Tư tưởng V.I.Lênin về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo là một nội dung hết sức cơ bản, nền tảng và sâu sắc góp phần bổ sung, hoàn thiện chủ nghĩa Mác về tôn giáo và có giá trị định hướng khoa học quan trọng đối với công tác tôn giáo và là vấn đề có ý nghĩa thiết thực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
1. Mở đầu
Mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo đã được Hêghen trình bày trong học thuyết triết học theo quan điểm duy tâm và đã được Phoiơbắc phê phán trên quan điểm duy vật, nhất là khi bàn về quan hệ giữa xã hội và con người. Kế thừa tư tưởng của nền triết học cổ điển Đức trên lập trường duy vật khoa học triệt để, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra đúng đắn về nguồn gốc, bản chất, tính chất, chức năng và vai trò của tôn giáo, đồng thời luận chứng sâu sắc mối quan hệ thích nghi, không tách rời giữa tôn giáo và nhà nước thế tục trong các xã hội có giai cấp đối kháng.
C.Mác viết: “…trong mỗi quốc gia đạo Thiên chúa La Mã hoặc đạo Tin lành, hay cả hai, cùng một lúc đều được coi là bộ phận cấu thành không thể tách rời của chế độ nhà nước. Trong tất cả các quốc gia ấy, giới tăng lữ của một trong hai giáo phái ấy, hoặc của cả hai, đều là bộ phận chủ yếu của bộ máy cai trị quan liêu của chính phủ”(1). C.Mác cũng chỉ rõ nhiệm vụ cấp thiết của triết học là phải bóc trần bản chất sự tự tha hóa của con người che đậy bởi những hình tượng thần thánh và không thần thánh của nó bằng cách vạch mặt rõ những quan hệ giữa thượng giới và cõi trần, giữa tôn giáo và pháp quyền, giữa thần học và chính trị. Bởi, người với tư cách là sinh vật tối cao đối với con người trong nhà nước pháp quyền, do đó, cái mệnh lệnh tuyệt đối đòi phải lật đổ, xóa bỏ kiên quyết và tích cực tất cả những quan hệ trong đó con người là một sinh vật đã bị làm nhục, bị nô dịch, bất lực, bị khinh rẻ,… trong chế độ sở hữu tư nhân và quan hệ của nó với sở hữu đích thực của con người.
Trong điều kiện lịch sử mới, V.I.Lênin đã bảo vệ và phát triển những quan điểm, tư tưởng C.Mác và Ph.Ăngghen về tôn giáo, trong đó chỉ rõ mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo, giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội bằng những luận cứ khoa học sắc bén, trở thành vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng để vận dụng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng và phát triển bền vững xã hội nói chung.
2. Tư tưởng của V.I.Lênin về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo
Nghiên cứu về nguồn gốc của mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo vào một tôn giáo cụ thể là Thiên Chúa giáo La Mã với cơ sở xã hội hiện thực của nó là quan hệ kinh tế, nhà nước và pháp quyền, C.Mác đã đặt tôn giáo trong mối quan hệ với con người và khẳng định rằng: “Con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người”(2) về thực chất con người ở đây không phải là con người chung chung, trừu tượng và ẩn náu đâu đó ngoài thế giới mà là con người đang sống, đó là thế giới con người bị áp bức, bóc lột, bất lực và tự đánh mất mình trước sự áp bức, nô dịch của lực lượng thống trị xã hội trong các quan hệ xã hội phi nhân tính và “Nhà nước ấy, xã hội ấy đã sản sinh ra tôn giáo”(3).
Khi xã hội tư bản chủ nghĩa vận động đến giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, trong hoàn cảnh xã hội nước Nga vào những năm đầu thế kỷ XX, khi mà thần quyền câu kết với thế quyền áp bức nhân dân lao động một cách thậm tệ, mâu thuẫn xã hội Nga rất gay gắt, V.I.Lênin đã phác họa một xã hội được xây dựng trên sự bóc lột của thiểu số thuộc giai cấp địa chủ và tư sản đối với đại đa số quần chúng lao động.
V.I.Lênin cho rằng, nô lệ về kinh tế là nguồn gốc thực sự của sự mê hoặc nhân loại bằng tôn giáo, do đó “Xóa bỏ tình trạng nô lệ về kinh tế, nguồn gốc thực sự của mê hoặc nhân loại bằng tôn giáo”(4). Từ sự áp bức về kinh tế “gây nên” và “đẻ ra” mọi hình thức áp bức về chính trị, làm cho đời sống tinh thần của quần chúng bị mê muội tối tăm mà “tôn giáo là một trong những hình thức áp bức về tinh thần”(5). Tình trạng “áp bức về tinh thần, luôn luôn và bất cứ ở đâu cũng đè nặng lên quần chúng nhân dân khốn khổ” ách áp bức giai cấp một mặt đã làm mất niềm tin của quần chúng vào sự bao dung của xã hội trần tục, mặt khác đã làm gia tăng cảm giác bất lực của quần chúng bị thất bại trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp thống trị bóc lột để giành lấy hạnh phúc ở thế giới hiện hữu, đồng thời làm nảy sinh ảo tưởng nhờ cậy sự che chở, an ủi hạnh phúc hư ảo của lực lượng siêu nhân ngoài trần thế nào đó trong tính hiện thực ảo tưởng.
V.I.Lênin cho rằng: “Sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đấu tranh chống bọn bóc lột tất nhiên đẻ ra lòng tin vào một cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia”(6). Theo V.I.Lênin thời kỳ này, tôn giáo có nguồn gốc kinh tế - xã hội là chủ yếu, vậy nên, việc “giải thích cương lĩnh của chúng ta cần phải bao gồm việc giải thích căn nguyên lịch sử và kinh tế thực sự của đám mây mù tôn giáo”(7).
Về bản chất của mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo là mối quan hệ cộng sinh phản ánh nhu cầu lợi ích của cả giai cấp, nhà nước áp bức bóc lột và giáo hội tôn giáo. Thực chất là phản ánh mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo, tôn giáo và chính trị đó là quan hệ của những bộ phận trong hệ thống kiến trúc thượng tầng của xã hội. Ở châu Âu thời trung cổ, đạo Cơ đốc giáo có vai trò to lớn, chi phối các hoạt động của nhà nước. Có thể coi đây là thời kỳ tôn giáo hóa chính trị theo kiểu lấy luật đạo trị luật đời. Từ khi giai cấp tư sản giành được quyền thống trị, gắn liền với sự ra đời của Nhà nước pháp quyền tư sản thì quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo thay đổi khá căn bản, chính trị ngày càng có vai trò mang ý nghĩa quyết định đối với các bộ phận khác của kiến trúc thượng tầng, trong đó có tôn giáo. Đây được coi là thời kỳ chính trị hóa tôn giáo. Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã vạch rõ: “giai cấp tư sản đã đem sự bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng những ảo tưởng tôn giáo và chính trị”(8). Ph.Ăngghen cũng đã nhận định: “Mỗi giai cấp thống trị đều sử dụng tôn giáo phù hợp với mình”(9).
V.I.Lênin đã phân tích sâu sắc thực chất mối quan hệ hiện thời giữa giáo hội Chính thống giáo ở Nga với chính phủ Nga hoàng, đó là mối quan hệ gắn bó khăng khít, nương tựa, tương tác lẫn nhau, làm điều kiện tiền đề cho nhau tồn tại: “Tất cả các giai cấp áp bức đều cần đến hai chức năng xã hội, để giữ gìn nền thống trị của mình: chức năng của tên đao phủ và chức năng giáo sĩ. Đao phủ phải dẹp tan sự phản kháng và sự căm phẫn của những người bị áp bức. Giáo sĩ phải an ủi những người bị áp bức, ... làm cho họ chịu nhận nền thống trị ấy, làm cho họ xa rời hành động cách mạng, làm tiêu tan tinh thần cách mạng của họ và phá vỡ nghị lực cách mạng của họ”(10). Chính quyền Nga Hoàng đã chi phối giáo hội, còn “giáo hội ở trong cảnh phụ thuộc theo kiểu nông nô vào nhà nước”(11). Ngược lại “những luật pháp thời trung cổ của tòa án tôn giáo còn tồn tại và được thi hành”(12). Ngay trong chế độ Nga hoàng, nhờ mối quan hệ bền chặt này, một mặt giúp giai cấp tư sản, địa chủ, các lực lượng phản cách mạng ở Nga củng cố, thần thánh hóa ách thống trị bóc lột của mình, có thêm công cụ thống trị nhân dân lao động, có thêm lực lượng chống phá cách mạng; mặt khác làm cho nhân dân lao động vừa dễ bị mê hoặc, lừa gạt nhiều hơn vừa phải gánh chịu thêm hình thức áp bức tinh thần “trong cảnh phụ thuộc kiểu nông nô vào quốc giáo”(13).
V.I.Lênin đã lột tả rõ bản chất của mối quan hệ cộng sinh giữa nhà nước và tôn giáo: “Đấy, thực chất là ở chỗ này đấy! Những điều thiêng liêng của đạo chính thống quý báu là ở chỗ nó dạy người ta chịu đựng đau khổ “không một tiếng kêu ca”! Thực thế, điều thiêng liêng đó có lợi cho giai cấp thống trị biết chừng nào! Khi xã hội được xây dựng để cho một nhúm người hưởng giàu sang và quyền hành, còn số đông quần chúng phải thường xuyên chịu “thiếu thốn” và “mang những trách nhiệm nặng nề”, thì hoàn toàn dĩ nhiên là bọn bóc lột có cảm tình với cái tôn giáo dạy người ta chịu đựng “không một tiếng kêu ca” cái địa ngục trần gian để chờ đợi một thiên đường nào đấy” (14).
Thông qua những luận giải về nguồn gốc, bản chất của mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo, V.I.Lênin đã kết luận về những vấn đề có tính nguyên tắc thể hiện rõ thái độ của những người xã hội chủ nghĩa đối với tôn giáo, xác định lập trường, quan điểm đúng đắn của những người mác xít đối với tôn giáo và phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo.
Bàn về thể chế luật pháp tôn giáo hay vấn đề nhà nước thế tục (Secular State) trong sự xác lập mối quan hệ và ứng xử với tôn giáo, V.I.Lênin xác định về nguyên tắc phải phân tách giữa quyền lực chính trị của nhà nước và quyền lực của tôn giáo, theo đó tất cả các tổ chức, đoàn thể tôn giáo đều phải tách biệt quyền lực của mình khỏi quyền lực chính trị của nhà nước và mọi công dân không bị ràng buộc bởi bất cứ quyền lực thần quyền nào: “Đối với nhà nước mà nói, tôn giáo phải là việc tư nhân, nhưng đối với đảng của chính chúng ta, thì bất luận thế nào, chúng ta không thể coi tôn giáo là việc tư nhân được” (15). Nhà nước coi tôn giáo là việc tư nhân nghĩa là: Trong quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo thì nhà nước và giáo hội hoàn toàn tách khỏi nhau, đó là điều mà cả nhà nước và giáo hội phải thực hiện: “Nhà nước không được dính đến tôn giáo, các đoàn thể tôn giáo không được dính đến chính quyền nhà nước”(16) và các đoàn thể này được “hoàn toàn độc lập và tự do với chính quyền”(17). V.I.Lênin yêu cầu: “Giáo hội hoàn toàn tách khỏi nhà nước, nhà trường hoàn toàn tách khỏi giáo hội”(18).
Sau Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga 1918 đã thừa nhận quyền tự do bình đẳng của các tôn giáo như những hệ ý thức, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được bảo đảm. V.I.Lênin nhấn mạnh: “Theo Hiến pháp của chúng ta, theo đạo luật cơ bản của nước Cộng hòa chúng ta thì quyền tự do tín ngưỡng về tôn giáo đã được tuyệt đối bảo đảm cho mọi người”(19).
Mặt khác, V.I.Lênin cũng đã ký sắc lệnh về ruộng đất, tuyên bố quốc hữu hóa ruộng đất của các nhà thờ, tu viện; sắc lệnh quyền công dân bãi bỏ mọi đặc quyền, mọi sự hạn chế về dân tộc và tôn giáo; sắc lệnh chuyển giao tất cả các trường học, viện nghiên cứu, cơ quan đảm trách lĩnh vực đời sống tinh thần thuộc giáo hội sang cho Bộ Dân ủy giáo dục; sắc lệnh bãi bỏ việc nhà thờ can dự vào việc hôn nhân gia đình... Theo V.I.Lênin, nhà nước phải có những chính sách thích hợp để tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng không chỉ trong việc được thừa nhận địa vị pháp lý mà còn được bảo đảm những quyền lợi của công dân, trong đó có quyền tự do bình đẳng tôn giáo, tín ngưỡng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội khác.
Như vậy, đối với nhà nước thế tục thì nguyên tắc tự do tôn giáo phải luôn đi liền với quyền bình đẳng và tự quyết của các tôn giáo.
3. Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
Tư tưởng của V.I.Lênin về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo với các yếu tố chính trị, pháp quyền là cơ sở khoa học vững chắc để vận dụng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 2013, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đặc biệt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” là những định hướng rất quan trọng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và tôn giáo trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, cần thực hiện tốt một số định hướng sau:
Một là, học tập phong cách V.I.Lênin về bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo vào trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn những nguyên tắc phương pháp luận theo tư tưởng V.I.Lênin về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo làm cơ sở khoa học để định hướng nhận thức, củng cố thái độ đúng đắn trong xem xét, đánh giá, ứng xử, giải quyết các vấn đề tôn giáo hiện nay.
Ứng xử với tôn giáo, khi xem xét, giải quyết vấn đề tôn giáo, phải đứng vững trên lập trường duy vật biện chứng, có thái độ đúng mực, khách quan, đồng thời vận dụng đúng đắn, sáng tạo, tránh máy móc, giáo điều; gắn đấu tranh chống tôn giáo với đấu tranh giai cấp; không được thành kiến với tôn giáo; sẵn sàng kết nạp tín đồ tôn giáo vào Đảng; phương cách giải quyết vấn đề tôn giáo phải đi từ việc giải quyết tồn tại xã hội đến ý thức xã hội.
Cùng với việc quán triệt tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo, cần nghiên cứu, bổ sung, phát triển tư tưởng cơ bản của C.Mác và Ph.Ăngghen về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo trong hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo cho phù hợp với bối cảnh của thời đại và yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.
Hai là, tiếp tục thực hiện nhất quán, đề cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác tôn giáo. Trong đó, Đảng lãnh đạo, đề ra chủ trương, phương hướng; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách để vận động quần chúng thực hiện tốt chính sách tôn giáo. Đại hội XIII của Đảng “Khẳng định bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới phương thức vận hành của Nhà nước theo hướng hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; hoàn thiện mô hình tổ chức của Nhà nước, phân công, phối hợp giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, coi trọng kiểm soát quyền lực nhà nước; giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội”(20).
Với quan điểm về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không chỉ giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức tôn giáo mà còn thỏa mãn nhu cầu đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo đảm thật sự quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người đã được hiến định ở Điều 24, Hiến pháp năm 2013: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Điều này đã được cụ thể hóa trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy trách nhiệm của mình trong tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tích cực tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Mặt trận chủ động, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Giám sát có hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Ba là, giải quyết căn bản mối quan hệ giữa Nhà nước và giáo hội. Trong mối quan hệ này, cả nhà nước và tôn giáo đều phải thực hiện mục tiêu “tôn giáo đồng hành với chủ nghĩa xã hội” dựa trên sự tương đồng mà cả hai phía đều có điểm chung là khát vọng hạnh phúc.
Một mặt, Nhà nước “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng” (21), bảo đảm việc thực hiện chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam. Điều đó tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm và đời sống của hàng chục triệu đồng bào có đạo, phát huy tiềm năng và khơi dậy lòng hăng hái của họ nhằm đẩy nhanh việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Mặt khác, các tôn giáo với tư cách một pháp nhân có quyền và nghĩa vụ pháp lý, có quyền và nghĩa vụ tham gia “phần ”, bình đẳng trước pháp luật. Do đó, các giáo hội tôn giáo phải nêu cao đường hướng và thực hiện đúng phương châm “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”, nêu cao tinh thần “tốt đời đẹp đạo” của các tôn giáo.
4. Kết luận
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay phải gắn liền với giữ vững nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin trong giải quyết vấn đề tôn giáo, để giải quyết, xử lý hài hòa các vấn đề tôn giáo trước hết phải thực sự tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Trong đó, vấn đề then chốt là giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo (giáo hội, hội thánh, ban trị sự, hội đồng giáo xứ…), đặt mối quan hệ này trong vấn đề nhà nước pháp quyền, bình thường hóa và pháp trị. Càng làm tốt điều này đời sống tôn giáo càng ổn định vững chắc và xây đắp tốt hơn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét