Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI THÙ ĐỊCH VỀ VAI TRÒ CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

 

Nền tảng tư tưởng Đảng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển không ngừng của đất nước. Những thành tựu có được của ngày hôm nay chính là kết quả của sự trung thành với nền tảng tư tưởng cốt lõi là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay, lợi dụng sự phổ biến của mạng thông tin, các thông tin được tiếp cận một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn, các thế lực thù địch lợi dụng nó để chống phá chế độ. Do vậy bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ hàng đầu và đặc biệt quan trọng.

Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mới, trong sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ thì khoa học xã hội cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển. Nền tảng tư tưởng dựa trên chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở tư tưởng đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển đất nước ta. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng sự phát triển xã hội và sự phát triển toàn diện của con người. Cơ sở tư tưởng là cơ sở lý luận, là quan điểm chỉ đạo, là ngọn đuốc soi đường phát triển, nền tảng tư tưởng khoa học đúng đắn sẽ dẫn dắt giai cấp, dân tộc, xã hội đó tích cực tiến bộ và phát triển và ngược lại. Do vậy nền tảng tư tưởng luôn là đối tượng, đối tượng chống phá của các thế lực phản động thù địch. Chúng luôn ra sức bôi nhọ, xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của đảng ta, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lung lay, lệch lạc. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta cần phải hiểu rõ hệ thống nền tảng tư tưởng mà Đảng ta đã lựa chọn, phản bác các quan điểm sai trái nhằm hạ thấp vai trò của chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao cảnh giác trước chiến lược “diễn biến hòa bình”.

          Nền tảng tư tưởng là hệ thống quan điểm, quan niệm, lý luận nhất quán thể hiện ý chí, khát vọng của cá nhân, giai cấp, đất nước được hình thành trên cơ sở thực tiễn nhất định, có chức năng định hướng cho nhận thức của chủ thể và hoạt động thực tiễn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Như vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.” Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là những học thuyết, những tư tưởng được hình thành trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những thành tựu văn minh của tư duy nhân loại; liên tục được bổ sung, phát triển từ những kết quả nghiên cứu mới nhất của khoa học và tổng kết thực tiễn lịch sử trong nước và thế giới, cùng những dự báo khoa học về tương lai. Nền tảng tư tưởng còn được hiểu rộng hơn, đó còn là các quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về các vấn đề chiến lược của đất nước như về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; Về đường lối phát triển kinh tế - xã hội, về an ninh – quốc phòng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ...

Như vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là học tập, nghiên cứu, phát huy, phát triển, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo, phổ quát trong đời sống tinh thần của xã hội.

Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng có vai trò quan trọng, là nhân tố cho nhiều thắng lợi của ta trong từng giai đoạn:

Đối với Cách mạng Việt Nam, Chủ nghĩa Mác- Lê nin là kim chỉ nam, là nền tảng của tư tưởng, hành động của Đảng, là ngọn đèn soi sáng cho con đường dẫn đến thắng lợi của dân tộc ta. Trước khi chủ nghĩa Mác- Lênin xuất hiện ở Việt Nam. Những phong trào giải phóng dân tộc như: phong trào Cần Vương, khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, các cuộc vận động của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học đều thất bại. Nhưng kể từ khi chủ tịch Hồ Chí Minh mang chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam, phong trào đấu tranh giành độc lập của nước Đầu tiên, sau gần 100 năm bị đô hộ bởi thực dân Pháp và đế quốc Nhật, năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, Việt Nam đã giành được chính quyền từ tay đế quốc và tuyên bố thành lập nước Việt Nam độc lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Tiếp theo là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Sau đó, cuộc chiến kéo dài hơn 30 năm do Mỹ hậu thuẫn chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam giành thắng lợi, Mỹ đã rút khỏi Việt Nam sau khi Hiệp định Paris được kí kết vào tháng 1 năm 1973 và chính phủ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ” trong đó khẳng định: “ Đảng lấy chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Đây là kết luận rút ra từ kết quả tổng kết sâu sắc thực tiễn lịch sử của Đảng và của cách mạng Việt Nam trong suốt quá trình cách mạng từ khi thành lập Đảng đến nay.

Trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, từ sự phân tích kỹ lưỡng điều kiện cụ thể của nước ta là một nước nghèo với nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, muốn bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của chúng ta hiện nay là phát triển sản xuất, để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Muốn có chủ nghĩa xã hội thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất”. Người chỉ ra yêu cầu cấp bách phải xây dựng nền tảng vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội với những con người mới xã hội chủ nghĩa. Từ đó, từng bước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam được soi sáng bởi chính tư duy, trí tuệ Việt Nam trên cơ sở kế thừa, phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, với nền tảng, gốc rễ là tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên con đường đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trong thời gian qua, đã xuất hiện những quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và cách mạng nước ta với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây ra những tác động tiêu cực và hậu quả khó lường, làm tổn hại đến tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta cần nhận diện và đấu tranh bác bỏ. Trong tác động phá hoại về văn hóa, các thế lực thù địch tập trung phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa cách mạng, các chuẩn mực đạo đức, lối sống XHCN. Các thế lực thù địch rất coi trọng tác dụng “diễn biến hòa bình” của các loại “chất độc tinh thần” tư sản. Do vậy, chúng tìm mọi phương thức để các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nước ta. Chúng sử dụng các sản phẩm văn hóa đồi trụy, phản động để đầu độc quần chúng nói chung, đặc biệt là thế hệ thanh niên ở nước ta nói riêng, làm chuyển đổi giá trị thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật, chuyển đổi các thang bậc giá trị của xã hội theo chiều hướng xấu; âm mưu biến thế hệ trẻ thành công cụ và lực lượng xã hội chủ yếu của “diễn biến hòa bình”.

Về hình thức xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động chủ yếu qua các phương tiện truyền thông, internet, blog, mạng xã hội, duy trì sử dụng hàng chục đài phát thanh chương trình Việt ngữ, hàng trăm báo, tạp chí, nhà xuất bản tiếng Việt, hàng ngàn website, blog... Chúng còn xuất bản các xuất bản phẩm có nội dung xấu, độc; biên soạn tài liệu, video lồng ghép nội dung thổi phồng, xuyên tạc, bóp méo sự thật; tiến hành rải truyền đơn, tờ rơi, viết vẽ khẩu hiệu phản động. Các thế lực thù địch tiếp tục tổ chức viết nhiều tài liệu, “tác phẩm” dưới dạng văn học nhằm dựng chuyện, vu cáo, bôi nhọ, từ đó xóa bỏ học thuyết Mác - Lênin và lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa…

Đối tượng tác động của hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, phản động chủ yếu là trí thức, văn nghệ sĩ; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ hưu trí, cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên; người lao động…

Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới. Những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch chống phá này, thể hiện ở số vấn đề sau đây:

Các quan điểm thù địch muốn tấn công và hạ thấp vai trò của các hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Từ sự khủng hoảng và sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội chân chính của Liên Xô và các nước Đông Âu cuối thế kỷ XX. Những thủ đoạn xuyên tạc, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cơ sở tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Đảng. Thủ đoạn chúng sử dụng không mới lạ, nhưng rất xảo quyệt, thâm độc, tập trung vào luận điệu, tuyên truyền, thúc đẩy từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lung lay, phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận cơ bản của Đảng. Để phủ định học thuyết Mác - Lênin, các thế lực thù địch cho rằng, học thuyết Mác - Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX và phù hợp trong một chừng mực nào đó với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất phương Tây thời đó. Lý luận này không còn phù hợp với thế kỷ XX và đặc biệt trong điều kiện ngày nay càng không phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Từ đó, họ tuyên truyền xuyên tạc, rêu rao: chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không phù hợp ở Việt Nam và cần loại bỏ. Gần đây, trước những khó khăn về kinh tế, xã hội của đất nước, họ tuyên truyền luận điệu: Việt Nam đang không chỉ bế tắc về kinh tế mà còn bế tắc cả về tinh thần; và rằng, không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa. Họ cho rằng, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác chỉ là một mớ lý thuyết suông về một chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được. Do vậy, sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô, Đông Âu và trên toàn thế giới là một tất yếu, là sự cáo chung đã được báo trước.

Đưa ra các kiến nghị nhiều hình thức, như “gửi thư”, “trao đổi”, “góp ý” kiến nghị vào những dịp Đại hội Đảng, sửa đổi Hiến pháp… Đòi sửa đổi Điều 4 Hiến pháp, cho rằng đó là thời cơ để đổi mới chính trị theo hình thức đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xây dựng nhà nước dựa trên nền tảng dân chủ, “xã hội dân sự”. Thực chất, ẩn khuất đằng sau những góp ý này là ý đồ xóa bỏ, lật đổ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ cho rằng, chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác CNXH, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường đi lên CNXH.

Quan điểm, luận điệu lợi dụng vào những khó khăn tồn tại, hạn chế, thiếu sót, sơ hở trong đời sống xã hội để đánh đồng hiện tượng thành bản chất của CNXH, là kết quả mang lại do đi theo con đường CNXH. Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, còn có những hạn chế, yếu kém, thiếu sót, sơ hở trong đời sống về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tình trạng tham nhũng, lãng phí, ô nhiễm môi trường… Các thế lực thù địch lợi dụng để suy diễn, diễn đạt dưới nhiều hình thức khác nhau, xuyên tạc, quy chụp rằng đó là bản chất của CNXH, kết quả do con đường đi lên CNXH mang lại…; làm cho những người không có nền tảng tư tưởng chính trị vững vàng dễ bị lầm tưởng, hồ nghi, hoang mang, dao động, thậm chí xét lại, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị.

Một số luận điệu cho rằng những thành tựu về mọi mặt của đất nước trong thời kỳ đổi mới là do “trên thực tế, Đảng ta đã từ bỏ các quan điểm Mác - Lênin”, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và đối ngoại nên “đất nước mới thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và thu được những thành tựu rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử về đối nội và đối ngoại như đến nay”. Đây là sự xuyên tạc, phủ nhận giá trị, vai trò nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin với cách mạng Việt Nam nói chung, trong thời kỳ đổi mới nói riêng. Với mỗi người Việt Nam chân chính đều nhận thức rằng, Đảng ta chưa bao giờ từ bỏ nền tảng tư tưởng, cái “cẩm nang thần kỳ”, vũ khí sắc bén, kim chỉ nam, cội nguồn của những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ở Việt Nam, kể từ “Đường cách mệnh” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và “Luận cương chính trị” do Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 thông qua cho đến nay, Đảng ta đều khẳng định, chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng. Từ Đại hội VII đến nay có sự bổ sung mới: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng...”. Do đó, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta càng phải trở về với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo. Nguyên tắc bất di bất dịch là, cần nghiên cứu và thấu triệt nó với tư cách không chỉ là nền tảng lý luận chính trị về phương diện chính trị - xã hội,  một cương lĩnh chính trị - khoa học về mặt hành động cách mạng, một chỉnh thể toàn vẹn về mặt cấu trúc hệ thống, một thực thể vận động và thống nhất trên bình diện khoa học - thực tiễn, mà còn là một lý thuyết - thực tiễn mở về phương diện xã hội - lịch sử và là một tổng thể phương pháp luận khoa học và cách mạng, như chính bản thân học thuyết Mác - Lênin chứa đựng và thể hiện.

Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đó là trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị; trong đó, Cán bộ , chiến sĩ công tác tại đơn vị đều phải là một trong những lực lượng tiên phong, đi đầu. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng và đấu tranh phản bác các luận điệu phủ nhận, hạ thấp vị trí của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mỗi cán bộ, chiến sĩ cần phải:

Thứ nhất, nghiên cứu sâu sắc, toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ rõ những giá trị cốt lõi, những giá trị lý luận có sức sống trường tồn, mà trước hết là thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử; học thuyết về giá trị thặng dư; học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội; học thuyết về xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa; lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về giải phóng và phát triển toàn diện con người, v.v... Kiên định, trung thành với lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những kẻ cơ hội chính trị, nói và làm xa rời nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. “Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch” và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập, phổ biến sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ. Không ngừng tìm tòi, đổi mới nội dung, phương thức, hình thức tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể, đảm bảo chất lượng, hiệu quả thiết thực; làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ những giá trị lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tin tưởng và làm theo, đi theo hệ tư tưởng, “kim chỉ nam” - chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, chung tay xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ tư, Phải tổ chức, huy động, vận động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan tuyên truyền, lý luận, giáo dục, đào tạo, báo chí, xuất bản, an ninh, quốc phòng… tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ năm, Đa dạng hóa các hình thức bảo vệ và đấu tranh tư tưởng trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là cơ sở giáo dục của Đảng và của các tổ chức chính trị - xã hội, trên hệ thống thông tin đại chúng, trên mạng internet, các blog và gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, trực diện...Nâng cao chất lượng khoa học và tính chiến đấu, tính hiệu quả, tính thuyết phục của các bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ sáu, tổ chức nghiên cứu tổng hợp, xử lý thông tin, tuyên truyền, giáo  dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ. Tổ chức lực lượng nghiên cứu, thu thập, xử lý, cung cấp thông tin thuộc bộ phận chuyên sâu cáccấp; kết hợp khai thác nguồn tin ở đơn vị, địa phương, cơ sở, kịp thời nắm, đánh giá, dự báo tình hình, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Trọng tâm là những thủ đoạn mới, các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; chủ quyền biên giới, biển, đảo; dân tộc, tôn giáo; dân chủ, nhân quyền, môi trường, dân sinh; các thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội.

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét