Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025

Phát triển nhân lực khoa học, công nghệ Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số

Những năm gần đây, nhân lực khoa học, công nghệ (KHCN) của Việt Nam đã có bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhân lực KHCN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, việc đánh giá thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất những giải pháp “đúng và trúng” cho phát triển nhân lực KHCN ở Việt Nam để tạo sức mạnh tổng thể trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc có vai trò quan trọng.

Thực trạng phát triển nhân lực khoa học, công nghệ ở Việt Nam

Năm 2023, Việt Nam có sự bùng nổ, vươn lên mạnh mẽ về lĩnh vực KHCN, nhiều nhà khoa khoa học được vinh danh ở các giải thưởng, bảng xếp hạng lớn. “Research.com, cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới công bố xếp hạng ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới. Trong số 7 nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam có tên, 5 người trong nước và 2 người ở nước ngoài”.

“Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện cả nước có 167.746 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trong đó, lượng người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực nhà nước là 141.084 người (chiếm 84,1%), khu vực ngoài nhà nước: 23.183 người (13,8%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: 3.479 người (2,1%). Đặc biệt, số lượng có trình độ tiến sĩ: 14.376 người, thạc sĩ: 51.128 người, đại học: 60.719 người…”(2). Số cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian FTE (Full Time Equivalent) của Việt Nam có 72.991 người. Trung bình 7,6 người nghiên cứu FTE trên 1 vạn dân, đứng thứ 4, sau Singapore (69,2 người), Malaysia (23,6 người) và Thái Lan (12,1 người). Phát triển nhân lực KHCN Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nổi bật như:

Số lượng và quy mô nhân lực KHCN tăng nhanh. Số cán bộ nghiên cứu có trình độ trên đại học chiếm tỷ lệ cao. Năm 2020, nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng chiếm khoảng 1,5 triệu người, trong đó giáo sư, phó giáo sư khoảng 2.000 người, hơn 14.000 tiến sĩ, hơn 11.000 thạc sĩ. Số cán bộ hoạt động trong lĩnh vực KHCN hơn 34.000 người, hơn 42.000 cán bộ giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và hàng vạn cán bộ KHCN làm việc trong các ngành, lĩnh vực kinh tế khác.

Các nhà khoa học hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học tại Khoa Công nghệ dược, Trường Đại học Dược Hà Nội
Ảnh: TTXVN

Việt Nam có bước phát triển trong nghiên cứu cơ bản, tạo tiền đề hình thành một số lĩnh vực KHCN đa ngành mới, như vũ trụ, y sinh, nano, hạt nhân; một số lĩnh vực khoa học tự nhiên, như: toán học, vật lý lý thuyết đạt thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Khoa học xã hội và nhân văn đã kịp thời cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương phát triển đất nước, hoàn thiện pháp luật, tạo tiền đề cho đổi mới tư duy kinh tế.

 Chất lượng nhân lực KHCN có bước tiến bộ về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng nghề. Trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, nhân lực KHCN đã nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ, bảo quản nông sản sau thu hoạch, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Trong lĩnh vực y dược, nhân lực KHCN đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, phát hiện, phòng và điều trị bệnh, đánh giá thực trạng một số bệnh trong cộng đồng có xu hướng gia tăng cùng với biến động của môi trường, khí hậu. Trong nông nghiệp, nhân lực KHCN nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, một số kỹ thuật tiên tiến đã được chuyển giao tới các địa bàn.

Việt Nam có những bước tiến bộ đáng kể trong phát triển nhân lực KHCN so với các nước thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ đột phá nhân lực chất lượng cao, nhân lực KHCN Việt Nam còn nhiều yếu kém, bất cập.

Một là, số lượng nhân lực KHCN của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với yêu cầu (17,5% lao động xã hội), trong khi còn khoảng 2,2% tổng số lao động có trình độ chưa có việc làm hoặc việc làm chưa ổn định. Mức độ phát triển về quy mô chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành KHCN trong giai đoạn chuyển đổi số.

Nhân lực KHCN có trình độ tiến sĩ tuy đông về số lượng nhưng về trình độ vẫn chưa đáp ứng được chuẩn quốc tế, chưa sử dụng thành thạo tiếng Anh hoặc ngoại ngữ chuyên ngành. Hơn 10.000 người có học vị tiến sĩ, nhưng chỉ có khoảng 30% cán bộ có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ và có thể trao đổi chuyên môn với các tổ chức quốc tế. Trong lĩnh vực R&D, đổi mới công nghệ, Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mặc dù, các nhà khoa học Việt Nam đã nỗ lực phát triển các nghiên cứu theo định hướng ứng dụng, tạo được nhiều công nghệ mới, sản phẩm mới, nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Nhân lực cho R&D công nghệ mỏng, nhất là những lĩnh vực công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như kỹ thuật số và công nghệ thông tin, tự động hóa, vật lý và khoa học vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học. Quá trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ yếu.

Số lượng cán bộ KHCN có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ được nâng lên rõ rệt, nhưng vẫn thiếu đội ngũ kế cận, nhất là trong các lĩnh vực KHCN ưu tiên, lĩnh vực công nghệ cao. Dự báo, năm 2025 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực công nghệ thông tin, chiếm hơn 78% tổng số nhân lực công nghệ thông tin thị trường cần. Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) - công nghệ được xác định là “trái tim” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và là điều kiện không thể thiếu để đưa Việt Nam trở thành quốc gia số - cũng đang thiếu hụt về số lượng. Xu thế biến động theo chiều hướng bất lợi khi số lượng các nhà khoa học giỏi ngày càng giảm do đến tuổi về hưu trong khi đội ngũ kế cận lại thiếu hụt nghiêm trọng.

Hai là, chất lượng nhân lực KHCN thấp, đặc biệt là thiếu các chuyên gia đầu ngành, các tổng công trình sư, các tập thể khoa học mạnh. Không chỉ thiếu hụt về số lượng, vấn đề chất lượng nhân lực công nghệ cao cũng là thách thức lớn trong quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam. Chất lượng đội ngũ cán bộ KHCN hạn chế, bất cập, thiếu các nhà khoa học giỏi, đầu ngành, chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ cao. Nhân lực KHCN phân bố không đều, một bộ phận sử dụng nhiều thời gian cho công tác quản lý; tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm yếu, khó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm nghiên cứu liên ngành hoạt động lâu dài, bền vững.

Việt Nam thiếu nhân lực KHCN ở các ngành mũi nhọn, có tính chất quyết định như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới. Cấp bằng độc quyền sáng chế của cán bộ KHCN Việt Nam thấp. Theo thống kê của Tập đoàn Công nghệ CMC, nhu cầu về nhân lực số rất cao, nhưng các trường đại học mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu, chất lượng chỉ đáp ứng 30% yêu cầu. Năm 2021, bất chấp dịch COVID-19, nhu cầu nhân lực của Samsung vẫn rất cao. Thực tế này cho thấy, chất lượng nhân lực số của Việt Nam còn thiếu và yếu.

Ba là, cơ cấu nhân lực KHCN mất cân đối theo trình độ, vùng, miền. Cơ cấu nhân lực KHCN chưa hợp lý. Tỷ lệ nhân lực gián tiếp trên tổng số nhân lực KHCN quá cao. Nhân lực trong lĩnh vực KHCN phần đông tập trung ở khu vực nhà nước, thiếu vắng trong doanh nghiệp. Nhân lực công nghệ cao chủ yếu ở một số ngành như công nghệ thông tin, công nghiệp sản xuất thiết bị tự động hóa. Nhân lực KHCN thường tập trung số lượng lớn ở các thành phố lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng..., trong khi ở các tỉnh khó khăn chiếm tỷ lệ thấp, nhất là các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều địa phương thiếu cả về số lượng và chất lượng đội ngũ nhà khoa học. Trên 90% số tổ chức KHCN có số nhân lực dưới 30 người, trong đó nhiều tổ chức có số nhân lực dưới 10 người.

Bốn là, hiệu quả hoạt động của nhân lực KHCN chưa cao, chưa thực sự đóng góp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một bộ phận không nhỏ nhân lực KHCN trình độ cao không trực tiếp làm nghiên cứu, do cơ chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đang chủ yếu dựa trên trình độ chuyên môn cao (học hàm, học vị). Đội ngũ cán bộ KHCN phân tán, một bộ phận không nhỏ chưa tận tâm với nghiên cứu khoa học. Việt Nam có nguy cơ thiếu hụt nhà khoa học giỏi, nhà khoa học đầu ngành.

Những hạn chế trong phát triển nhân lực KHCN Việt Nam do một số nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, nhận thức của đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý chưa cao. Đội ngũ cán bộ KHCN tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Thiếu tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức KHCN công lập chưa cao. Hợp tác quốc tế chưa đi vào chiều sâu, thiếu trọng tâm, chưa chú trọng đến chuyển giao, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến.

Thứ hai, chưa có cơ chế, chính sách đột phá để nhân lực KHCN trở thành nguồn lực cốt yếu cho sự phát triển. Chưa khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ. Hoạt động kết nối nghiên cứu giữa các nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp nhìn chung còn yếu, thiếu thông tin. Vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng xúc tiến, định giá công nghệ.

Các tổ chức KHCN công lập, kể cả các tổ chức KHCN có tiềm lực mạnh ít có cơ hội tuyển dụng được nguồn nhân lực trẻ, có trình độ khá, giỏi, chuyên tâm nghiên cứu khoa học để đào tạo, kế cận do mức lương và chính sách đãi ngộ của Nhà nước vẫn thấp so với các công ty, các tập đoàn, đặc biệt là các tổ chức quốc tế, các công ty liên doanh.

Thứ ba, đầu tư cho KHCN còn hạn chế. Tỷ lệ chi cho KHCN trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Tỷ trọng chi cho hoạt động KHCN chưa thực sự hợp lý, chi đầu tư còn thấp, chi thường xuyên cao. Mức chi cho một số nhiệm vụ KHCN phục vụ thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa tới ngưỡng. Đầu tư công cho KHCN chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước mặc dù đã được tăng, bình quân mỗi năm tăng 16%, đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng vẫn là một con số quá thấp so với nhu cầu của hoạt động KHCN. Các nước tiên tiến đầu tư cho phát triển KHCN, đặc biệt là nghiên cứu các sản phẩm khoa học ứng dụng luôn đạt từ 3 - 5% tổng chi ngân sách. Sự chênh lệch về vốn đầu tư cho KHCN là thách thức lớn cho phát triển nhân lực KHCN Việt Nam.

Thứ tư, chưa tạo điều kiện và khuyến khích được các nhà khoa học và các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng KHCN cũng như chưa tạo ra được thị trường KHCN. Hoạt động KHCN chưa tương xứng với tiềm năng. KHCN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chưa hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện đổi mới, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ; chưa tạo tính tự chủ cho các tổ chức nghiên cứu khoa học.

Thứ năm, thiếu chuyên gia giỏi đầu ngành, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp thấp, còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực Đông Nam Á. Trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh, như công nghệ thông tin, viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính ngân hàng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế. Năng lực nghiên cứu ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường đại học còn khiêm tốn.

Lực lượng cán bộ KHCN thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mũi nhọn. Chưa tạo được phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, KHCN chưa thực sự gắn chặt với thị trường. Các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn ít. KHCN chưa thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế, xã hội, cho tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội. Nhiều kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương chưa dựa trên cơ sở khoa học chuyên sâu, dẫn đến đầu tư dàn trải, thiếu tính khả thi. Một số nhiệm vụ nghiên cứu chưa bám sát yêu cầu sản xuất và đời sống.

Nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghệ Nano, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: TTXVN

Một số giải pháp phát triển nhân lực khoa học, công nghệ ở Việt Nam

Để tạo bước đột phá trong phát triển nhân lực KHCN đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số và đáp ứng chỉ tiêu 10 nhân lực KHCN trên một vạn dân năm 2025, tăng lên 12 nhân lực KHCN trên một vạn dân năm 2030, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện những giải pháp sau:

Thứ nhất, đổi mới nhận thức và tăng cường công tác giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực KHCN. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, giáo dục - đào tạo cần thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, do vậy phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Cơ cấu đào tạo cần chú trọng theo hướng phù hợp với việc áp dụng mô hình kinh tế số. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trong đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao thuộc các lĩnh vực KHCN ưu tiên. Bên cạnh đó, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương pháp quản lý, chấp nhận rủi ro để thúc đẩy triển khai ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới dựa trên KHCN.

Hoàn thiện kế hoạch đào tạo cán bộ KHCN trẻ để tạo ra lượng lao động có năng lực và phẩm chất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của quá trình chuyển đổi số. Nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học ở các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm đáp ứng kịp thời lực lượng lao động có trình độ KHCN cao. Đổi mới chương trình đào tạo cho đối tượng nhân lực KHCN trong các trường cao đẳng, đại học hướng tới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tạo kênh kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thống nhất nhu cầu về nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp vì khu vực doanh nghiệp là đơn vị trực tiếp tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực KHCN và phát triển chuyên môn, năng lực cho các học viên. Khuyến khích sinh viên theo đuổi ngành nghề, lĩnh vực có liên quan chặt chẽ đến KHCN thông qua hỗ trợ tài chính, kinh phí đào tạo, học bổng, tìm kiếm việc làm.

 Đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở các trường đại học đóng vai trò then chốt trong phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, giúp tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng làm việc cho quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn thế giới. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KHCN là giải pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc phát triển đội ngũ nhân lực KHCN Việt Nam. Đây là giải pháp hiệu quả nhất, mang tính lâu dài mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang ưu tiên thực hiện.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi nhằm phát triển nhân lực KHCN trình độ cao. Đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực KHCN trình độ cao, đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, từng bước nâng cao tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành tiệm cận với tiêu chuẩn ở các nước phát triển. Tiếp tục chương trình tuyển chọn, gửi đi đào tạo nhân lực KHCN trình độ cao thuộc các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm tới các nước có nền KHCN tiên tiến. Khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học trong nước liên kết với các trường đại học nước ngoài để đào tạo nhân lực KHCN tại Việt Nam. Có chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với đội ngũ nhân lực KHCN tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia.

Xác định chiến lược tạo nguồn cán bộ KHCN phải gắn liền với yêu cầu đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Chú trọng các ngành, lĩnh vực mang tính liên ngành, công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa và đào tạo kỹ năng mang tính toàn cầu. Kế hoạch phát triển nhân lực KHCN phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng mối quan hệ ổn định, liên kết giữa doanh nghiệp với nhà khoa học để nâng cao tính ứng dụng của các sản phẩm KHCN.

Thứ ba, hoàn thiện công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng phát triển nhân lực KHCN. Đây là giải pháp quyết định, chi phối các giải phát triển nguồn nhân lực KHCN, bởi công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược tác động trực tiếp, tạo nên “nội lực” để nguồn nhân lực KHCN phát triển. Thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển không chỉ bảo đảm cho nguồn nhân lực KHCN có sự phát triển toàn diện về số lượng, chất lượng, cơ cấu mà còn tạo hành lang pháp lý vững chắc để nguồn nhân lực KHCN yên tâm công tác, cống hiến.

Công tác quy hoạch đội ngũ viên chức KHCN cần gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, chuyên gia đầu ngành, chuyên môn hoá ở các lĩnh vực. Hoạt động quy hoạch nhân lực KHCN phải bao quát được cơ cấu nhân lực KHCN theo các chuyên ngành KHCN với các chức danh đảm nhiệm, cơ cấu cụ thể: độ tuổi, trình độ học vấn, nhóm ngành hoạt động, chức danh chuyên môn kỹ thuật, cơ cấu giới… Ưu tiên đào tạo các chuyên gia, viên chức khoa học và công nghệ có trình độ cao.

Thứ tư, tăng cường thu hút nhân lực KHCN và đổi mới sáng tạo, các chuyên gia hàng đầu từ bên ngoài. Cùng với thu hút, trọng dụng nhân tài trong nước, cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân lực KHCN và đổi mới sáng tạo, các chuyên gia hàng đầu quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, cơ sở vật chất để thu hút các nhà khoa học trên thế giới, các tổ chức nghiên cứu khoa học đến liên kết, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân tài, chuyển giao công nghệ. Thu hút qua đãi ngộ các nhà khoa học trình độ cao đã trở thành giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để nâng cao năng lực đội ngũ KHCN quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số thì việc thu hút trí thức KHCN giỏi không phải là điều đơn giản.

Tạo lập môi trường, điều kiện làm việc tốt để giữ chân nhân tài với chú trọng trang bị cơ sở vật chất, phòng nghiên cứu, thực hành, thư viện hiện đại… góp phần quan trọng để đào tạo nguồn nhân lực trẻ, trí tuệ cao đáp ứng nhu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có chính sách đưa người Việt Nam vào làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ngoài, sau đó trở về nước làm việc. Tạo thuận lợi cho các giảng viên, cán bộ nghiên cứu thường xuyên tham gia vào hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.

Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với những cán bộ KHCN có cống hiến to lớn, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ chế trả lương cần gắn với kết quả, hiệu quả thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao đối với viên chức KHCN. Đây là yếu tố quan trọng không chỉ thu hút, giữ chân được nhân tài, chuyên gia KHCN đầu ngành mà còn giúp giữ gìn phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ làm KHCN. Thành lập quỹ học bổng cho các nhà khoa học trẻ giúp nhân lực KHCN có cơ hội nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu một cách hiệu quả.

Thứ năm, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nhân lực KHCN. Việt Nam hiện đang là thành viên của gần 100 tổ chức quốc tế về KHCN, có quan hệ về hợp tác KHCN với hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Để hợp tác quốc tế trong phát triển nhân lực KHCN đạt hiệu quả cần đa dạng hóa, đa phương hoá đối tác và hình thức hợp tác, lựa chọn đối tác chiến lược, gắn kết giữa hợp tác quốc tế về KHCN với hợp tác quốc tế về kinh tế. Bên cạnh các mối quan hệ hợp tác truyền thống với Nga, các nước Đông Âu..., Việt Nam tiếp tục mở rộng, thiết lập và phát triển các mối quan hệ hợp tác mới với các nước Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông. Năm 2023, Việt Nam ghi nhận sự hợp tác với nhiều nhà khoa học, doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực AI toàn cầu, như giáo sư Andrew Ng của Landing AI, CEO Jensen Huang của Nvidia…

Cùng với đó, ban hành chính sách thu hút chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài có trình độ cao đến Việt Nam tham gia nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn, đảm đương các chức vụ quản lý nghiên cứu KHCN. Tăng cường tối đa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN trong hợp tác quốc tế.

Phát triển nhân lực KHCN là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, việc phát triển nhân lực KHCN đòi hỏi các giải pháp khoa học và thực tế, cần phải được thực hiện đồng bộ, có hệ thống. Các giải pháp phải mang tính toàn diện từ tạo nguồn, quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng, trọng dụng nhân lực KHCN./.

ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét