Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: CHUYỆN TRỒNG CÂY XANH TRÊN PHỐ!

     Thử hình dung một ngày nào đó, trên những con phố đông đúc của Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh... vắng bóng cây xanh, chỉ có người và xe cộ xuôi ngược cùng khói, bụi, tiếng ồn. Lúc đó chắc chắn không chỉ có cảm giác thật nóng nực, bức bối và tẻ nhạt!
Vai trò quan trọng, lợi ích to lớn, giá trị về vật chất và tinh thần mà cây xanh mang lại là không phải bàn cãi. Ở góc độ nào đó, những khoảng trời xanh, bóng cây dịu mát làm cho con người dễ gần nhau hơn và yêu cuộc sống hơn. Những hàng cây xanh trên phố xa xưa đã đi vào thơ ca, làm đẹp thêm trong tâm thức con người.

Bão số 3 vừa qua đã khiến hàng trăm nghìn cây xanh ở các tỉnh miền Bắc bị gãy đổ, riêng Thủ đô Hà Nội có hơn 40.000 cây bị bão quật ngã; Hải Phòng, Quảng Ninh cũng vậy, thiệt hại là rất lớn. Trong quá trình khắc phục hậu quả, đã có nhiều ý kiến quan tâm, tranh luận từ chuyện trồng cây, loại cây đến quá trình quản lý, chăm sóc... với mong muốn cây xanh phải được tươi tốt.

Trồng cây xuống đất, tưởng chỉ là kỹ thuật đơn thuần nhưng lại không hề đơn giản. Từ nhiều cây bị đổ do bão mới thấy lượng rễ ra quá ít, ăn nông trên bề mặt; một số cây thậm chí không có rễ, nhiều cây còn không được tháo lớp vải quấn bầu, khiến cây khó sinh trưởng. Đại diện cơ quan chức năng cũng thừa nhận có thực trạng này. Từ những tranh cãi đó, rất cần các chuyên gia, cơ quan chuyên ngành nông-lâm nghiệp lên tiếng về kỹ thuật trồng cây.

Khắc phục hậu quả cây xanh gãy đổ sau bão càng nảy sinh nhiều cách làm khác nhau, nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt. Có khu vực, đơn vị chịu trách nhiệm trồng cây cố gắng cứu tối đa những cây đổ bằng cách dựng lại, chằng chống, bổ sung dinh dưỡng, rất hãn hữu phải thay cây khác. Nhưng cũng có nơi, vì lý do nào đó, vì sự tiện lợi của máy móc, họ cắt dọn luôn cây đổ ấy.

Vì một vài vụ cây gãy cành, bung thân gây tai họa cho con người nên ở một số nơi, người ta cắt tỉa trơ trụi cành "cho an toàn". Cây chỉ còn lưa thưa tán, có cây trụi hẳn. Cách làm ấy không được dư luận đồng tình, bởi đáng ra, cơ quan quản lý phải tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng thân gỗ, rễ, cành có sâu mọt hay bị bệnh, già yếu thì mới cắt bỏ. Còn để hạn chế những tai nạn do cây xanh gãy đổ thì phải tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng thường xuyên, thậm chí đến mức từng khu vực cây xanh trên phố, trong công viên đều phải có “sổ theo dõi sức khỏe”.

Trên phố nên trồng cây gì là vấn đề khoa học chứ không phải trồng theo phong trào. Dù là trồng cây lấy bóng mát, cây cổ thụ hay cây tạo cảnh quan đẹp... vẫn phải đáp ứng tiêu chí cây có sức sống, sức chịu đựng tốt, rễ khỏe để chịu được gió bão. Tuy nhiên, vì những lý do cả chủ quan, khách quan mà nhiều nơi đã không làm được điều đó.

Tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, đã có những ý kiến cho rằng, dọc vỉa hè chỉ nên trồng cây có chiều cao trung bình thấp, thân cành dẻo dai và có tán rộng để vừa tạo bóng mát, vừa tránh gây tai nạn do gãy đổ; cây cổ thụ nên trồng ở các vườn bách thảo, khu ngoại ô bởi nó cần không gian để phát triển bộ rễ lớn và vươn tán. Hiện nay, hè phố của chúng ta đang bị bê tông hóa nên những cây cổ thụ trồng ở đây đang mất dần điều kiện sống, ít dưỡng chất, bởi thế mà ngày càng mong manh trước gió bão. Điều đó cho thấy, trồng, chăm sóc, quản lý cây xanh không chỉ là kỹ thuật, công nghệ mà còn phải xem cây xanh là một giá trị văn hóa trong ứng xử./.
Môi trường ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét