mẻ, chuyển tải được tinh thần thời đại, những giá trị phổ quát của nhân loại vào trong các sáng tạo văn hóa. Các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, các cơ quan quản lý văn hóa, các hội văn học, nghệ thuật cũng chú ý giáo dục nâng cao trình độ chính trị, phát huy trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ với nhân dân, với dân tộc, với Tổ quốc.


      Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại sự “xâm lăng văn hóa”. Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực văn hóa. Huy động nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 2026/QĐ-TTg, ngày 2-12-2021, của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Khuyến khích sự lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc trên không gian mạng; đồng thời, khuyến khích người dân đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong việc phát hiện các thông tin xấu, độc, các sản phẩm phản văn hóa, phản giá trị để kịp thời ngăn chặn, gỡ bỏ hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.


      Thứ sáu, chủ động giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa. Cần xây dựng các chiến lược, các kế hoạch, các chương trình hợp tác quốc tế về văn hóa. Tranh thủ các nguồn lực quốc tế để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam. Tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa, tôn trọng các quyền văn hóa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét