Sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, thế
đối đấu giữa hai hệ thống tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa không còn, thay
vào đó là sự phát triển đa dạng của các mối quan hệ quốc tế gắn với quá trình
toàn cầu hóa. Sự khác biệt về chế độ chính trị - xã hội giữa các quốc gia tuy
là một rào cản, nhưng không phải là yếu tố không thể vượt qua để tạo lập nên
các mối quan hệ, hợp tác. Thay vì chỉ thiết lập quan hệ với các nước có cùng
chế độ chính trị như trước đây, các quốc gia ngày càng chủ động tìm kiếm các cơ
hội hợp tác với cả các nước có sự khác biệt về chế độ chính trị - xã hội.
Thế giới hiện nay tồn tại đa dạng các kiểu chế độ chính trị xã hội,
cùng những trình độ phát triển rất khác nhau. Do tính chất quá độ của thời đại
nên vẫn còn tồn tại nhiều nước có chế độ chính trị, xã hội khác nhau cùng tồn
tại. Sự tác động của các xu thế thời đại và chế độ chính trị cũng như lợi ích
khác biệt nên các nước vừa hợp tác vừa đấu tranh. Trong vòng xoáy toàn cầu hóa,
mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ, nhưng
luôn diễn ra trong sự tương tác giữa hợp tác và đấu tranh. Hợp tác để thúc đẩy
lợi ích, đấu tranh để bảo vệ lợi ích khi có sự khác biệt, mâu thuẫn.
Trong những điều kiện nhất định, những mối quan hệ xác định, hợp tác
hay đấu tranh, mặt này có thể nổi trội hơn mặt kia. Sau các cuộc đấu tranh
quyết liệt, chiều hướng hợp tác thường biểu hiện ra bên ngoài mạnh mẽ hơn. Đồng
thời, dưới cái vỏ bọc của “hợp tác”, các đối tác đều nhằm vào mục tiêu tăng
cường nội lực của chính mình, chờ sự “tự suy yếu tương đối” của các đối tác
khác để tìm kiếm những hình thức và mức độ tập hợp lực lượng mới, tăng thêm thế
và lực về chính trị cũng như an ninh, từng bước điều chỉnh chính sách và mối
quan hệ đối với các đồng minh và đối tác. Chính vì thế, bất luận trong hoàn
cảnh nào, vấn đề lợi ích quốc gia, dân tộc luôn được đặt lên trên hết, trước
hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét