Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết đáng
chú ý mang tựa đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế".
"Nhìn lại lịch sử Cách mạng nước
ta, hội nhập và phát triển của đất nước luôn gắn liền với những biến chuyển của
thời đại. Ngay từ những ngày đầu lập nước, trong bức thư gửi tới Liên hợp quốc,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ tinh thần là Việt Nam muốn làm bạn với tất cả
các nước, bày tỏ mong muốn “thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi
lĩnh vực.” Đây có thể được coi là “bản tuyên ngôn” đầu tiên về cách tiếp cận
của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với cộng đồng quốc tế.
Tư tưởng “kết hợp sức mạnh dân tộc với
sức mạnh thời đại” đó đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong 80 năm qua, luôn
gắn cách mạng nước ta với trào lưu tiến bộ của thời đại và sự nghiệp chung của
nhân loại.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác
định muốn hòa bình và phát triển thì phải mở cửa với bên ngoài, hợp tác với các
quốc gia khác, trong đó hội nhập quốc tế là hình thức, trình độ phát triển cao
của hợp tác quốc tế. Nói cách khác hội nhập quốc tế là “đặt đất nước vào dòng
chảy chính của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại,” gia
tăng sức mạnh của mình thông qua việc gắn kết với thế giới. Đảng đã đề ra chủ
trương hội nhập quốc tế, trước là hội nhập kinh tế, sau là hội nhập toàn diện
để khơi thông, mở rộng quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế, tranh thủ
nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vai trò, vị thế
của quốc gia, đưa Việt Nam hội nhập vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế
quốc tế và nền văn minh nhân loại.
Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên
vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh” đòi hỏi phải có tâm thế, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận
mới về hội nhập quốc tế. Sự ra đời của Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của
Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” là “quyết sách đột phá,”
đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với
việc định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ
nguyên mới. Trong đó hội nhập quốc tế chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội
nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng
thái một quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới.
Đảng ta xác định hội nhập quốc tế là
chiến lược quan trọng nhằm củng cố vị thế chính trị, thúc đẩy phát triển kinh
tế, đảm bảo an ninh quốc gia, nâng tầm ảnh hưởng của đất nước trên bản đồ thế
giới. Hội nhập quốc tế đã từng bước phát triển qua các thời kỳ, từ hội nhập có
giới hạn, có chọn lọc, thiên về ý thức hệ, hội nhập kinh tế đơn thuần ban đầu
đến “hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện” hiện nay. Đại hội Đảng lần thứ IX
lần đầu tiên đề ra chủ trương “hội nhập kinh tế quốc tế.” Đại hội Đảng lần thứ
XI đánh dấu một bước chuyển trong tư duy từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “hội
nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực.” Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc
tế ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị là sự cụ thể hóa đường lối hội nhập quốc tế
với chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Gần đây nhất, tại Đại
hội lần thứ XIII của Đảng, định hướng chiến lược này một lần nữa được phát
triển, hoàn thiện hơn thành “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu
rộng có hiệu quả.”
Nguồn
st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét