Từ thực tế xây dựng, phát triển đất
nước và quá trình nhận thức lý luận của Đảng
Cộng sản Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước
theo con đường XHCN cho thấy, Đảng Cộng
sản Việt Nam đã tổng kết, kế thừa, làm rõ phương hướng xây dựng đất nước trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh năm 1991 đã đề ra 7
phương hướng cơ bản và cũng là nội dung cần thiết của cách mạng XHCN và xây
dựng CNXH trong thời kỳ đổi mới. Cách xác định phương hướng cơ bản xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH trong Cương lĩnh năm 1991 đã đề cập, bao hàm
cả phương hướng phát triển. Sau đó, Đại hội X của Đảng (năm 2006), qua tổng kết
20 năm đổi mới, đã cân nhắc, xác định 8 phương hướng nhưng gọn hơn.
Kế thừa tinh thần của Đại hội X, tại
Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ hơn
mục tiêu, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam thông qua việc bổ sung, phát triển các phương
hướng cơ bản. Cương lĩnh năm 2011 viết: “Để thực hiện thành công các mục
tiêu trên, toàn Đảng, toàn dân ta cần nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý
chí tự lực, tự cường, phát huy mọi tiềm năng và trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt
qua thách thức, quán triệt và thực hiện tốt các phương hướng cơ bản sau
đây:
Một là, đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ
tài nguyên, môi trường.
Hai là, phát triển nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện
tiến bộ và công bằng xã hội.
Bốn là, bảo đảm vững chắc
quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Năm là, thực hiện đường lối
đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động
và tích cực hội nhập quốc tế.
Sáu là, xây dựng nền dân
chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở
rộng mặt trận dân tộc thống nhất. Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tám là,
xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”.
Tám phương hướng cơ bản nêu trên đã thể
hiện tính hệ thống, đồng bộ của con đường đi lên CNXH ở nước ta, vừa đúng xu
thế thời đại, vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tiếp tục được bổ sung, cụ
thể hóa trong các văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng.
Khái quát toàn bộ phương hướng cơ bản
xây dựng CNXH trong gần 40 năm đổi mới cho thấy, sau mỗi kỳ đại hội, trên cơ sở
thực tiễn thực hiện phương hướng xây dựng CNXH trên từng lĩnh vực cơ bản, Đảng
lại có sự bổ sung, phát triển lý luận về phương hướng rất rõ rệt và ngày càng
sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn trên tất cả lĩnh vực. Đây là sự tìm tòi, đổi mới
và cống hiến lý luận của Đảng nhằm mục tiêu phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN,
phục vụ nhân dân trong bối cảnh mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét