Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024

Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta trong bối cảnh mới của tình hình khu vực và thế giới

 

Trong những năm qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Hòa bình, hợp tác và phát triển tuy vẫn là xu thế lớn, nhưng đang bị thách thức nghiêm trọng. Cạnh tranh chiến lược nước lớn, nhất là cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc - hai cường quốc hàng đầu thế giới - đã và đang tác động đa chiều đến định hình trật tự thế giới mới. Vấn đề tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biển, đảo diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực. Chạy đua vũ trang, cuộc chiến thương mại ngày càng phức tạp làm cho quá trình toàn cầu hóa và kinh tế thế giới đối mặt với nhiều trở ngại. Chủ nghĩa cường quyền, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân túy gia tăng. Các vấn đề toàn cầu, an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, đồng thời đưa tới cả thời cơ lẫn thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Bối cảnh thế giới, khu vực phức tạp, khó lường nêu trên đặt ra không ít vấn đề liên quan đến độc lập, tự chủ của các nước, nhất là những nước nhỏ, đang phát triển.

Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng được hình thành, phát triển qua các thời kỳ lịch sử cách mạng. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1945 - 1975), Đảng ta đã nhận thức và giải quyết vấn đề độc lập, tự chủ trong hoạt động đối ngoại đi đôi với tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế. Đó là, thực hiện đường lối kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi lịch sử vào Mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ bảo vệ nền độc lập và tìm tòi con đường đổi mới (1975 - 1985), đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng đã dần tiếp cận với những biến chuyển của thời cuộc cũng như trong nước; tư duy của Đảng cũng đổi mới từng phần quan trọng về mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Giữ vững độc lập, tự chủ, từng bước thoát khỏi bao vây, cấm vận là kết quả của sự tìm tòi, sáng tạo, phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, tạo cơ sở, tiền đề cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước giai đoạn tiếp theo - thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế (từ năm 1986 đến nay). Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ trong thời kỳ đổi mới và trong bối cảnh mới của tình hình khu vực và thế giới có thể bước đầu được định hình qua cách nhìn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Độc lập, tự chủ đồng nghĩa với việc mọi quyết định phải trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc và các nguyên tắc chung của cộng đồng quốc tế... Độc lập, tự chủ là cơ sở để huy động ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo sức mạnh tổng hợp, qua đó giúp củng cố độc lập, tự chủ. Độc lập, tự chủ được hiểu một cách biện chứng, linh hoạt, trong đó hội nhập quốc tế là chấp nhận có nghĩa vụ, ràng buộc nhất định, nhưng luôn bảo đảm sự độc lập, tự chủ của quốc gia trên tất cả các mặt kinh tế và quốc phòng, an ninh và đối ngoại, văn hóa và xã hội(18).

Để nhận thức sâu sắc và vận dụng đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, cần xử lý đúng đắn, hài hòa các mối quan hệ:

Thứ nhất, mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với mở cửa, hội nhập quốc tế. Độc lập, tự chủ không có nghĩa là biệt lập, “đóng cửa” với thế giới, mà phải mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới.

Thứ hai, mối quan hệ hữu cơ giữa độc lập, tự chủ với định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc.

Thứ ba, mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế. Tâm điểm của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ chính là sự gắn kết giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Đó là, tiếp cận toàn diện về độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, lấy nội lực là quyết định, huy động tối đa ngoại lực. Hội nhập quốc tế để phục vụ độc lập, tự chủ, còn độc lập, tự chủ là nền tảng cho hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả.

Thứ tư, mối quan hệ giữa kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Muốn giữ được độc lập, tự chủ thì trong đối ngoại nói riêng cần nắm vững quan điểm kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó dựa vào sức mình, dựa vào nội lực đất nước là chính, khơi dậy và phát huy cao độ nội lực, trong khi tranh thủ tối đa ngoại lực.

Tóm lại, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ trong đổi mới và hội nhập quốc tế hình thành cùng với quá trình Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế tại Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, việc Việt Nam hoạch định, triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, hài hòa quan hệ với các nước lớn và theo hướng ngày càng tự chủ chiến lược, vừa giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại, vừa khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, tin cậy và có trách nhiệm, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vững vàng, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ là sự bảo đảm độc lập, tự chủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước những biến động của thời cuộc, góp phần quyết định thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét