Bệnh kiêu ngạo ở một số cán bộ, đảng
viên là một trong những biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, nếu không được nhận diện, ngăn chặn, đẩy lùi sẽ từng bước dẫn đến “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”. Để điều trị hiệu quả bệnh kiêu ngạo trong Đảng cần có
nhận thức đầy đủ, tìm ra nguyên nhân, đánh giá đúng thực trạng và thực hiện
nghiêm túc các giải pháp thiết thực, qua đó góp phần xây dựng Đảng thực sự
trong sạch, vững mạnh.
1. Theo từ điển Tiếng Việt: “Kiêu
ngạo là tự đánh giá mình quá cao, tỏ ra khinh thường người khác”. Đối với cán bộ,
đảng viên khi mắc bệnh kiêu ngạo sẽ biểu hiện ở nhận thức, thái độ, lời nói và
hành động. Trong nhận thức là sự đánh giá phẩm chất, năng lực của bản thân quá
cao so với thực tế, tự cho mình là nhất, không ai sánh bằng; chỉ nhìn thấy ưu
điểm của mình mà không nhìn thấy ưu điểm của người khác, chỉ nhìn thấy những việc
mình làm được mà không nhìn thấy những việc người khác cũng làm được, chỉ nhìn
thấy khuyết điểm của người khác mà không nhìn thấy khuyết điểm của mình.
Trong thái độ, họ luôn lên mặt là bậc thầy
của người khác, coi thường đồng chí, thường xuyên phô trương những ưu điểm,
thành tích của mình, coi lời nói, việc làm của người khác không có giá trị và ý
nghĩa bằng của mình. Trong các hội nghị, người mắc bệnh kiêu ngạo thường không
thừa nhận ý kiến hợp lý của người khác, luôn cho ý kiến của mình là hoàn hảo.
Trong công việc, khi phải ra quyết định thì luôn theo quyết định của mình mặc
dù nó còn chưa hợp lý. Trong sơ kết, tổng kết, họ thường cho rằng đóng góp của
mình rất to lớn, còn cao hơn tập thể.
Bệnh kiêu ngạo không phải mới xuất hiện
trong Đảng. Bệnh này luôn là vấn đề mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan
tâm phòng, chống trong suốt quá trình xây dựng, rèn luyện Đảng ta. Ngay từ khi
chuẩn bị thành lập Đảng, trong các bài giảng cho cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng
Thanh niên, khi nói về tư cách của một người cách mạng, Người đã khẳng định: “Tự
mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không
nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong
tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo”. Sau này, khi Cách mạng Tháng Tám,
kháng chiến chống Pháp thành công và trước lúc đi xa, Người luôn đặc biệt coi
trọng công tác xây dựng Đảng và luôn nhắc nhở, yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng
viên phải tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phòng, chống bệnh
kiêu ngạo.
Thực tiễn sau nhiều năm đổi mới, đến Đại
hội XIII của Đảng, cùng với các mặt khác, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã
đạt được những thành tựu quan trọng, là nguyên nhân “then chốt” của thành tựu
toàn diện trong công cuộc đổi mới đất nước. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, chỉnh
đốn Đảng vẫn còn tồn tại những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục triệt để, đặc
biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, với 27 biểu hiện đã được Nghị quyết Trung
ương 4 khóa XII của Đảng chỉ ra.
Bệnh kiêu ngạo là một trong những biểu
hiện đó. Đó là: “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học
tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”; “Trong tự phê bình còn
giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm”. Những năm qua, với sự kiên quyết, kiên
trì, quyết liệt trong thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác xây dựng, chỉnh
đốn Đảng đã góp phần đấu tranh, ngăn chặn một bước quan trọng về tình trạng suy
thoái trong Đảng, góp phần làm cho Đảng trong sạch hơn, vững mạnh hơn. Song,
tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” vẫn tiếp tục diễn ra, bệnh kiêu ngạo ở một số cán bộ, đảng viên
vẫn chưa chấm dứt.
2. Bệnh kiêu ngạo trong Đảng do nhiều
nguyên nhân. Trước hết, ảnh hưởng từ mặt trái của cơ chế thị trường cùng với lối
sống thực dụng, hưởng thụ, đề cao cá nhân đang từng ngày, từng giờ tác động đến
nhận thức, thái độ và hành vi của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nếu không có bản
lĩnh, không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện sẽ rất dễ phai nhạt mục tiêu, lý
tưởng, nhận thức, đánh giá sai lệch về bản thân. Cùng với đó là những lỗ hổng
trong hệ thống pháp luật, những tiêu cực trong công tác đã tạo ra một số cán bộ,
đảng viên có “hồ sơ, lý lịch rất đẹp” nhưng thiếu tích lũy, tu dưỡng, rèn luyện
trong thực tiễn, từ đó làm cho họ ngộ nhận và ảo tưởng về bản thân, sinh ra
hàng trăm thứ bệnh, trước hết là bệnh kiêu ngạo. Bên cạnh đó là sự tâng bốc, nịnh
bợ của những cán bộ, đảng viên không chân chính cùng với một tập thể cấp ủy, tổ
chức đảng không vững mạnh, không thực hiện tốt chế độ phê bình và tự phê bình.
Theo đó, những cán bộ, đảng viên sinh hoạt, công tác trong môi trường “ít lời
nói thật” rất khó nhận thức đúng về mình và dễ chuyển sang kiêu ngạo.
Về chủ quan, bệnh kiêu ngạo có nguồn gốc
từ việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên và rơi vào chủ nghĩa cá
nhân, tham vọng, háo danh. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến
trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Người khẳng định, chủ nghĩa cá nhân sinh
ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh kiêu ngạo: “Có một số ít đảng
viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự
đại”.
Kiêu ngạo nếu không được ngăn chặn sẽ
dẫn đến những quyết định sai lầm của người đứng đầu, gây tổn thất cho tổ chức.
Người mắc bệnh kiêu ngạo thường xem mình là nhất, luôn ở trên mọi người, thậm
chí trên cả tập thể, tự cho mình là đúng, sinh ra chủ quan, duy ý chí, thường
không tôn trọng tập thể, không phát huy trí tuệ tập thể. Trong khi đó, thực tiễn
luôn vận động, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh.
Để đưa ra được những quyết định chính xác, kịp thời, đòi hỏi người lãnh đạo, quản
lý phải có trình độ, năng lực, phẩm chất toàn diện, nhất là năng lực đoàn kết,
phát huy trí tuệ tập thể, phát huy nhân tố con người. Tuy nhiên, người kiêu ngạo
thì không thể đoàn kết, không thể phát huy trí tuệ tập thể và cũng không thể
phát huy nhân tố con người, từ đó dễ đưa ra những quyết định sai lầm.
Kiêu ngạo luôn gắn liền với thói xu nịnh,
tâng bốc, gắn liền với thoái bộ và bất mãn. Kiêu ngạo chính là ảo tưởng về
mình, không nhận thức đúng về mình dẫn đến chủ quan, duy ý chí, thường mắc sai lầm
trong công tác và trong ứng xử. Tập thể sẽ nhận ra điều đó, những người thẳng
thắn thường trao đổi, đóng góp ý kiến. Người kiêu ngạo do không nhận thức đúng
về bản thân nên dễ dẫn đến phủ nhận những đóng góp chân thành và từ đó có thái
độ thù ghét, trù dập người thẳng thắn. Trái lại, người kiêu ngạo lại thích những
người tâng bốc, xu nịnh mình. Vì kiêu ngạo nên không hiểu chính mình, không nhận
thức đúng ưu, khuyết điểm của mình nên không thể phát huy ưu điểm, không thể tự
sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, không thực sự cố gắng trong tự học tập, tự tu
dưỡng, tự rèn luyện hoàn thiện bản thân nên từng bước tụt lùi, dần dần sẽ không
đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Từ đó sinh ra tư tưởng chán nản, tiêu cực, cho rằng
tập thể đã không ghi nhận mình, dẫn đến có thái độ bất mãn với tổ chức.
Kiêu ngạo sinh ra bè phái, mất đoàn kết.
Khi kiêu ngạo, người ta thường cho mình là đúng nên gạt bỏ ý kiến chân thành, hợp
lý, hợp tình từ người khác, từ đó ngay trong tư tưởng đã có những mâu thuẫn. Đặc
biệt, đối với cán bộ, đảng viên có chức, có quyền khi kiêu ngạo thường sử dụng
quyền lực của mình để buộc người khác phải thừa nhận mình, sử dụng lời nói, việc
làm của mình để bôi nhọ, xuyên tạc, hạ thấp uy tín của những người không cùng
quan điểm với mình. Trong tập thể sẽ hình thành nên những nhóm có quan điểm
trái ngược nhau, từng bước gây ra những xung đột, tạo ra bầu không khí ngột ngạt,
u ám. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, năng lực lãnh đạo, sức
chiến đấu của tổ chức đảng vì đó sẽ ngày càng đi xuống.
Kiêu ngạo nếu không được cảnh tỉnh,
ngăn chặn sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Kiêu ngạo sinh ra tự tung
tự tác, dẫn đến ảo tưởng đòi ưu đãi, đòi danh dự và địa vị. Khi không được thỏa
mãn thì họ quay sang bất mãn, oán trách tổ chức, thậm chí theo đuôi và cổ xúy
cho những đối tượng phản động, cơ hội nhằm bôi đen sự thật, chống phá Đảng và
chế độ. Đó là con đường đi đến “trở cờ”, “chuyển hóa” từ cách mạng sang phản động.
Trong thực tiễn đã có nhiều cán bộ, đảng viên trước kia là anh hùng, có công với
cách mạng, sau đó do kiêu ngạo, công thần đã trở thành kẻ phản bội lại Đảng, Tổ
quốc, nhân dân và chế độ.
3. Để điều trị hiệu quả bệnh kiêu ngạo
trong Đảng, đặt ra yêu cầu đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng
viên cần nhận thức sâu sắc, nghiêm túc thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4
khóa XI, khóa XII, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”. Từ đó có cơ sở vững chắc cho việc nhận diện, tự phê bình, tự tu dưỡng, tự
rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của bản
thân. Đồng thời có cơ sở trong đấu tranh phòng, chống các hiện tượng suy thoái
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và bệnh
kiêu ngạo trong tập thể.
Cùng với đó, cần phát huy được vai
trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong phòng, chống suy thoái tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chủ nghĩa
cá nhân và bệnh kiêu ngạo. Trách nhiệm phòng, chống trước hết là của cấp ủy, tổ
chức đảng các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của cả hệ thống chính trị. Do
đó, cần triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị,
chương trình, kế hoạch cụ thể về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện tốt
công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện, kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên,
trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Song song với đó, cần
thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình, chống bệnh hình thức trong quá trình
thực hiện, đề cao dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận
thức rõ vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ, đánh giá đúng phẩm chất, năng lực
của bản thân, thực sự khiêm tốn, cầu thị, kiên quyết, kiên trì phòng, chống suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”. Chống tư tưởng công thần, kinh nghiệm chủ nghĩa, “bệnh ngôi sao”, “mũ ni
che tai” trong mọi công việc./.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét