Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

 

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng không gian mạng, nhất là các trang mạng xã hội với khả năng tương tác, lan truyền thông tin và tạo hiệu ứng xã hội nhanh, rất khó quản lý, giám sát, kiểm duyệt để công khai chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ bằng nhiều thủ đoạn thâm độc, tinh vi và ngày càng trực diện hơn. Phương thức chủ yếu của chúng là tạo các nguồn thông tin thật, giả lẫn lộn, gây nhiễu dư luận, dẫn dắt nhận thức của quần chúng, cổ súy tư tưởng đối lập, kích động chống đối,... nhằm đẩy mạnh thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” đối với nước ta, nhất là trước những thời điểm diễn ra các hoạt động chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, địa phương.

 

Trước tình hình đó, việc đấu tranh với quan điểm sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là vô cùng cần thiết; được xác định là nhiệm vụ chính trị, nội dung quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành các chủ trương, chính sách về công tác này nhằm tăng công tác quản lý nhà nước và đảm bảo an ninh trật tự trên không gian mạng, như: Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật an toàn thông tin mạng năm 2015 và các Nghị định hướng dẫn thi hành; Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội… Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để cán bộ, đảng viên quán triệt nắm vững, đồng thời thường xuyên cập nhật kiến thức về không gian mạng, mạng xã hội, nhận diện đúng, đủ các thông tin xấu - độc, thù địch, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong phòng, chống và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

 

Đặc biệt, qua hơn 05 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khoá XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch và Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 23/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội và đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch trong tình hình mới, nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, cản bộ, đảng viên trong đấu trong phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch được nâng lên; nhiều chi bộ đã lồng ghép trong sinh hoạt định kỳ quán triệt, tuyên truyền cho đảng viên về các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch; tích cực đăng tải, chia sẻ lan toả thông tin chính thống, tích cực lên mạng xã hội, viết các bài đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng… Tuy nhiên, vẫn còn một số chi bộ chưa thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chưa kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trước những quan điểm sai trái, thù địch; một số đảng viên thiếu cảnh giác, tham gia bình luận, chia sẻ bài viết, thông tin sai trái, xấu độc, gây hoang mang trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Dự báo trong thời gian tới, không gian mạng tiếp tục là “mảnh đất” màu mỡ để các thế lực thù địch sử dụng đẩy mạnh chống, phá với những âm mưu thủ đoạn mới, tinh vi hơn, nhất là việc lợi dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ChatGPT đã và đang tạo ra những nguy cơ, thách thức mới. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng công an và các ngành chức năng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải luôn đề cao trách nhiệm và gương mẫu đi đầu trong đấu tranh, phản bác các tin xấu - độc, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng khi tham gia mạng xã hội, trong đó, chú trọng thực hiện tốt những nội dung sau:

 

Một là, chấp hành nghiêm những điều cán bộ, đảng viên không được làm, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; đồng thời, nghiêm túc chấp hành các quy định tại Điều 4, Điều 5, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban  Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập, sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội, Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

Hai là, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp tham gia mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm, góp phần xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh “thế trận lòng dân” trên không gian mạng.

 

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là một “tuyên truyền viên”, một “chiến sỹ xung kích” trên không gian mạng, tích cực lan tỏa, “phủ xanh” những thông tin tốt đẹp, giá trị tích cực, chia sẻ nhiều hơn nữa gương “người tốt, việc tốt”, những “mô hình”, cách làm hay cần nhân rộng, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội mà mình tham gia.

 

Bốn là, khi tham gia mạng xã hội cán bộ, đảng viên phải trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để tự xây dựng ý thức “đề kháng”, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, khi phát hiện thông tin xấu - độc, quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng phải quyết liệt đấu tranh phản bác, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời báo cáo cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định.

 

Trong giai đoạn hiện nay, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định vai trò, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu khi tham gia mạng xã hội, từ đó góp phần vào công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, từng bước làm thất bại âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động trên mặt trận tư tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét